Tượng Nữ thần Tự do ở đảo Liberty, cảng New York, trở thành một trong những biểu tượng lừng danh của nước Mỹ kể từ năm 1886. Nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi cho biết ông lấy cảm hứng từ mẫu thân để tạc gương mặt cho bức tượng.
Trong buổi ra mắt của loạt phim tài liệu gần đây, các chuyên gia chỉ ra bí mật mới về bức tượng của nước Mỹ. Theo đó, gương mặt Nữ thần Tự do không phải lấy cảm hứng từ một người phụ nữ, mà là đàn ông.
Tác giả, nhà báo Elizabeth Mitchell phát hiện gương mặt của bức tượng và dung nhan mẹ Frédéric Auguste Bartholdi khác nhau. Mẫu thân của nhà điêu khắc có lông mày cong hơn, mũi thanh tú hơn và đôi môi mỏng hơn. "Bartholdi nổi tiếng về sự chính xác, nên chắc chắn không thể có sự sai lệch đến thế", nữ nhà báo khẳng định.
Mọi nghi ngờ của Mitchell được sáng tỏ khi bà có cơ hội nhìn thấy bức ảnh gia đình nhà điêu khắc. Và bà càng tin hơn tượng nữ thần Tự do được lấy theo khuôn mẫu gương mặt của một người đàn ông, khi nhìn thấy anh trai tác giả: "Tôi thấy gương mặt anh trai tác giả mới thực sự giống bức tượng".
Anh trai Bartholdi là Jean-Charles Bartholdi, người sống cả phần đời về sau cùng chứng bệnh tâm thần. Mỗi tuần một lần, Bartholdi lại đến bệnh viện để chăm sóc anh trai mình.
Mitchell cho rằng vì Jean bị câm nên hai anh em sẽ có hàng giờ đồng hồ để nhìn ngắm nhau. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để nhà điêu khắc có thể nghiên cứu tỉ mỉ các góc cạnh của khuôn mặt.
Gần 10 năm sáng tác, cuối cùng Bartholdi đã hoàn tất bức tượng và kiệt tác khổng lồ này đã được chia nhỏ thành hơn 200 thùng hàng, vận chuyển từ Pháp đến Mỹ.
Trước đó, kiến trúc sư Bartholdi đã đến Mỹ để bàn bạc về nơi đặt bức tượng với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Vị trí đầu tiên được đề nghị là đảo Bedloe và sau đó phương án "chốt hạ" là Liberty - hòn đảo nhỏ nhìn về cảng của thành phố.
Trải qua hơn 100 năm, ngày nay bức tượng Nữ thần Tự do trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của du khách về một giấc mơ Mỹ - vùng đất biểu tượng cho tự do và hòa bình trên thế giới.