Raph đăng ký chương trình đào tạo kép luân phiên giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thời hạn cuối sắp đến, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ Raph nhưng chưa có tín hiệu tích cực. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng thông qua loại hình đào tạo này dường như đã chốt xong nhân sự.
Cuối tuần rồi, cậu hớn hở thông báo đã có công ty nhận. Raph hạnh phúc vì sẽ vừa giải quyết được vấn đề tài chính (học phí cao, sinh hoạt phí đắt đỏ), vừa tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp trước khi thành kỹ sư chính thức. Tuy nhiên, sau khi đánh giá nội dung chi tiết công việc dự kiến tại doanh nghiệp, tôi chưa thể phê duyệt. Trước sự thất vọng của Raph, tôi phải giải thích lần nữa về tiêu chuẩn đào tạo của trường cũng như yêu cầu của thị trường với một kỹ sư. Không phải trải nghiệm nào cũng được xem là kinh nghiệm.
Áp lực "phải có kinh nghiệm" của Raph là vấn đề chung của phần lớn sinh viên sắp bước vào thị trường lao động. Theo báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2023 vừa được công bố bởi nền tảng tuyển dụng nhân sự AI Top Dev, Việt Nam đang rơi vào giai đoạn thiếu nhân sự ngành này, đặc biệt là nhân sự giỏi, có kinh nghiệm, dù vẫn dư thừa "fresher" (sinh viên mới ra trường).
Vậy là, những sinh viên của tôi, như Raph, phải chạy đôn chạy đáo "tìm thêm nhiều kinh nghiệm"; còn các bạn trẻ Việt Nam ôm nỗi ấm ức "mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?".
"Kinh nghiệm" là gì, và lấy ở đâu?
Kinh nghiệm thường được nhìn nhận đơn giản là sự trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp, có được thông qua việc từng đảm nhận các vị trí tương tự. Doanh nghiệp muốn có nhân sự kinh nghiệm để làm việc được ngay, nhằm tăng hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí đào tạo. Tuy nhiên, nhà trường hiện nay, dù đã cố gắng thay đổi, vẫn chưa thể bảo đảm cho sinh viên được trải nghiệm đầy đủ các vị trí mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Trường đại học khó có điều kiện trang bị kinh nghiệm cụ thể, chỉ có thể cung cấp các kỹ năng cơ bản để đảm nhận một loại công việc nào đó.
Sự "lệch rơ" về yêu cầu "kinh nghiệm" giữa doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của người lao động - nhà trường khiến cho cả ba cùng gặp khó.
Trong khuôn khổ chương trình đào tạo kỹ sư, sinh viên của tôi phải có khả năng nhận diện vấn đề, phân tích vấn đề, nghiên cứu đánh giá các giải pháp hiện có (được cập nhật theo thời gian), đưa ra quyết định lựa chọn, hiện thực hóa phương án giải quyết, đánh giá và phê chuẩn lời giải.
Đây là những bước tiêu chuẩn tối thiểu và bắt buộc với một kỹ sư nói chung. Ngoài ra, để thực hiện các đồ án trong phạm vi trường học, sinh viên được yêu cầu áp dụng những công cụ quản lý và hỗ trợ đang phổ biến trên thị trường. Chính vì vậy, công việc của sinh viên trong khuôn khổ các kỳ thực tập (ngắn và dài), các khóa đào tạo kép luân phiên cũng phải đáp ứng những bước tiêu chuẩn trên. Nói cách khác, kinh nghiệm nghề nghiệp với chúng tôi là sự từng trải về kiến thức và kỹ năng phải có, tương ứng các vị trí hay chức danh nghề nghiệp; chứ không nhất thiết phải trực tiếp đảm nhận một vị trí hay công việc cụ thể nào đó.
Trong trường hợp của Raph, công việc mà cậu được giao chỉ vun đắp kiến thức và kỹ năng của một kỹ thuật viên, hơn là của kỹ sư, vì vậy không được tính là kinh nghiệm nghề nghiệp kỹ sư. Chúng tôi đã thảo luận với phía doanh nghiệp nhằm thiết kế lại công việc cho Raph. Với doanh nghiệp, chi phí bỏ ra không thay đổi, nhưng họ có thêm một nhân sự với yêu cầu học hỏi và áp dụng kiến thức - kỹ năng cao hơn. Cuối cùng, hợp đồng đào tạo kép luân phiên cho Raph được điều chỉnh và ký kết.
Ở Việt Nam, bộ phận nhân sự của nhiều doanh nghiệp khá "lười biếng" trong việc chia nhỏ các vị trí công việc với những kỹ năng và mức lương tương ứng. Nhiều vị trí không cần trọn vẹn bộ kỹ năng hoặc kinh nghiệm nhưng vẫn bị đòi hỏi. Điều này gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng, mặt khác có thể lãng phí về nhân lực theo nghĩa bằng cấp cũng như lãng phí về tiền lương. Lương cao cho một vị trí không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng là một sự lãng phí tài chính của doanh nghiệp, nhưng lương thấp cho người trình độ cao lại là sự bạc đãi với người lao động. Sự yêu cầu quá mức về kinh nghiệm khiến doanh nghiệp nhiều trường hợp đã sử dụng "dao mổ bò" chỉ để "giết gà".
Tận dụng lực lượng lao động chưa hoàn thành quá trình đào tạo trong nhà trường cho những vị trí phù hợp là một cách tối ưu nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện dần kỹ năng cho người lao động. Nhiều tập đoàn quốc tế tại Việt Nam như Intel hay Coca Cola thường xuyên có những chương trình như vậy. Nhiều bạn bè tôi - những người có sự nghiệp thăng tiến tốt - cũng từng xuất thân từ các chương trình đó.
Trong mối quan hệ tay ba giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp, đã đến lúc mỗi thành phần phải định rõ công việc nào - kỹ năng ấy - người lao động đó. Tối ưu hóa mối quan hệ này sẽ giúp doanh nghiệp vừa tối ưu chi phí, vừa chủ động xây dựng lực lượng lao động "fresher", ít kinh nghiệm - theo nghĩa thâm niên - nhưng không thiếu kỹ năng, trái lại rất tươi mới trong tư duy và có khả năng thích ứng tốt với thị trường việc làm nhiều biến động ngày nay.
Võ Nhật Vinh