"Khả năng Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chỉ là vấn đề thời gian, chứ không còn là giả thuyết", Sputnik dẫn lời tướng John Hyten, tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nói hôm 21/9.
Bình Nhưỡng từng chật vật với hệ thống dẫn đường cho đầu đạn hồi quyển, một trong những yếu tố khó khăn nhất trong chế tạo ICBM. Đầu đạn hạt nhân có khối lượng rất lớn, trong khi nhiệt lượng từ quá trình hồi quyển có thể gây biến dạng vỏ đầu đạn, làm giảm đáng kể độ chính xác của đòn tấn công.
"Với tư cách là tư lệnh STRATCOM, tôi phải nhận định rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu đầu đạn hạt nhân và có khả năng lắp nó lên ICBM. Tôi sẽ phải có đáp án nếu Tổng thống Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề này", ông Hyten cho biết. Tướng Hyten khẳng định Triều Tiên sẽ không thu được kết quả gì từ việc tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời phải đối mặt với đòn đáp trả khủng khiếp.
Phát biểu của tư lệnh STRATCOM tương tự với nhiều quan chức quốc phòng và tướng lĩnh Mỹ trước đây. Điểm khác biệt là tướng Hyten đặt niềm tin vào Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), lá chắn cuối cùng bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa từ ICBM. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống này vẫn gây ngờ vực. GMD chỉ đạt tỷ lệ đánh chặn thành công gần 50% trong các vụ thử ở điều kiện lý tưởng, khác xa với môi trường chiến đấu thực tế.
Nếu Triều Tiên tấn công các mục tiêu của Mỹ trên Thái Bình Dương như Guam hay Hawaii, Mỹ có thể sử dụng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hay lá chắn tên lửa Aegis. Tướng Hyten khẳng định Guam và Hawaii được bảo vệ rất kỹ càng.
Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công hai quả ICBM Hwasong-14 chỉ trong tháng 7, đạt tầm bắn bao trùm phần lớn lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả những thành phố lớn như New York và thủ đô Washington DC.
Tử Quỳnh