Từ đầu năm đến nay, nhất là trong tháng 8, Trung Quốc tăng cường "dẹp loạn" ngành giải trí. Nhóm nghệ sĩ bị ảnh hưởng lớn nhất là sao lưu lượng - người nhiều fan trên mạng xã hội, chỉ số truyền thông lớn nhưng đa phần thực lực kém. Hôm 28/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đăng bài nhận định: Thời của sao lưu lượng đã hết. Giới chức áp dụng các biện pháp nhằm "nhổ tận gốc" những phương thức hình thành dạng sao này, trong đó có: hủy mọi bảng xếp hạng độ hot của nghệ sĩ, kiểm soát hoạt động các công ty quản lý, cấm hình thức khán giả chi tiền bỏ phiếu cho thần tượng...
Theo chỉ đạo, những trang web kinh doanh âm nhạc trực tuyến hạn chế số lượng album bán ra. Những tài khoản đã mua album trực tuyến không được phép mua cùng sản phẩm lần thứ hai. Trước đây, trong các fanquan (hội nhóm fan), quản lý nhóm thường yêu cầu thành viên mua nhiều album của thần tượng để nâng danh tiếng cho họ.
Hôm 26/8, ông Cung Vũ - nhà sáng lập kiêm CEO của nền tảng video trực tuyến Iqiyi - cho biết hủy show tìm kiếm, đào tạo thần tượng. Trước đó, Iqiyi bị cơ quan chức năng buộc ngừng sản xuất show Thanh xuân có bạn do scandal fan của chương trình đổ bỏ sữa xuống cống sau khi mở nắp quét mã QR bình chọn cho thí sinh. Việc cấm các show đào tạo các nghệ sĩ thần tượng sẽ áp dụng chặt trong vài năm tới.
Bên cạnh kìm hãm các "lò sản xuất thần tượng", nạn fan cuồng bước đầu được xử lý. Hôm 27/8, cơ quan chủ quản Weibo mời đại diện công ty quản lý của Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác làm việc, do fan của hai diễn viên công kích lẫn nhau trên mạng xã hội. Sau đó, Triệu Lệ Dĩnh nhận lỗi không quản lý tốt, để xảy ra hỗn loạn trên mạng.
Hàng nghìn tài khoản mạng xã hội bạo lực Internet, tung tin giả, tạo số liệu giả cho thần tượng bị cấm phát ngôn trên Weibo hoặc khóa tài khoản. Cơ quan chức năng cũng gỡ nhiều app quyên tiền cho nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các công ty quản lý, nghệ sĩ dung túng cho "nạn fan cuồng" cũng bị liệt vào danh sách nghệ sĩ thất đức, bị cảnh cáo hoặc xử phạt.
Sau đợt chỉnh đốn, những văn nghệ sĩ từng vi phạm pháp luật, đạo đức không còn cơ hội tham gia bất kỳ chương trình, sản phẩm nghệ thuật nào - quy định được Bộ Văn hóa và Du lịch ban hành ngày 29/8. Bộ yêu cầu giới văn nghệ sĩ rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng nhân cách đồng thời học để nắm luật tác quyền, luật thuế... nhằm tránh nêu gương xấu cho cộng đồng.
Xu hướng sao nam yểu điệu, nữ tính hóa cũng chịu ảnh hưởng và bị hạn chế, sau khi một số cơ quan truyền thông nhà nước cho rằng quan niệm thẩm mỹ này "lệch lạc". Dòng phim chuyển thể tiểu thuyết đam mỹ (tình yêu đồng tính nam) cũng bị kiểm soát chặt, vì bị cho "gây hoang mang, dao động với thanh thiếu niên", theo Guangming Daily. Theo nhiều blogger giải trí, loạt phim chuyển thể truyện đam mỹ đã quay xong như Hạo y hành, Vai trái có cậu, Trương công án... khó có khả năng ra mắt.
Một số biện pháp "chỉnh đốn showbiz" được khán giả đồng tình nhưng cũng có các đề xuất chấn chỉnh gây tranh cãi. Trên Weibo, hàng nghìn ý kiến cho biết tiếc, buồn khi phim chuyển thể tiểu thuyết đam mỹ mà họ yêu thích bị chỉ trích. Tài khoản Iman nhận gần 900 like khi bình luận: "Sao phải cấm cả dòng phim này? Nó phát triển ở Trung Quốc và được cả khán giả nhiều nước khác yêu thích. Cấm đoán có phải là kỳ thị giới tính không?".
Đài trung ương (CCTV) cho rằng điều khán giả cần ở ngành giải trí là sản phẩm chất lượng cao, nghệ sĩ tiếp cận khán giả qua tác phẩm chứ không phải các tin đồn đời tư hay những bê bối. Nghệ sĩ cần trau dồi năng lực, sáng tạo, ý thức trách nhiệm với xã hội chứ không "lạc lối trong vòng xoáy danh lợi" sau khi có được tiếng tăm.
Nghinh Xuân