Theo Chinatimes, scandal Ngô Diệc Phàm tạo "cơn địa chấn" trong làng giải trí Trung Quốc. Lần đầu tiên, một ngôi sao bị xóa sổ khỏi tất cả mạng xã hội lẫn các nền tảng video. Thậm chí, tên của anh biến mất trên Douban - diễn đàn phim, nhạc, sách có hơn 100 triệu người dùng. Tài khoản Weiwei viết: "Cảm giác mọi dấu tích của anh ta đều bị xóa".
Không chỉ vậy, liên quan vụ Ngô Diệc Phàm, 990 người bị cấm hoạt động trên mạng xã hội Weibo hoặc bị xóa tài khoản do từng đăng bài "không đúng mực, gây rối trật tự, vi phạm đạo đức". Trong đó có tài khoản của những người nổi tiếng như Tô Mang - cựu tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar ấn bản Trung Quốc, nhà biên kịch Lục Lục... Đơn vị quản lý Weibo cho biết hành động trên nhằm xóa bỏ thông tin độc hại, đảm bảo môi trường Internet lành mạnh, tôn trọng luật pháp.
Hãng thông tấn nhà nước Xinhua nhận xét những năm gần đây, một số người nổi tiếng gây ảnh hưởng xấu tới xã hội do đánh nhau, mua dâm, sử dụng chất cấm, thuê người mang thai... Sự kiện Ngô Diệc Phàm không chỉ gây rúng động dư luận mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh với giới hoạt động giải trí. Cơ quan truyền thông này cho rằng cần cấm toàn diện với nghệ sĩ vướng bê bối, nhất là với người vi phạm pháp luật.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng cục Phát thanh, truyền hình ban hành quy định cấm sóng với những người vi phạm pháp luật. Các sản phẩm nghệ thuật có sự tham gia của nghệ sĩ vi phạm cũng không được phép phát hành. Vì quy định này, những diễn viên từng vướng scandal như Phạm Băng Băng, Lý Tiểu Lộ, Bạch Bách Hà, Kha Chấn Đông, Phòng Tổ Danh, Huỳnh Hải Ba... chưa được trở lại đóng phim. Hiệp hội ngành Biểu diễn đang thực hiện bộ quy tắc với giới nghệ sĩ nhằm quy định mức phạt cụ thể đối với từng vi phạm. Các hành vi trốn thuế, ngoại tình, sử dụng chất cấm... sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau.
Không chỉ cá nhân, những chương trình, game show vướng scandal cũng bị cấm chiếu. Hồi tháng 5, show tìm kiếm tài năng Thanh xuân có bạn 3 phải ngừng sản xuất vì vụ fan đổ sữa xuống cống để ủng hộ thần tượng.
Ngoài siết chặt quản lý giới sao, các cơ quan quản lý đang chấn chỉnh "văn hóa hội fan" ở Trung Quốc. Văn hóa hội fan hình thành khoảng năm 2014, chỉ những nhóm người có cùng thần tượng. Họ làm nhiều cách để thần tượng nổi tiếng hơn, như mua sản phẩm của thương hiệu thần tượng làm đại sứ, thuê vị trí đắc địa để phát hình ảnh thần tượng, bỏ phiếu cho thần tượng ở các bảng xếp hạng hoặc lấy danh nghĩa thần tượng làm từ thiện. Hội fan hoạt động ngày càng có tổ chức, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, khoảng năm 2014 tới 2016, các ông lớn công nghệ như Baidu, Tencent, Alibaba đẩy mạnh phát triển dịch vụ truyền thông, giải trí. Mức độ nổi tiếng của giới sao được số hóa qua các chỉ số truyền thông, bảng xếp hạng, lượng fan, lượng bình luận... Điều này hình thành nhóm "sao lưu lượng", chỉ những người có chỉ số truyền thông cao, được nhắc đến nhiều trên Internet.
Ngoài những mặt tích cực như tạo môi trường giao lưu, kết nối làm việc thiện, văn hóa hội fan gây không ít ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều sao lưu lượng diễn xuất kém, hát dở nhưng đắt show do có nhiều fan, dẫn đến hàng loạt tác phẩm kém chất lượng. Hàng nghìn thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để bình luận, like, "cày view" cho thần tượng, nâng tầm ảnh hưởng của họ.
Để xử lý tình trạng trên, từ năm ngoái đến nay, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) hai lần tổ chức đợt chỉnh đốn sự hỗn loạn ở các hội nhóm fan trên phạm vi toàn quốc, phạt các hành vi dụ dỗ thiếu niên góp tiền, mua lượt bỏ phiếu cho thần tượng.
Như Anh