-
18h40
Thứ trưởng Công Thương: Việc bán hay không xăng E5 là quyền của doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi báo chí liên quan tới đề xuất của một doanh nghiệp "không muốn tiếp tục bán xăng sinh học E5 RON92", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ông không nắm được thông tin này và tên cụ thể doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông trong kinh doanh "lỗ lãi là chuyện bình thường và quyền bán mặt hàng nào thuộc quyết định của doanh nghiệp".
Vị Thứ trưởng một lần nữa khẳng định việc bán đại trà xăng sinh học E5 RON92 từ 1/1/2018 là "chủ trương đúng của Chính phủ và thực hiện sau thí điểm bán xăng này vài năm tại một số thị trường". Hiện tỷ lệ xăng E5 RON92 trong cơ cấu các mặt hàng đã tăng lên đáng kể.
-
18h35
Phó thống đốc: Nhà băng không phân biệt khách hàng VIP và thông thường
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc khách hàng Eximbank mất 245 tỷ đồng, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vụ việc này diễn ra năm 2017 và cuối năm này cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án.
Đến nay Eximbank đã có những động thái tích cực bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đây là ưu tiên hàng đầu.
Bà cũng khẳng định, "chúng tôi không có chỉ đạo nào về phân biệt khách hàng VIP và thông thường, các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước".
-
18h15
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải tính tới 'hiệu quả đầu tư đồng tiền'
Lãnh đạo Bộ Giao thông thông tin về quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Liên quan tới quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, VnExpress đặt câu hỏi: Tư vấn Pháp cho rằng việc mở rộng sân bay này về phía Bắc (khu vực có đất quốc phòng, sân golf) sẽ gây tốn kém trong thu hồi đất, ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh,… nên đã đề xuất chủ yếu mở rộng sân bay về phía Nam. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của TP HCM lại có quan điểm ngược lại và thống nhất phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc dù có hay không xây thêm đường băng thứ 3. Trước ý kiến khác nhau như vậy, quan điểm của Chính phủ như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Giao thông Vận tải nói, phải đặt việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh phát triển chung cảng hàng không khu vực này và theo lộ trình đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác.
Khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành không có nghĩa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng cửa, mà vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, giống như một số sân bay tương tự tại Nhật Bản, Thái Lan...
“Chúng ta phải xác định, cân nhắc hiệu quả đầu tư, hiệu suất sử dụng để không dư thừa năng lực, đồng tiền khi đầu tư… Tất cả những mặt này đã được nghiên cứu kỹ từ tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài”, Thứ trưởng Đông nói.
Về những ý kiến phản biện của nhóm tư vấn TP HCM, ông Đông cho hay, Bộ sẽ tiếp thu và làm rõ quy hoạch trước kia còn phù hợp hay không trong bối cảnh tương quan 2 sân bay (Long Thành và Tân Sơn Nhất).
Theo ông Đông, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc và xây thêm đường băng thứ 3 hay không đã được nêu lên nhiều lần, qua nghiên cứu, tư vấn nước ngoài đề nghị không xây dựng đường băng thứ 3 và phát triển thêm đường lăn, phát triển ga hàng hoá, cơ sở dịch vụ hàng không…
"Chúng ta vẫn phải tận dụng phát triển về phía Bắc, trong khi phát triển nhà ga về phía Nam tổ chức sẽ hiệu quả, đảm bảo giá trị đồng tiền”, Thứ trưởng Giao thông nhấn mạnh và khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu cả những ý kiến mang tính phản biện, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 3.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông thuê tư vấn nước ngoài đánh giá toàn diện và độc lập về các phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian qua TP HCM cũng chủ động có nhóm nghiên cứu của thành phố với tinh thần tích cực và trách nhiệm.
"Thủ tướng đã nghe tổ tư vấn của TP HCM báo cáo, việc các bên tư vấn có quan điểm khác nhau là bình thường. Trong tuần sau, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe các báo cáo liên quan và lãnh đạo Chính phủ sẽ xem xét vấn đề theo quy định", ông Dũng nói.
Báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải chiều 27/2 về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp cho rằng, nếu mở rộng sân bay về phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thiện Tống (thành viên nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập) cho biết, chủ trương nhất quán của TP HCM là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, bởi khu vực này còn là hướng kết nối giao thông, kết nối đô thị.
Hiện Sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường vì sản lượng hành khách hàng năm đã vượt quá công suất thiết kế.
-
18h11
Chính phủ có khuyến khích các bộ trưởng nộp hồ sơ xét duyệt chức danh GS, PGS?
Phóng viên nêu câu hỏi "để xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo thì các thành viên Chính phủ phải dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo, điều hành. Vậy Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ đăng ký nộp hồ sơ xét duyệt các chức danh như giáo sư, phó giáo sư hay không?".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: Về vấn đề này, phải làm theo quy định, bảo đảm chất lượng. Nếu như lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ ứng viên, báo cáo Hội đồng, nhưng phải thực sự chất lượng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là được tham gia nhưng phải đi vào thực chất, đó là chất lượng.
Về thông tin liên quan đến việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong danh sách rà soát lại chức danh Giáo sư vì có đơn khiếu nại, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng giải đáp: "Nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo, theo pháp luật của nhà nước. Nếu thụ lý được sẽ phải thụ lý".
-
18h10
94 ứng viên chưa đủ điều kiện GS, PGS
Lãnh đạo Bộ Giáo dục thông tin về kết quả rà soát xét công nhận chức danh GS, PGS
Trả lời câu hỏi của VnExpress về kết quả rà soát xét công nhận chức danh GS, PGS, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này.
Theo ông Dũng, chức danh GS, PGS là chức danh nghề nghiệp gắn với hoạt động khoa học, gắn với giảng dạy, là đội ngũ quan trọng, là niềm tự hào của dân tộc. Ngay sau khi có dư luận băn khoăn về chất lượng GS, PGS, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phải rà soát lại.
Bộ trưởng Dũng thông tin, hôm nay Bộ Giáo dục đã báo cáo Thủ tướng, trong đó có 94 ứng viên chủ đủ số bài báo, giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học... Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm nghiêm túc và đánh giá thực chất. Những ứng viên đủ giờ giảng thì phải làm rõ giảng ở đâu, thỉnh giảng hợp đồng thế nào, khả năng ngoại ngữ ra sao..., tất cả phải minh bạch. Thủ tướng giao Bộ trưởng Giáo dục phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này và báo cáo tại phiên họp Thường trực Chính phủ sắp tới.
Thông tin về việc xét công nhận chức danh GS, PGS, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết đây là việc làm thường niên. Tiêu chuẩn xét công nhận được thực hiện theo quy định. Trong năm 2017, số lượng đạt chuẩn chức danh GS, PGS tăng nhiều hơn so với những năm trước. Nguyên nhân là do thời gian kết thúc nhận hồ sơ năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng này những ứng viên tiếp tục tích luỹ đủ điều kiện tăng lên, như tăng thêm số lượng bài báo, hướng dẫn nghiên cứu sinh...
Ngoài ra, số lượng ứng viên có đủ điều kiện đáp ứng vì gần đây Chính phủ có đề án cho giáo viên đi học nước ngoài, họ được đào tạo rất bài bản, tích luỹ được các bài báo khoa học, giờ giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thêm vào đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo viên. Họ tích luỹ được nhiều hơn những tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS.
"So với năm 2016 thì chất lượng năm 2017 ứng viên tăng lên. Việc công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế không phải bắt buộc nhưng đã tăng lên. Nếu năm 2016 có hơn 2.000 bài thì 2017 tăng 2,1 lần, lên 5.300 bài báo khoa học được đăng tạp chí quốc tế. Năng lực ngoại ngữ của ứng viên cũng tăng lên nhiều. Có ứng viên thành tạo 2 đến 3 ngoại ngữ", ông Hùng nói.
Thứ trưởng Giáo dục cũng cho hay, theo kết quả xét của hội đồng chức danh nhà nước đã công bố là 1.226 đạt chuẩn chức danh GS, PGS, đạt hơn 76% so với số đăng ký. Con số này xấp xỉ so với những năm trước chứ không có đột biết (năm 2016 là hơn 75,5%).
Tuy nhiên, vừa qua dư luận có nhiều ý kiến, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư đã yêu cầu các Hội đồng ngành rà soát lại, nếu phát hiện trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn thì kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng cũng thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ ứng viên đăng ký xét duyệt. Trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo thì thực hiện theo quy định.
Trước đó ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Tổng thư ký Trần Văn Nhung lý giải sự tăng mạnh là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.
-
18h00
Bộ Giao thông sẽ báo cáo phương án xử lý BOT Cai Lậy trong vài ngày tới
Lãnh đạo Bộ Giao thông thông tin về phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy
Trả lời câu hỏi của VnExpress về phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đã đưa ra 4 phương án nhưng các phương án này đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, thời gian thu phí cũng khác nhau. Ví dụ có phương án dừng thu phí thì phải có giải pháp dùng tiền nào để trả và trả trong bao lâu; phải đàm phán với nhà đầu tư. Còn phương án thu phí trên đường tránh hay thu phí ở cả hai tuyến thì phải tính toán thời gian thu phí như thế nào.
"Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án và báo cáo Thủ tướng trong vài ngày tới, trong đó có cả phương án giảm thu phí từ 30% đến 100% cho người dân ở các xã lân cận trạm BOT", ông Đông nói.
Trước đó, ngày 4/12/2017, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong 1-2 tháng. Trong thời gian dừng thu phí, Bộ Giao thông kết hợp với tỉnh Tiền Giang đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động đã gặp sự phản đối của nhiều tài xế bằng cách trả tiền lẻ khiến dự án phải dừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý và yêu cầu xóa trạm này hoặc chuyển trạm vào tuyến tránh Cai Lậy. Ngày 30/11, trạm thu phí trở lại song vẫn gặp sự phản đối của tài xế khiến phải xả trạm nhiều lần.
-
17h45
Dịch chuyển lao động không phức tạp như trước
Điểm sáng về kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm, người phát ngôn Chính phủ nêu, sau nghỉ Tết, lượng công nhân trở lại làm việc đúng ngày giờ, dịch chuyển lao động không phức tạp như những năm trước.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất 13,4 tỷ USD trong tháng 2 và 2 tháng đạt 33,6 tỷ USD, tăng gần 23%, đặc biệt nông sản xuất khẩu tăng gần 28%.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, tai nạn giao thông cũng đang là vấn đề bức xúc. Một số địa phương vẫn còn hiện tượng đốt pháo dịp Tết, phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo...
-
17h40
Chỉ đạo "nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết" được thực hiện nghiêm túc
Thông tin về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuấn 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, nhìn chung trên mọi miền Tổ quốc người dân đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi; không có các điểm xảy ra vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.
"Với chỉ đạo của Ban bí thư, của người đứng đầu Chính phủ về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết, lãnh đạo Trung ương không đi thăm, chúc Tết địa phương và các địa phương không chúc Tết cấp trên thì nhìn chung hiện tượng chúc Tết đã giảm cơ bản; chỉ đạo này được thực hiện nghiêm túc", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng đã ban hành công điện đôn đốc các ngành, các cấp bắt tay ngay vào công việc.
Trước đó ngày 28/12/2017, Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã mở ba đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết Nguyên đán 2018. Ngày 21/2 là hạn cuối các Bộ, ban ngành và địa phương phải nộp báo cáo về việc biếu, nhận quà Tết trái quy định của đơn vị và sau đó, Cục chống Tham nhũng sẽ sơ kết báo cáo Thủ tướng để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Tính đến 13/2, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong gần một tháng, đường dây nóng của Cục nhận được 40 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh về các hành vi nhận, biếu quà Tết. "Phần lớn ở các địa phương; chưa có tin báo về tặng quà Tết trái quy định ở cơ quan Trung ương", ông Đạt nói.
-
17h35
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước đạt thấp
Chiều 1/3, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Theo ông Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2, tháng có mức tiêu dùng cao, tăng 0,73%; lạm phát cơ bản được kiểm soát.
Trong tháng Tết, có đến 7.864 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2 tháng là 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30%.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập mà các bộ ngành, địa phương không được chủ quan. Cụ thể là, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước đạt thấp, 2 tháng đạt gần 9% kế hoạch năm. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành thảo luận, nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục sớm tình trạng này.
Cho rằng giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong nước có những yếu tố cần quan tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải chú trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
"Cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối", Thủ tướng nói.
-
17h30
Ngày 1/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2018, tháng có Tết Nguyên đán.
Tại phiên họp này, Chính phủ bàn 2 nội dung chính, bao gồm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Chính phủ cũng thảo luận về một số dự án luật như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, dự án Luật Trồng trọt, dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Dân số.