Bức điêu khắc này nằm ẩn dưới thảm thực vật dày, chỉ được tìm thấy khi chính quyền địa phương thực hiện đợt phát quang tại làng Xiashui, thuộc huyện Bạch Vân, thành phố Quý Dương. Tượng được tạc nguyên khối từ núi đá, với phần thân dựa vào núi, theo CCTV.
Ảnh về bức tượng Phật mới được phát hiện
Nhiều khả năng đây sẽ là bức tượng Phật khắc trên đá lớn nhất thế giới. Đầu của bức tượng Phật bán thân này cao hơn 4 m so với tượng Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1996. Nguồn gốc của hai bức tượng này có thể chung một truyền thuyết.
Theo đó, hai thầy trò Hải Năng và Hải Thông tới Quý Dương vào thời điểm đang xảy ra lũ lụt. Ngôi chùa nơi họ tu hành gần núi Lăng Vân (Tứ Xuyên, Trung Quốc), nơi hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc cũng hay gặp nước dữ.
Hai thầy trò quyết định về Tứ Xuyên để tạc một bức đại tượng trên núi Lăng Vân, trấn yểm đoạn sông phía trước.
Năm ấy, thầy Hải Năng do tuổi già sức yếu, đường sá không thuận tiện nên ở lại tạc bức tượng Phật hạ thủy bên dòng sông tại khu vực huyện Bạch Vân. Tuy nhiên, thầy qua đời vì bạo bệnh để lại tác phẩm còn dang dở, một bên mắt tượng vẫn chưa được tạc xong.
Sau phát hiện mới, chính quyền Quý Châu đang lên kế hoạch tu sửa bức tượng nhằm thu hút khách du lịch.