"Hoan nghênh các bạn đến kiếm tiền" là câu mở đầu mẫu tuyển dụng của Công ty TNHH Tai Việt, chuyên về may mặc ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Do tăng thêm dây chuyền sản xuất và bù đắp lao động nghỉ việc sau Tết, nhà máy cần tuyển thêm 100 công nhân, nâng quy mô lên trên 700 người.
Ngoài lương căn bản hơn 5,2 triệu đồng mỗi tháng, người lao động còn có thêm các khoản phụ cấp cho con học mầm non, tiểu học, lương tháng 13... Ngoài ra, với những công nhân có cha mẹ ruột trên 65 tuổi, hàng tháng nhà máy sẽ hỗ trợ 150.000 đồng mỗi trường hợp.
Bà Trần Thị Thu Thắm, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Tai Việt, cho biết mỗi ngày bộ phận tuyển dụng tiếp nhận khoảng 10 hồ sơ. Nhà máy sắp xếp phỏng vấn ngay trong tuần, nếu ứng viên đạt sẽ đi làm ngay. Với công nhân có tay nghề, chịu khó, có nhiều sản phẩm thu nhập mỗi tháng có thể lên 20 triệu đồng, mức thu nhập bình quân ở Tai Việt 12-15 triệu đồng.
So với nhiều doanh nghiệp trong ngành, Tai Việt thuộc nhóm có đơn hàng ổn định, lao động thường xuyên tăng ca để đảm bảo tiến độ xuất hàng. Bà Thắm lý giải công ty mẹ ở Đài Loan có khách hàng lớn nên đơn hàng ổn định, lịch sản xuất được lên 1-2 năm.
Cách Công ty Tai Việt không xa, Công ty Furukawa Automotive Parts Viet Nam (FAPV), chuyên lắp ráp bộ dây điện xe hơi, cũng đang cần tuyển 200 công nhân nữ do mở rộng sản xuất và bù đắp lao động nghỉ việc trước Tết. Doanh nghiệp đảm bảo thu nhập cho người mới 8-10 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết độ tuổi tuyển dụng lên đến 40, trình độ chỉ cần biết đọc viết nên cơ hội hầu như dành cho tất cả lao động. Nhà máy có ký túc xá, xe đưa đón. Nếu là người mới ở tỉnh lên, công ty sẽ trả toàn bộ chi phí đi lại. Để nhanh chóng tuyển đủ chỉ tiêu, doanh nghiệp còn thuê thêm dịch vụ cung ứng lao động tìm nguồn.
Ngoài Tai Việt, FAPV nhiều nhà máy khác ở Khu chế xuất Tân Thuận cũng đẩy mạnh tuyển dụng sau Tết. Anh Nguyễn Thanh Cao, phụ trách tuyển dụng của đơn vị cung ứng lao động Lâm Thịnh Phát, cho biết nếu với quý 4 năm ngoái chỉ có hai nhà máy trong khu cần 150 lao động thì đầu năm nay số công ty cần tuyển người đã tăng lên 6 với gần 3.000 vị trí việc làm.
"Nhu cầu tăng lên 20 lần so với trước. Nhiều công ty yêu cầu chỉ cần có sức khỏe và trong độ tuổi lao động là nhận", anh Cao nói. Tuy nhiên, so với các năm trước, các nhà máy muốn tuyển công nhân chính thức thì năm nay ưu tiên nhận thời vụ do các đơn hàng mới chỉ phục hồi trong ngắn hạn, còn đơn lẻ. Với người lao động đây là giai đoạn thử nghiệm môi trường làm việc và đăng ký lên chính thức khi công ty có đợt tuyển dài hạn.
Tương tự, với ngành dệt may phía Nam dù đơn hàng tiếp tục khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển mới để bù đắp lao động nghỉ tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết sau Tết công nhân ở các nhà máy biến động 10-15%, tương đương 5.000-7.500 người. Các doanh nghiệp sẽ tuyển để bù đắp số thiếu hụt này.
Năm nay, dệt may phấn đấu đưa thu nhập bình quân của lao động toàn ngành lên mức 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo bà Thủy, hiện môi trường làm việc của các nhà máy được cải thiện tốt, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, hạn chế tăng ca... trong khi nguồn cung đang dồi dào nên các doanh nghiệp kỳ vọng việc tuyển mới sẽ dễ dàng.
Theo một khảo sát của sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM ngay sau Tết, gần 500 doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.300 lao động chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc da giày, điện tử, hóa nhựa... Riêng trong quý 1 năm nay, dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 79.000 – 87.000 người.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội, cho biết để hỗ trợ lao động thành phố sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động, trong đó chú trọng việc kết nối lao động ở các tỉnh đến thành phố để tư vấn, giới thiệu việc làm.
Trong tháng 2, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức chương trình tiếp sức người lao động, kết nối với các tỉnh Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum để hỗ trợ người tìm việc đến thành phố. Ngoài ra, sẽ có nhiều phiên, sàn trực tuyến do Trung tâm dịch vụ làm thành phố tổ chức để doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động quý 1.
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, trong quý 1 doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 10.000 lao động. Số lượng này bao gồm tuyển mới chiếm 35%, còn lại là bù đắp các trường hợp về quê nghỉ Tết nhưng không trở lại làm việc. 80% số tuyển mới là lao động phổ thông nhưng doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm hoặc có tay nghề. Ngành nghề chủ yếu may mặc, giày da, điện tử, cơ khí...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, mỗi tháng sẽ tổ chức hai phiên giao dịch việc làm gồm trực tuyến và trực tiếp. Với những lao động thất nghiệp, cán bộ trung tâm đẩy mạnh giới thiệu việc làm, kết nối cung – cầu. Tỉnh cũng tiếp tục liên kết tuyển dụng với các tỉnh có nguồn cung dồi dào để đưa lao động về Bình Dương làm việc.
Lê Tuyết