Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6 ẩu đả tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á.
Trong cuộc ganh đua sức mạnh ở biên giới hiện nay, quân đội Trung Quốc có ưu thế về khí tài nhờ năng lực công nghiệp quốc phòng nội địa và nguồn đầu tư lớn, nhưng giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ cũng nắm nhiều lợi thế riêng, giúp họ răn đe đối phương một cách hiệu quả.
Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân năm 1964, trong khi Ấn Độ đạt vị thế tương tự sau đó 10 năm. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố hôm 15/6 nhận định cả Bắc Kinh và New Delhi đang hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân.
Về kho vũ khí hạt nhân, Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn, nhiều hơn hai lần so với 150 đầu đạn của Ấn Độ. Hai cường quốc đều duy trì bộ ba răn đe hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo, máy bay mang vũ khí hạt nhân và tàu ngầm chiến lược. Cả hai đều duy trì năng lực đáp trả hạt nhân và theo đuổi chính sách không tung đòn tấn công hạt nhân phủ đầu.
Về không quân, Trung tâm Belfer của Mỹ đánh giá Ấn Độ có khả năng triển khai 270 tiêm kích và 68 cường kích trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự quy mô lớn với Trung Quốc. New Delhi cũng sở hữu một loạt các căn cứ không quân gần khu vực biên giới, có khả năng tiếp nhận và hỗ trợ chiến đấu cơ.
Trung Quốc chỉ có 157 tiêm kích và một số phi đội máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) trong khu vực. Không quân Trung Quốc hiện có 8 căn cứ gần biên giới, nhưng hầu hết là sân bay dân sự nằm ở độ cao lớn, gây bất lợi cho hoạt động của chiến đấu cơ.
"Độ cao của các căn cứ không quân Trung Quốc tại Tây Tạng và Tân Cương, cùng với địa hình, thời tiết khó khăn trong khu vực khiến tiêm kích của họ chỉ có thể mang theo khoảng một nửa vũ khí và nhiên liệu so với thiết kế", báo cáo của Trung tâm Belfer có đoạn.
Tiếp liệu trên không có thể giúp chiến đấu cơ Trung Quốc mang thêm vũ khí và kéo dài thời gian tác chiến, tuy nhiên Bắc Kinh hiện không có đủ máy bay tiếp liệu để thực hiện nhiệm vụ này.
Không quân Ấn Độ có thể sử dụng tiêm kích đa năng Mirage 2000 và Su-30MKI cho nhiệm vụ ở biên giới, trong khi Trung Quốc có các trung đoàn chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10, hạng nặng Su-27 và bản sao chép J-11. Máy bay Ấn Độ được đánh giá là hiện đại hơn, nhưng họ chưa tự chủ được dây chuyền sản xuất như Trung Quốc và đang phải lên kế hoạch mua gấp hàng loạt chiến đấu cơ từ Nga, điều này có thể gây bất lợi khi bùng phát xung đột lớn.
Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng Ấn Độ có thêm lợi thế khi xây dựng các căn cứ ở khu vực biên giới. "Ấn Độ đã tập trung gia cố cơ sở hạ tầng, khả năng chống chịu hỏa lực của các căn cứ, thiết lập các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc dự phòng cũng như tăng cường hệ thống phòng không nhằm đề phòng kịch bản Trung Quốc tấn công bất ngờ", CNAS đánh giá.
Trung Quốc tập trung gia cố các căn cứ ở phía đông và phía nam để đối phó Mỹ khiến khu vực Himalaya, nơi có ít nhất 4 sân bay quân sự, dễ bị tổn thương. "Nếu Ấn Độ phá hủy hoặc vô hiệu hóa được những căn cứ này, điểm yếu của không quân Trung Quốc sẽ bị phơi bày", CNAS nhận định.
New Delhi cũng có lợi thế về kinh nghiệm tác chiến. Những trận đánh gần đây với Pakistan giúp Ấn Độ có nhiều bài học về vận hành mạng lưới tác chiến trong thực tế. Phi công Trung Quốc có thể gặp khó khăn do chưa trải qua xung đột thực sự.
"Các cuộc diễn tập không theo kịch bản của Trung Quốc gần đây đều cho thấy phi công dựa quá nhiều vào chỉ huy mặt đất. Điều này cho thấy hiệu quả chiến đấu của không quân Trung Quốc có thể thấp hơn nhiều so với dự tính", báo cáo của Trung tâm Belfer nhận định.
Các cuộc giao tranh ở khu vực Kashmir và đụng độ lẻ tẻ ở biên giới với Pakistan những năm qua giúp Ấn Độ củng cố kinh nghiệm chiến đấu cho bộ binh. "Sau hàng loạt xung đột cường độ thấp, Ấn Độ đã tích lũy thêm nhiều bài học và tăng cường hiệu quả chiến đấu. Ngược lại, Trung Quốc không có kinh nghiệm thực chiến đáng kể nào trong gần 30 năm qua", CNAS nhận định.
Quanh khu vực Himalaya, Ấn Độ có khoảng 225.000 binh sĩ, trong khi Trung Quốc bố trí 200.000-230.000 quân. Tuy nhiên, số lính Trung Quốc này tính cả các đơn vị đảm nhận nhiệm vụ chống nổi dậy ở Tây Tạng và Tân Cương, cũng như đối phó xung đột tiềm tàng ở biên giới Nga - Trung.
Việc điều các đơn vị này đến biên giới Ấn - Trung cũng đặt ra vấn đề hậu cần nghiêm trọng với Trung Quốc. Ấn Độ có thể tiến hành các cuộc không kích nhắm vào tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ chuyển quân ở cao nguyên Tây Tạng hoặc các chốt kiểm soát ở miền núi gần biên giới.
Bộ binh Ấn Độ phần lớn được bố trí quanh khu vực và không gặp vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, đóng quân ở địa hình gồ ghề trong các thung lũng dốc cũng khiến Ấn Độ khó triển khai quân ngăn chặn đối phương đột kích. Ngoài ra, binh sĩ Ấn Độ tại các điểm cao cũng dễ bị pháo binh và tên lửa Trung Quốc hủy diệt, điều này dường như được thể hiện qua đợt diễn tập hiệp đồng bắn đạn thật được Bắc Kinh tổ chức ở Tây Tạng hồi tuần trước.
Một cựu sĩ quan không quân Ấn Độ ước tính Trung Quốc sẽ cần 220 tên lửa đạn đạo để loại bỏ một căn cứ không quân Ấn Độ trong một ngày. Với khoảng 1.000-2.000 tên lửa đạn đạo trong biên chế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, Trung Quốc nhiều khả năng không đủ vũ khí để vô hiệu hóa toàn bộ sân bay quân sự Ấn Độ.
Một lĩnh vực Trung Quốc có thể đang nắm ưu thế là công nghệ và vũ khí mới. "Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh cao gấp 4 lần so với New Delhi. Cán cân sức mạnh quân sự đang nghiêng về Trung Quốc, sự bất đối xứng này đang ngày càng nới rộng", Nishank Motwani, chuyên gia tại Trung tâm Đối thoại và Tiến bộ quốc gia Afghanistan, nhận định.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây liên tiếp đưa tin về các vũ khí mới được triển khai diễn tập ở Tây Tạng như xe tăng hạng nhẹ Type-15 và lựu pháo gắn trên xe tải cỡ nòng 155 mm mới. Cả hai vũ khí này lần đầu ra mắt công chúng tại lễ duyệt binh kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc năm 2019, được tối ưu cho những chiến dịch chiếm ưu thế địa hình cao nguyên.
Trong khi Bắc Kinh chủ yếu dựa vào chính mình trong cuộc đối đầu với New Delhi ở khu vực Himalaya, Ấn Độ đã và đang phát triển, thắt chặt quan hệ quốc phòng chặt chẽ với các nước lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ. Điều này có thể giúp New Delhi mở rộng năng lực tình báo và trinh sát trong trường hợp nổ ra xung đột, cho phép họ chiếm ưu thế trên chiến trường.
Duy Sơn (Theo CNN)