Ba nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm 7/12 cho biết Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đề cử tướng về hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thay vì cựu thứ trưởng quốc phòng Michele Flournoy hay cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson.
Nếu được Biden lựa chọn và Thượng viện thông qua, Austin sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên của Mỹ, sau khi đi vào lịch sử với tư cách là người da màu đầu tiên giữ chức phó tham mưu trưởng lục quân và chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM).
Austin sinh ngày 8/8/1953 tại thành phố Mobile, bang Alabama và lớn lên tại bang Georgia. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point vào tháng 6/1975 với bằng cử nhân khoa học, nhận bằng thạc sĩ ngành tư vấn giáo dục và quản trị kinh doanh trong giai đoạn 1986-1989. Austin cũng tốt nghiệp các khóa đào tạo sĩ quan bộ binh ở Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ và Trường Chỉ huy - Tham mưu Lục quân Mỹ.
Austin sau đó trải qua nhiều vị trí chỉ huy trong lục quân Mỹ. Ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Iraq (USF-I) trong buổi lễ tại Iraq với sự tham gia của Phó tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen hồi tháng 9/2010.
Ông là người giám sát hoạt động rút quân và điều chuyển khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ tại Iraq, trước khi rời nước này cuối năm 2011 và được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ.
Một năm sau, Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm Austin làm chỉ huy CENTCOM, đơn vị đặc trách toàn bộ hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông. Trong thời gian ông chỉ huy CENTCOM, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy ở Iraq và Syria từ giữa năm 2014.
Ông đã chỉ huy việc triển khai lực lượng và thực thi các chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria cho đến khi nghỉ hưu ngày 5/4/2016, kết thúc 41 năm phục vụ trong lục quân Mỹ.
Sau khi rời quân ngũ, tướng Austin gia nhập ban lãnh đạo Raytheon Technologies, một trong những tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ. Một năm sau, ông chuyển sang tập đoàn thép Nucor lớn nhất nước Mỹ, đồng thời giữ chức giám đốc độc lập tại công ty dịch vụ y tế Tenet Healthcare, cũng như vận hành công ty tư vấn riêng Austin Strategy Group.
Nguồn tin am hiểu tình hình cho biết Biden chọn Austin vì tướng về hưu này từng được thử lửa trong nhiều cuộc khủng hoảng và nhận được nhiều sự kính trọng từ quân đội. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng tin tưởng Austin do hai người từng nhiều lần làm việc cùng nhau dưới thời Obama, trong đó Biden phụ trách chính sách Iraq còn Austin chỉ huy lực lượng Mỹ tại nước này.
Cựu tướng lục quân có nhiều kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại và hậu cần, yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh quân đội Mỹ có thể triển khai nguồn lực để phân phát vaccine Covid-19.
Tướng Austin được đánh giá là chỉ huy am hiểu chiến trường, có năng lực nhưng rất cẩn trọng. Ông thường tránh xuất hiện trước công chúng, hiếm khi tham gia những sự kiện như họp báo hoặc thảo luận tại các diễn đàn. Điều này khiến Austin được nhiều tờ báo Mỹ mệnh danh là "tướng vô hình".
Những phẩm chất đó khiến tướng Austin được đánh giá là lựa chọn an toàn cho Biden. "Đó là một người lính tốt và sẽ tuân thủ chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử. Sẽ có ít căng thẳng hơn khi Austin trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, thay vì Johnson hay Flournoy. Có thể sẽ ít bất đồng và quan hệ sẽ trôi chảy hơn", một cựu quan chức quốc phòng Mỹ am hiểu tình hình chuyển giao quyền lực cho hay.
Tuy nhiên, Austin dường như không có năng khiếu chính trị và từng nhiều lần gặp trục trặc trong những buổi điều trần trước quốc hội Mỹ. Hồi năm 2015, ông từng thừa nhận Bộ Quốc phòng Mỹ đã thất bại trong kế hoạch 500 triệu USD huấn luyện các tay súng nổi dậy Syria.
CENTCOM dưới thời Austin cũng bị cáo buộc che giấu mức độ nghiêm trọng của các nhóm khủng bố trong báo cáo tình báo, đồng thời vẽ ra bức tranh tươi sáng hơn thực tế về hoạt động của quân đội Mỹ. Cuộc điều tra của Lầu Năm Góc vào năm 2017 đã bác bỏ cáo buộc nhằm vào tướng Austin.
Tính cẩn trọng của ông cũng đặt ra những dấu hỏi về cách tiếp cận với nhiều vấn đề nóng bỏng như sự trỗi dậy của Trung Quốc, chiến lược đối phó Nga và kế hoạch trị giá 1.200 tỷ USD nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Quyết định chọn tướng Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng vẫn vướng phải nhiều phản đối từ giới nghị sĩ và chuyên gia an ninh quốc gia. Họ cho rằng ông rời quân đội chưa đủ 7 năm nên sẽ cần sự miễn trừ của quốc hội để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.
Nếu được chọn, ông sẽ là lãnh đạo Lầu Năm Góc thứ hai phải xin giấy miễn trừ, sau khi Tổng thống Donald Trump đề cử tướng Jim Mattis vào vị trí này hồi năm 2017.
Bên cạnh đó, quan hệ làm việc của Austin với các tập đoàn quốc phòng và công nghiệp cũng gây lo ngại nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động của Lầu Năm Góc.
Vũ Anh (Theo Politico)