-
16h57
250 lượt đại biểu chất vấn, tranh luận
Phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, đã có hơn 250 lượt đại biểu nêu câu hỏi và tranh luận. Việc đổi mới hình thức chất vấn "hỏi nhanh, đáp gọn" đạt kết quả tích cực, được đại biểu và cử tri hoan nghênh. Qua các phiên chất vấn cho thấy, những vấn đề Quốc hội chọn đều được dư luận quan tâm. "Nhìn chung không khí chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
-
16h45
Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm đầu tư công
Đại biểu Quách Thế Tản nêu lại báo cáo kiểm toán Nhà nước cho thấy, các dự án đầu tư công có yếu kém, sai sót. Ông đơn cử, dự án BT chủ yếu chỉ định thầu, lợi ích nhóm. "Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào?", đại biểu Hùng chất vấn.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận nhiều dự án đầu tư công trong triển khai có sai sót, khi lập dự án chi phí đầu vào có vẻ khiêm tốn, thực tế thi công kéo dài; cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ ở Ninh Bình.
Với những sai phạm trong đầu tư công, quan điểm Chính phủ là "xử lý nghiêm, không có vùng cấm". Ngoài ra, trên cơ sở kết quả kiểm toán Nhà nước, các cơ quan xử lý trách nhiệm đơn vị liên quan theo quy định; nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra.
Vừa qua Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 07 Bộ Chính trị về siết chặt kỷ cương chi tiêu ngân sách, nhất là trong đầu tư công.
Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị định sửa 3 Nghị định về đầu tư công trong tháng 6 và đề nghị Quốc hội sửa Luật Đầu tư công tại kỳ họp cuối năm nay.
-
16h35
Năm 2021 bắt đầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề, thời gian tới Nhà nước xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc làm của giới trẻ hay không?
Ông Vương Đình Huệ cho biết, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, được dư luận đặc biệt quan tâm, động chạm đến hàng chục triệu người kể cả những người đang làm việc và những thanh niên sắp bước vào thị trường lao động.
Ông nói, kinh nghiệm các nước giải quyết vấn đề này là chuẩn bị rất sớm nhưng có lộ trình chặt chẽ để không tạo sốc cho thị trường lao động. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dựa vào nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; cơ cấu ngành nghề, có những ngành nghề cần chuyên môn sâu thì nên kéo dài tuổi nghỉ hưu; vấn đề già hoá dân số, tuổi thọ của người dân đang tăng trong khi đó 60 năm qua Việt Nam chưa tăng tuổi nghỉ hưu...
Ngoài ra còn vấn đề bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ ở Việt Nam hiện cách nhau quá xa (5 tuổi), các nước trên thế giới khoảng cách này không đáng kể.
Cuối cùng theo Phó thủ tướng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phụ thuộc vào cân đối dài hạn quỹ bảo hiểm xã hội.
"Trên cơ sở đó vừa qua Nghị quyết Trung ương quyết định từ năm 2021 sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp", Phó thủ tướng thông tin.
-
16h15
Lạm phát năm 2018 sẽ dưới 4%
Đại biểu Lê Thu Hà nêu thực trạng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp dần cuối năm nhưng tháng 5/2018 lại tăng trở lại; CPI bình quân tăng 0,55% so với năm trước. "Cử tri lo lắng khả năng lạm phát tăng cao trong năm 2018, Chính phủ có giải pháp gì", bà Hà nêu câu hỏi.
Giải thích về nguyên nhân CPI tăng trở lại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói vừa qua giá xăng dầu thế giới có lúc lên tới 88 USD một thùng, tăng 25-30%; giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại; riêng nhóm thực phẩm làm CPI tăng 0,25%; điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần cũng đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng 0,16%. Tổng cộng xăng dầu, thịt lợn hơi đã tác động CPI tăng 0,45%.
Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá để kìm giữ giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh 9,3%.
Ngoài ra, năm 2018 sẽ không tăng giá điện, dù áp lực đầu vào tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng; việc điều chỉnh giá dịch vụ công do nhà nước quản lý, ví dụ y tế sẽ chờ tới cuối năm nếu thuận lợi, không thì để sang năm. Chính phủ cũng chỉ đạo sửa Thông tư 37 giảm 80 loại dịch vụ y tế và tăng đấu thầu giá thuốc, vật tư y tế... để giảm giá thuốc.
"Với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin CPI năm nay từ 3,72 - 3,94% là mức cao nhất nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra", Phó thủ tướng khẳng định.
-
16h10
Nhiều chi cục thuế thu không đủ nuôi bộ máy
Đại biểu Nguyễn Thị Yến chất vấn việc sắp xếp lại Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước theo ngành dọc sẽ triển khai thế nào?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, hiện một số chi cục thuế thu không đủ nuôi bộ máy, do đó sẽ sắp xếp lại theo hướng lập chi cục phụ trách gộp vài huyện.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tích cực rà soát, sắp xếp lại. Theo kế hoạch, năm nay Bộ Tài chính sẽ sắp xếp 20 cơ sở giao dịch kho bạc cấp huyện, 135- 137 chi cục thuế cơ sở. Ngoài ra, việc sắp xếp này cũng sẽ được rà soát, áp dụng với lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
-
15h56
Câu hỏi về đặc khu kinh tế sẽ được trả lời bằng văn bản
Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Vương Đình Huệ về đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi: Xin Phó thủ tướng cho một vài phác thảo về phát triển kinh tế - xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; mối quan hệ phát triển kinh tế 3 đặc khu này với an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ cả nước theo thời gian ra sao?
Trước câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. "Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Ngân nói.
-
15h55
Đặc khu ra đời không ảnh hưởng tới hai đầu tàu kinh tế
Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Anh Trí liên quan tới mô hình đặc khu kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, trên thế giới việc ra đời đặc khu là để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà Quốc hội đang thảo luận dựa trên tính toán tổng thể lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Trước câu hỏi của đại biểu Trí "khi có đặc khu thì các vùng khác ra sao?", ông Huệ khẳng định, có hay không đặc khu thì Hà Nội, TP HCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước; cùng với đó 7 khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc vẫn được quan tâm phát triển.
"Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm", Phó thủ tướng khẳng định.
-
15h30
15.600 máy đào Bitcoin đã nhập về Việt Nam
Trả lời câu hỏi về quản lý tiền ảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khi có thông tin người dân mua máy đào Bitcoin và xuất hiện các vụ việc phức tạp, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản không công nhận Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nhập máy đào Bitcoin tương đối sôi động.
Theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo, người dân đã nhập 15.600 máy đào Bitcoin, trong đó TP HCM là 9.000 máy, Hà Nội 6.000 máy, còn lại ở Đà Nẵng. Bộ Tài chính đang đề nghị cấm, không cho nhập, nhưng cần phải xem xét thêm về cơ sở pháp lý.
-
15h15
Tiêu chí với Chủ tịch đặc khu là gì?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt "thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt".
Theo ông, trong dự luật cũng quy định lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn.
"Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài", Phó thủ tướng nói.
-
15h10
Đạo đức xã hội xuống cấp?
Giám đốc công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp và đề nghị Phó thủ tướng cho biết giải pháp?
Phó thủ tướng Huệ nói, hiện xã hội tuy có diễn biến phức tạp song mặt tích cực là chủ đạo, chỉ một bộ phận xã hội xuống cấp. "Trong kỷ nguyên thông tin, chỉ một việc xấu ở đâu đó cũng lan truyền ghê gớm nhưng chúng ta không nên quá bi quan", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, quan điểm của Đảng và Nhà nước xem phát triển kinh tế là trọng tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển văn hoá trong thế cân bằng với phát triển kinh tế, môi trường.
Chính phủ sẽ thảo luận, sắp xếp lại toàn bộ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.