Scandal gian lận trong các bài kiểm tra khí thải tại Mỹ đang nhấn chìm hãng xe danh tiếng này. Và rất nhiều người Đức đang lo ngại hiệu ứng domino lan ra mọi hàng hóa được gắn mác "made in Germany".
"Hàng hóa Đức luôn có chất lượng tốt và đáng tin cậy. Nhưng giờ, niềm tin đó đã mất rồi. Chẳng ai có thể tưởng tượng sự việc lại có quy mô lớn đến thế này, và thiệt hại nó gây ra cho ngành công nghiệp Đức sẽ còn tiếp diễn. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi", Ferdinand Dudenhoeffer tại Đại học Duisburg-Essen nhận xét trên Reuters.
Nhật báo Bild từng ví Volkswagen là viên ngọc đính trên vương miện ngành sản xuất Đức và nói rằng thành công của họ không thể phá bỏ. Nhưng sự thật là, Volkswagen đã bị phát hiện cố tình lừa dối cơ quan bảo vệ môi trường và người tiêu dùng Mỹ, về khả năng giảm khí thải trong các dòng xe chạy diesel.
Cổ phiếu hãng này đã mất gần 35% trong 2 phiên và tiếp tục lao dốc hôm nay. Hãng xe cho biết đã dành ra 6,5 tỷ euro dự phòng quý này, cho chi phí liên quan đến scandal này. Giới truyền thông còn đồn đại CEO Martin Winterkorn sẽ phải ra đi vì vụ việc này.
Ảnh hưởng của scandal này đặc biệt lớn tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Do nước này phụ thuộc rất lớn vào hàng xuất khẩu - ngành đóng góp hơn 45% GDP hằng năm.
"Thành công đặc biệt của quốc gia xuất khẩu như Đức nằm chủ yếu ở thương hiệu "Made in Germany". Volkswagen đại diện cho chất lượng hàng hóa Đức, cho sự hoàn hảo, ổn định và đáng tin cậy. Kể cả khi chưa rõ trường hợp của Volkswagen ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Đức, rủi ro từ việc này vẫn cao do Đức phụ thuộc vào xuất khẩu", Marcel Fratzscher – Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế DIW nhận xét.
Ngành ôtô Đức đang tạo việc làm cho 20% lao động nước này. Họ cũng đóng góp gần 18% kim ngạch xuất khẩu cho Đức năm ngoái, theo Deutsche Bank.
Bộ trưởng Kinh tế Đức - Sigmar Gabriel cũng đã bày tỏ lo ngại về danh tiếng ngành công nghiệp ôtô, dù các đối thủ của Volkswagen như Daimler hay BMW đã rất nhanh chóng tuyên bố những cáo buộc lên hãng xe này không ảnh hưởng tới họ.
Hãng tư vấn thương hiệu – Interbrand cho biết Volkswagen trị giá 10 tỷ euro và là một trong những thương hiệu giá trị nhất của Đức. Trong top 50 thương hiệu hàng đầu nước này, các hãng xe góp mặt phần lớn, với Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen và Audi lần lượt giữ các vị trí 1, 2, 5 và 6.
Scandal này đã phá hỏng nỗ lực dấn sâu vào phân khúc xe chạy nhiên liệu sạch – vốn là cột trụ trong nỗ lực phát triển công nghệ thân thiện với mô trường của hãng. Đây cũng là chiến lược BMW và Daimler đang theo đuổi.
CEO Volkswagen tại Mỹ - Michael Horn đã thừa nhận họ "hoàn toàn sai lầm" và cam kết sửa đổi. Một số chuyên gia cho rằng Volkswagen giờ cần áp dụng chiến lược như của Mercedes năm 1997. Khi đó, một tạp chí ôtô - xe máy của thụy Điển đã phát hiện dòng A Class mới của hãng này có xu hướng lật nhào khi tham gia một bài kiểm tra va quệt.
Mercedes khi ấy đã phản ứng bằng cách cho thu hồi xe và thêm vào các tính năng an toàn mới. Tuy nhiên, hãng nãy vẫn mất kha khá thời gian để hồi phục.
Tuy nhiên, scandal lần này hoàn toàn khác. Và nếu lại thu hồi xe, hãng sẽ khiến mọi người cảm thấy mình cố tình lái dư luận sang hướng khác.
Sau nhiều scandal gần đây của các công ty và tổ chức Đức, người ta bắt đầu nhìn nhận sự việc như thể hoạt động sai trái không giới hạn trong một vài trường hợp đơn lẻ. Sân bay mới ở thủ đô Berlin liên tục xảy ra tình trạng hoãn chuyến. Trong khi đó, nhà băng hàng đầu - Deutsche Bank tháng trước cũng bị điều tra hàng loạt sai phạm tài chính. Đại gia điện tử - Siemens (Đức) thì vẫn đang tìm cách gượng dậy sau khi phải trả 1,3 tỷ USD để dàn xếp các vụ điều tra tham nhũng tại Mỹ và Đức năm 2008.
Năm ngoái, câu lạc bộ xe hơi lớn nhất châu Âu - ADAC (Đức) bị phát hiện giả mạo kết quả khi trao giải xe hàng năm. Dù thứ tự xếp hạng không thay đổi, do họ chỉ giả số lượng bầu chọn, việc này vẫn gây chấn động nước Đức và ngành ôtô thế giới.
Hà Thu