Thành lập vào thập niên 30, Wolfsburg ban đầu là nơi ở của các công nhân chế tạo xe KdF-Wagen, sau này là Volkswagen Beetle. Kể cả ngày nay, hơn nửa cư dân của thành phố 120.000 người này vẫn làm việc tại nhà máy của Volkswagen tại đây. Còn những người khác cung cấp dịch vụ cho công nhân, như hàng quán hay cửa hiệu, BBC cho biết.
Chẳng cần phải nói, người ta cũng biết đây là quê hương của Volkswagen. Logo của hãng này là hình ảnh đầu tiên bạn nhìn thấy khi tới trạm xăng, nhà ga hay trung tâm thương mại. Nó nằm trên các văn phòng, đại lý ôtô và trên hầu hết xe hơi tại đây.
Vì vậy, cuộc khủng hoảng của Volkswagen cũng chính là khủng hoảng của Wolfsburg. Nó đang đe dọa cả kinh tế và xã hội của thành phố này. Mọi người ở đây đều ngần ngại khi nói về scandal gian lận khí thải tại Mỹ. Nhưng rõ ràng là họ sẽ chẳng thể tránh khỏi những hậu quả từ việc này.
"Người dân và công nhân tại Wolfsburg đều rất tức giận về những gì đã xảy ra. Họ đã làm việc cho Volkswagen 3,4 thế hệ rồi. Đó là lý do họ giận dữ. Mà nó cũng có lý thôi", Hartwig Eng – Giám đốc Công đoàn IG Metall cho biết.
Câu hỏi đặt ra bây giờ dĩ nhiên là: Chuyện gì sẽ xảy đến với Volkswagen?
Công ty đang phải đối mặt với nguy cơ bị phạt số tiền khổng lồ tại Mỹ. Đó là còn chưa nói đến khả năng bị khởi tố và một loạt vụ kiện tụng khác. Họ cũng đang bị điều tra tại nhiều quốc gia và chưa rõ liệu scandal này có còn lan rộng nữa hay không.
Bloomberg cho biết Volkswagen đã phải dành ra 6,5 tỷ euro để phòng trừ chi phí thu hồi và các nỗ lực gây dựng lại thương hiệu. Với một công ty lợi nhuận 10,8 tỷ euro năm ngoái, đây không phải con số quá lớn. Tuy nhiên, tổng chi phí thực tế có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
Nhưng thiệt hại lớn nhất với họ chính là danh tiếng. Volkswagen không chỉ lừa dối cơ quan quản lý, mà còn lừa người tiêu dùng. Công sức gây dựng hình ảnh với những dòng xe "nhiên liệu sạch" tại Mỹ của họ đã tan thành mây khói.
Đây là điểm mấu chốt đã được Phó chủ tịch - Berthold Huber nêu ra trong buổi họp báo tuần này. "Chúng tôi ý thức được những ảnh hưởng kinh tế mình phải chịu. Nhưng trên hết là những hậu quả lên niềm tin của khách hàng. Chúng tôi đã quyết định phải có một bước ngoặt, một sự khởi đầu hoàn toàn mới", ông nói.
Giải quyết mớ lộn xộn này rõ ràng là nói dễ hơn làm. Và CEO Martin Winterkorn từ chức chỉ là sự khởi đầu. Việc rời đi của ông là cần thiết, vì sự việc này diễn ra dưới tầm mắt của ông, dù có biết hay không. Tuy nhiên, sự ra đi quá nhanh đã khiến Volkswagen không có đủ thời gian chọn người kế nhiệm, và quá trình chuyển giao cũng khó suôn sẻ.
Hôm nay, các lãnh đạo hãng sẽ họp bàn chỉ định CEO mới. Nhiều khả năng người này là CEO Porches - Mathias Mueller. Ông đã đảm nhiệm vị trí này từ năm 2010. Một số cái tên khác cũng được nhắc tới là Giám đốc Tài chính - Hans Dieter Poetsch, Giám đốc thương hiệu Volkswagen - Herbert Diess và Giám đốc thương hiệu Audi - Rupert Stadler.
Nhưng dù ai được chỉ định, ưu tiên số một của người này vẫn sẽ là ổn định con tàu đang chòng chành. Liệu Volkswagen có khả năng lọc sạch thương hiệu hay không. Câu trả lời là có, nhưng việc này sẽ không hề dễ dàng.
5 năm trước, Toyota cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Giới chức Mỹ phát hiện họ không giải quyết triệt để các sai sót trong khâu bảo đảm an toàn trên ôtô, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Toyota đã đáp lại bằng một chiến dịch quy mô lớn, khắc phục sai sót cả nội bộ lẫn bên ngoài. Dù doanh thu có sụt giảm trong ngắn hạn, nó cũng đã dần tăng lên.
Tân CEO của Volkswagen được kỳ vọng làm được điều tương tự. Người dân Wolfsburg cũng hy vọng ông sẽ thành công. Vì cuộc khủng hoảng hiện tại đang khiến thành phố phồn hoa nhất nhì nước Đức lao đao hơn bao giờ hết.
Hà Thu