"Nếu Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước và đi ngược lại nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là quyền tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép", tướng Charles Brown, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF), nói trong họp báo qua điện thoại với các phóng viên quốc tế ngày 23/6.
Tướng Brown, người vừa được Thượng viện phê chuẩn làm Tham mưu trưởng Không quân Mỹ hôm 9/6, cho rằng ADIZ nếu được Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông sẽ chồng lấn với các vùng trời quốc tế.
Cuối tháng 5, SCMP dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh lên kế hoạch lập ADIZ Biển Đông từ 2010 và "chỉ chờ cơ hội tuyên bố".
"Động thái như vậy không chỉ gây quan ngại cho PACAF hay Mỹ nói riêng, mà còn với tất cả các nước trong khu vực. Việc chúng ta chú ý đến động thái như thế là rất quan trọng", ông nói.
Theo Tư lệnh PACAF, Mỹ và các nước cùng cam kết tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc để duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do, giúp bảo vệ chủ quyền của các nước. Khu vực này cũng giúp bảo đảm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, tránh cách hành xử cưỡng ép, thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi, tôn trọng tự do trên biển và trên không theo luật quốc tế.
Trả lời câu hỏi về năng lực của không quân Trung Quốc (PLAAF), tướng Brown cho hay Mỹ không chỉ quan sát loại thiết bị như máy bay ném bom hay chiến đấu cơ, công nghệ, mà còn chú ý đến cách Bắc Kinh triển khai các hoạt động không quân. Trước đây, ông hiếm khi thấy PLAAF điều máy bay ném bom H-6 ở khu vực, nhưng loại khí tài này đang xuất hiện với tần suất gần như hàng ngày.
"Chúng tôi tập trung đánh giá ý đồ của Trung Quốc để hiểu rõ hơn điều đang xảy ra ở khu vực, từ đó có biện pháp ngăn chặn hành động phi pháp và duy trì cam kết với các đối tác", Brown nói.
Nhắc đến hợp tác với Việt Nam, Brown cho hay hai nước đang có nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ. Hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về chương trình đào tạo phi công quân sự Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ (USAF). Giữa năm ngoái, thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo của ALP.
Tướng Brown khẳng định dù Covid-19 đang khiến thế giới thay đổi, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên để triển khai các hoạt động. Ông lưu ý trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đang tập trung nỗ lực chống Covid-19, Trung Quốc có hành động cưỡng ép các nước láng giềng, tăng cường yêu sách phi pháp trên biển.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc tuyên bố lập cái gọi là các quận hành chính "quản lý" quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Bắc Kinh còn cho trồng rau ở Hoàng Sa để củng cố yêu sách trái luật quốc tế, gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc đòi yêu sách với Tứ Sa, khu vực có phạm vi rộng hơn "đường 9 đoạn" phi pháp.
"Tôi rất quan ngại về điều này", tướng Brown nói.