Hôm 14/9, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời ở tuổi 64 sau thời gian bạo bệnh. Ngoài nhiều dấu ấn trong lĩnh vực tình báo, quân sự, những năm cuối đời, ông ấp ủ một số bản thảo sách, đã xuất bản cuốn Người thầy.
Nhà văn, võ sư Trần Việt Trung - con thiếu tướng Trần Tử Bình, bạn nối khố với với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - gợi ý ông viết lách, bởi biết bạn là kho tư liệu sống. Cuốn Người thầy ra đời là lời tri ân của tướng Vịnh về ân nhân dìu dắt ông trong sự nghiệp - tướng Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc).
Khi tác phẩm ra hồi tháng 2, nhà văn Trần Việt Trung trêu bạn, nói khích: "Ông thua tôi rồi, tôi đã xuất bản bốn cuốn, trong đó một cuốn đoạt giải Sách Quốc gia. Bọn mình là mấy thằng phọt phẹt văn chương, nhưng tôi đã làm được rồi thì ông không được kém". Tướng Vịnh trả lời: "Ông kiêu vừa thôi, cứ chờ đấy". Trước khi mất, thượng tướng đang làm dở hai bản thảo, một là về cha mình - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cuốn còn lại nói về tầm nhìn chiến lược quốc phòng Việt Nam.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Hải Vân nhớ khi thượng tướng hoàn thành bản thảo Người thầy, sức khỏe của ông đã xuống dốc. "Anh nói bị ung thư giai đoạn cuối, đã trải qua 30 lần xạ trị. Anh viết cuốn sách với một nỗ lực phi thường", nhà văn Hoàng Hải Vân cho biết.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đề nghị Hoàng Hải Vân tập hợp loạt ký sự Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng thành sách, phát hành cùng dịp với Người thầy. Cuốn của Hoàng Hải Vân chủ yếu nói về cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc trước năm 1975, còn cuốn của tướng Vịnh nói về sự nghiệp của thầy ông sau giai đoạn này.
Ông Trần Việt Trung cho biết khi phát hiện mắc "án K" khoảng tháng 9 năm ngoái, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn giữ tinh thần lạc quan, chữa bệnh theo chỉ dẫn của các y bác sĩ, kết hợp cả Đông và Tây y.
Một ngày cuối tháng 6 năm nay, tướng Vịnh gọi vài người bạn thân thiết, trong đó có ông Trung và một người khác là Nguyễn Thép, đến nhà hàn huyên, cùng ghi hình tư liệu cho Hãng phim Điện ảnh Quân đội. Họ nói nhiều câu chuyện tuổi thơ, những dự định dang dở. Hôm ấy, Tướng Vịnh đệm đàn guitar, cùng các bạn ông hát bài nhạc Nga Thành phố tuổi thơ. Đó là ca khúc họ từng hát với nhau lúc nhỏ. Thời gian ngắn sau, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cấp cứu, từ đó liên tục ra vào giữa bệnh viện và nhà. Mỗi lần ông được xuất viện, bạn bè lại đến hàn huyên.
Nhắc đến thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà văn Trần Việt Trung nhớ đến người bạn ngang tàng, trọng nghĩa tình, dám nghĩ dám làm. Thuở nhỏ, họ cùng gặp biến cố khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tướng Trần Tử Bình qua đời năm 1967, lúc cả hai mới lên tám tuổi. Mất cha, mẹ lại đau ốm liên miên, hai cậu bé khi ấy thu mình, giấu nhiều nỗi buồn.
Họ và nhóm bạn thân học cùng nhau từ bé đến hết phổ thông. Trong nhóm, người bạn Nguyễn Thép thường được thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Trần Việt Trung bảo vệ. Nhiều năm sau này, có lần, thượng tướng nói: "Thằng Thép như thể sinh ra để chúng mình che chở ấy".
Càng lớn, họ càng hay suy tư về cuộc đời, nhất là sau khi tướng Vịnh tham gia quân ngũ. Cả hai thường nhắc nhở người kia: "Phải nhìn vào gương của bố chúng mình mà sống". Có chung niềm đam mê võ thuật, mỗi lần gặp, họ hay bày cho nhau các miếng, thế võ. Ông Vịnh từng hai lần rủ ông Trung bỏ ngành ngoại thương, về Cục tình báo làm việc.
"Dù sau này ở một vị trí rất cao, tình cảm tướng Vịnh dành cho những người bạn khi xưa chưa từng suy chuyển. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau, cố định là ngày Tết Dương lịch, giỗ ông Nguyễn Chí Thanh 6/7", nhà văn Trần Việt Trung nói.
Ngoài những người bạn thuở nhỏ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn thể hiện sự quý trọng người tài, trong đó có giới văn sĩ. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến gặp ông chỉ một lần trong đám cưới con gái ông Trần Việt Trung. Khi ấy, tướng Vịnh lâm bệnh nặng nhưng vẫn gắng gượng dự cuộc vui của gia đình bạn thân. Gặp Phạm Ngọc Tiến, ông bắt tay chân tình, cảm ơn nhà văn về bài giới thiệu cuốn Người thầy.
"Cuộc đời ông còn quá trẻ so với mốc ra đi nghiệt ngã này, nhưng đó là số phận mà chúng ta không thể cưỡng lại. Chào ông, một vị tướng với sự nghiệp lẫy lừng", nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói.
Hà Thu