Ngày 14/9, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời tại nhà riêng sau thời gian bạo bệnh, thọ 64 tuổi.
Nhiều năm cuối đời, thượng tướng ấp ủ bản thảo một số cuốn sách, trong đó, quyển Người thầy ra mắt hồi tháng 2 năm nay, được nhiều độc giả đón nhận với tình cảm trân trọng.
Trong cuộc giao lưu với người đọc hồi tháng 4 ở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Tôi viết cuốn sách bởi là người gần gũi chú Ba Quốc. Tôi tự đặt trách nhiệm cho mình phải viết. Nếu chú còn sống, tôi sẽ nói rằng cháu không viết về chú, cháu viết về thế hệ Hồ Chí Minh, mà chú là một trong những tấm gương. Và cháu không viết cho chú, cháu viết cho thế hệ trẻ".
Vì lẽ đó, cuốn sách dường như là món nợ ân tình tác giả dành cho người hơn 20 năm dìu dắt ông bước vào nghề tình báo, từ khi non nớt đến lúc trưởng thành.
Trước đây, khi đọc cuốn sách Tình báo không phải là nghề của tôi (Khuất Quang Thụy) viết về ông Ba Quốc, Nguyễn Chí Vịnh kết luận "hầu như chẳng có dòng nào ông nói về mình". Từ đó, ông Vịnh quyết định tự viết về đoạn đời 20 năm được ở bên thầy.
Gần 500 trang sách cho thấy thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ngay từ khi còn rất trẻ, đã ý thức lưu giữ chi tiết những ký ức, ghi chép mọi ngóc ngách trong đời sống thường ngày. Phải có một quá trình ghi chép, chiêm nghiệm liên tục, ông mới có thể khắc ghi ký ức với từng đồng chí đã kề vai sát cánh, ghi nhớ đến từng cuộc hội thoại, từng cuộc "trà dư tửu hậu".
Cuốn sách như một cuộc khảo cứu về cuộc đời ông Ba Quốc, nhưng cũng là nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi của người thanh niên Nguyễn Chí Vịnh. Trong đó, từng dấu mốc sự nghiệp của ông luôn có bóng dáng người thầy Ba Quốc đồng hành.
Từ thuở mới vào nghề, sĩ quan Nguyễn Chí Vịnh đã cho thấy tố chất của một nhà tình báo có tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm.
Là con trai duy nhất của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chàng thanh niên Nguyễn Chí Vịnh được những đồng đội của cha - khi đó là lãnh đạo đương thời - dành nhiều sự quan tâm. Nhưng ông cố thoát ra khỏi sự bao bọc ấy, xin đến chiến đấu tại chiến trường Campuchia ngay khi vừa tốt nghiệp trường sĩ quan. Ông Sáu Nam (đại tướng Lê Đức Anh) khi điều động Nguyễn Chí Vịnh đến Campuchia theo nguyện vọng, đã cẩn thận dặn ông Ba Quốc: "Anh làm gì thì làm đừng để nó chết".
Quá trình công tác tại nước bạn, tinh thần dám thử dám sai của sĩ quan Nguyễn Chí Vịnh được sớm thể hiện.
Năm 1985, hai người Việt vượt biên bị bắt ở cửa khẩu Battambang (một tỉnh Tây Bắc Campuchia), mang theo lệnh ám sát, truyền đơn, lệnh tổng khởi nghĩa. Dấu hiệu cho thấy một cuộc nổi loạn, cần tình báo khai thác kế hoạch của hai người này, báo về Trung ương gấp nhằm ngăn chặn bạo loạn ở miền Tây.
Tuy nhiên, Mặt trận Campuchia lúc đó ngoài ông Ba Quốc không còn ai vì các lãnh đạo đều đã về Việt Nam công tác. Trong khi nhiệm vụ đòi hỏi một cán bộ chuyên về phản gián, thông thuộc địa bàn Campuchia để đến vùng biên giới này thẩm vấn. Nhìn ngang ngó dọc, ngoài ông Ba Quốc, không ai đủ tiêu chuẩn để đi, nhưng ông lại không thể rời trụ sở.
"Trước sau không còn ai, hay chú cho cháu đi", sĩ quan Nguyễn Chí Vịnh, người mới ở chiến trường Campuchia hơn một năm, đề nghị.
Sau một hồi cân nhắc, ông Ba hỏi: "Cậu làm được không?"
"Thưa chú, làm được hay không cháu không biết, nhưng chắc chán cháu sẽ làm hết sức và theo đúng lời dặn của chú", Nguyễn Chí Vịnh đáp.
Mất cả ngày, ông Ba Quốc mới dám ra quyết định: "Cậu chuẩn bị đi". Vụ việc sau đó diễn ra như kế hoạch, sĩ quan non trẻ Nguyễn Chí Vịnh không phụ lòng người thầy, hoàn thành nhiệm vụ, cuộc bạo loạn tại một số tỉnh miền Tây được ngăn chặn.
Đó chỉ là một trong nhiều bài học, câu chuyện giữa người thầy tình báo Ba Quốc và học trò Nguyễn Chí Vịnh.
Không chỉ là lời tri ân, sách còn là bài học cho hậu thế về con đường có cả đắng cay lẫn ngọt bùi của hai nhà tình báo ở hai thế hệ: Ông Ba Quốc thời chiến - và Nguyễn Chí Vịnh thời bình. Truyền "lửa" tình báo cho thế hệ sau có lẽ cũng là cách để ông trả nợ cho nghề.
Khi trưởng thành, người học trò Nguyễn Chí Vịnh từ chỗ được thầy dìu dắt vào nghề tình báo, đã từng bước thuyết phục ông Ba Quốc - người vốn luôn muốn "đóng kín" - phải mở lòng, chia sẻ về nghề.
Ông Vịnh có lẽ là một trong những người có công lớn nhất khi đưa ngành tình báo đến gần với đời sống người dân, với mục tiêu "nói cho người ta hiểu được ngành mình". Khi được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục II, nhờ lời thuyết phục của ông, nhiều nhà tình báo chịu xuất hiện trên truyền thông đại chúng. Không chỉ ông Ba Quốc, mà còn cả ông Hai Nhạ (thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Tư Cang (Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Tàu). Nhờ đó, những câu chuyện lịch sử của những nhà tình báo kiệt xuất được biết đến.
Cuối cùng, ngoài trả món nợ ân tình với thầy, với nghề, cuốn sách dường như là còn là cách ông trả cho gia quyến của ông Ba những câu chuyện đời mà ông "không kể với cả con".
Thu Hằng