Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ vào chiều 1/3, lãnh đạo các bộ ngành đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến phương án giải quyết trạm thu phí BOT Cai Lậy; quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; kết quả rà soát xét ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017…
Báo cáo phương án xử lý BOT Cai Lậy trong vài ngày tới
Về trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ từ ngày 17/1 với những phương án khác nhau. Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu và Bộ đưa ra 4 phương án với những ưu điểm, hạn chế riêng, đều liên quan đến những yếu tố ban đầu của hợp đồng.
Trong các phương án có nội dung điều chỉnh thời gian thu phí. Ví dụ, dừng thu phí thì dùng nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian bao lâu, như vậy phải đàm phán với nhà đầu tư. Phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian bảo đảm; có cả phương án đặt 2 trạm thu phí, trạm trên Quốc lộ 1 để hoàn phần đầu tư vào Quốc lộ, còn trạm đặt trên tuyến tránh dùng cho tuyến tránh...
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu quyết liệt và sẽ báo cáo rất sớm về những phương án tiếp theo. Trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30-100% đối với một số xã lân cận trạm BOT, sẽ được tính toán cụ thể để báo cáo lên Chính phủ”, ông Đông nói.
Trước đó, ngày 4/12/2017, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong 1-2 tháng. Trong thời gian dừng thu phí, Bộ Giao thông kết hợp với tỉnh Tiền Giang đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động đã gặp sự phản đối của nhiều tài xế bằng cách trả tiền lẻ khiến dự án phải dừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý và yêu cầu xóa trạm này hoặc chuyển trạm vào tuyến tránh Cai Lậy. Ngày 30/11, trạm thu phí trở lại song vẫn gặp sự phản đối của tài xế khiến phải xả trạm nhiều lần.
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói về các phương án dành cho trạm BOT Cai Lậy
"Quan điểm khác nhau về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là bình thường"
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và ý kiến khác nhau giữa đơn vị tư vấn nước ngoài và nhóm tư vấn của TP HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Việc có quan điểm khác nhau là bình thường”.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông thuê tư vấn nước ngoài để báo cáo, đánh giá toàn diện tác động yêu cầu của vận tải hành khách hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Và TP HCM cũng rất chủ động có nhóm nghiên cứu của thành phố, vừa qua Thủ tướng đã nghe nhóm này báo cáo.
“Tuần sau Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe các tư vấn và Bộ Giao thông báo cáo. Quan điểm của Bộ Giao thông đề xuất thế nào, đánh giá ra sao, mở rộng phía nam hay phía bắc, có mở đường băng thứ ba hay không thì còn phụ thuộc vào đánh giá của các tư vấn và các cơ quan nghiên cứu, Bộ chủ quản. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi”, ông Dũng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, cần xem xét việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong quy hoạch phát triển chung của cả vùng và từ nay đến năm 2025 đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.
Sân bay Tân Sơn Nhất phải đáp ứng nhu cầu trước mắt về vận tải hàng không cho đến năm 2025, khi chưa có sân bay Long Thành, và trong tương lai tiếp tục duy trì sân bay này chứ không phải đóng lại khi có Cảng hàng không Long Thành.
“Với những nghiên cứu phản biện của nhóm tư vấn TP HCM, chúng tôi rất hoan nghênh, tiếp thu và yêu cầu tư vấn làm rõ từ dự báo hướng phát triển cũng như kết luận quy hoạch trước kia lập có phù hợp không. Trong bối cảnh tương quan 2 sân bay, lộ trình đầu tư… thì hiệu quả cuối cùng của đồng tiền đầu tư như thế nào để phục vụ trước mắt và lâu dài”, ông Đông nói.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, tư vấn nước ngoài đã đề nghị không xây thêm đường băng thứ ba ở Tân Sơn Nhất mà tận dụng 2 đường băng hiện hữu, làm thêm đường lăn và các công năng khác như nhà ga hàng hoá, khu dịch vụ cho hàng không, các trạm sửa chữa máy bay ở phía bắc.
“Như vậy là ta vẫn tận dụng lấy đất ở phía bắc để phát triển vận tải hàng hoá thuận lợi hơn. Đấy là ý kiến công khai của chúng tôi. Trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng Giao thông, tư vấn nước ngoài sẽ tiếp tục cập nhật, để Bộ trình lên Thủ tướng trong tháng 3”, ông Đông nhấn mạnh.
Báo cáo với Bộ Giao thông chiều 27/2 về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp cho rằng, nếu mở rộng sân bay về phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng, sân golf) sẽ có nhiều bất lợi, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thiện Tống (thành viên nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập) cho biết, chủ trương nhất quán của TP HCM là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, bởi khu vực này còn là hướng kết nối giao thông, kết nối đô thị.
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường vì lượng hành khách hàng năm đã vượt quá công suất thiết kế.
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói về quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Chính phủ có khuyến khích các bộ trưởng nộp hồ sơ xét duyệt chức danh GS, PGS?
Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi "để xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo thì các thành viên Chính phủ phải dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo, điều hành. Vậy Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ đăng ký nộp hồ sơ xét duyệt các chức danh như giáo sư, phó giáo sư hay không?".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Về vấn đề này, phải làm theo quy định, bảo đảm chất lượng. Nếu như lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ ứng viên, báo cáo Hội đồng; tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là được tham gia nhưng phải đi vào thực chất.
Xung quanh việc 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, ông Dũng nói hôm nay Bộ GD&ĐT đã chính thức báo cáo Thủ tướng. Theo đó, 94 ứng viên có phản ánh về hồ sơ như chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học,... thì trước mắt Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá.
Về thông tin liên quan đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có tên trong danh sách rà soát lại chức danh Giáo sư vì có đơn khiếu nại, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng giải đáp: "Nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật".