Tại cuộc tọa đàm "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài" do báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 6/7, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng kinh tế, Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong ba nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Theo ông Thắng, nếu trong chiến tranh, quân đội "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", thì sau khi thống nhất đất nước, quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế; giải quyết các vấn đề khó khăn về quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội trên địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế...
Bên cạnh đó, để phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội phải đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm quân sự phục vụ quốc phòng. Khi các sản phẩm này đã đáp ứng được yêu cầu quốc phòng, thì cần phải đưa vào phục vụ dân sinh, tạo nguồn thu để tiếp tục phát triển sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ quốc phòng.
"Quân đội góp phần điều chỉnh lại lực lượng sản xuất trên các vùng, miền, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu quốc phòng, tạo thế trận quốc phòng vững mạnh ở các địa bàn chiến lược, từ đó bảo vệ tổ quốc từ xa, tạo nguồn của cải vật chất đáng kể cho xã hội và là nguồn thu bổ sung cho ngân sách quốc phòng", Cục trưởng Kinh tế nói.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng kinh tế, Bộ Quốc phòng. |
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, doanh nghiệp có tiền thân từ Binh chủng Thông tin liên lạc. Trong 28 năm qua, doanh nghiệp này đã có các giai đoạn khởi nghiệp, làm thuê, làm chủ và hội nhập quốc tế. Năm 2016, doanh thu của Viettel đạt 227.000 tỷ đồng, lợi nhuận 39.000 tỷ, nộp ngân sách nhà nước 31.000 tỷ đồng. Viettel đứng đầu nộp ngân sách ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
"Trong 10 năm đầu, Viettel chỉ là một công ty nhỏ bé, vô danh tiểu tốt với quân số trên 100 người, lưng vốn 2,3 tỷ đồng, trong đó có một xe Uoat cũ, phải tự lực cánh sinh bươn trải trên thương trường. Thiếu vốn liếng, nhân lực, công nghệ, khó khăn đến mức không có một buổi lễ ra mắt thành lập Công ty", ông Dũng chia sẻ.
“Nói như vậy để mọi người thấy rằng Viettel khởi nghiệp rất gian nan, chứ không phải như một số thông tin trên mạng, cho rằng Viettel được bao cấp, được ưu đãi lớn của Quân đội”, ông Dũng khẳng định.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. |
Đại tá Tạ Vĩnh Cát, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế quốc phòng 799 (Quân khu 1) cho biết, nhiệm vụ của Đoàn không chỉ có sản xuất, xây dựng kinh tế, mà còn làm công tác dân vận, thực hiện các chính sách an sinh, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn. Đoàn có trách nhiệm củng cố thế trận quốc phòng an ninh và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
"Sự có mặt của những người lính trên mặt trận kinh tế đã làm thay da đổi thịt những vùng đất biên giới như Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Tại nơi đứng chân, Đoàn kinh tế quốc phòng 799 đã đầu tư xây dựng được 9 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 15 km kênh mương, phục vụ tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa nước; hỗ trợ nhân dân khai hoang, cải tạo được hơn 580ha đất canh tác", ông Cát nói.
Bên cạnh đó, Đoàn 799 cũng đã giúp di dân ra sát biên giới và ổn định cuộc sống cho hơn 900 hộ gia đình, tạo được dải biên giới có dân sinh sống kéo dài trên hàng chục km đường biên.
"Để xây dựng các điểm trường, nhà ở nội trú khang trang thay thế cho những lớp học tạm bằng tranh tre, những người lính ở Đoàn 799 đã phải nghiền đá núi để làm gạch ba-banh, mỗi ngày tổ chức 2 chuyến vượt hàng chục km đường rừng núi để mang nước về công trường", đại tá Cát kể.
Tham gia tọa đàm, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan ví von, quân đội giống như con chim có 2 cánh, một cánh là bảo vệ, một cánh là xây dựng. Không thể nào xây dựng mà không bảo vệ đất nước và ngược lại, không thể bảo vệ được đất nước vững chắc nếu không phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Theo ông, đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng của đất nước để không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Quân đội làm kinh tế nhưng "gen bảo vệ" vẫn là gen trội, "gen kinh tế" chỉ là gen bổ sung. Trong làm kinh tế thì sản xuất là chính, kinh doanh ở vị trí thấp hơn.
Trước đó, phát biểu tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP HCM sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết sau chỉ thị của Thủ tướng thì Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra đất đai do Bộ quản lý trên địa bàn thành phố, "cần sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng thì giữ lại, phần nào không cần sẽ giao cho thành phố để phát triển kinh tế". Cũng theo Tướng Chiêm, "hiện đã có chủ trương là Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa"...
Tại cuộc tọa đàm, Ban tổ chức đã công bố bài viết của Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn, trong đó khẳng định thời gian tới, Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiện toàn tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. |