Bầu không khí ở Nga dường như đã lắng dịu trở lại sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hôm 24/6. Moskva và các địa phương xung quanh đã dỡ bỏ cơ chế chống khủng bố, vốn được áp dụng nhằm huy động lực lượng vũ trang đối phó các tay súng Wagner khi họ tiến về thủ đô Nga.
Cuộc nổi loạn được dẹp yên khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đạt thỏa thuận với Điện Kremlin, rút quân về doanh trại khi còn cách Moskva khoảng 200 km. Đổi lại, Nga không truy cứu các tay súng Wagner, còn Prigozhin được phép rời đất nước tới Belarus.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Nga hàng chục năm qua và số phận của Wagner cũng như ông trùm Prigozhin sau biến cố vẫn chưa được làm rõ.
Tập đoàn Wagner từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời được coi là công cụ hiệu quả để thúc đẩy ảnh hưởng và lợi ích của Moskva ở một số khu vực trên thế giới, trong đó có cả châu Phi và Nam Mỹ. Wagner đã ký các hợp đồng đảm bảo an ninh với một số nước châu Phi, đổi lại sẽ có quyền khai thác vàng và khoáng sản tại đây.
Bởi vậy, nhiều người đã bị sốc khi Prigozhin rạng sáng 24/6 dẫn hàng nghìn quân kéo vào tỉnh Rostov ở miền nam Nga, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam, sau đó điều các đơn vị di chuyển dọc cao tốc M4 để hướng đến Moskva nhằm "trừng phạt" Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu. Prigozhin trước đó cáo buộc ông Shoigu ra lệnh phóng tên lửa vào doanh trại Wagner, khiến nhiều người chết, điều mà Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ.
Các tay súng Wagner đã trở về doanh trại ở Ukraine, nhưng hiện chưa rõ tập đoàn này có bị giải tán hay không và một động thái như vậy có thể gây ra tác động gì đối với xung đột Ukraine và các khu vực khác nơi lính đánh thuê Wagner đang hoạt động.
Nghị sĩ Andrey Kartapolov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, cho hay cơ quan này đang xem xét một dự thảo luật điều chỉnh hoạt động của tập đoàn Wagner, nhưng chưa nêu chi tiết.
Nga khó có khả năng đột ngột giải tán Wagner bằng một sắc lệnh mà không gây ra những xáo trộn lớn, nhất là khi tập đoàn này đang có ít nhất 25.000 tay súng được vũ trang đầy đủ và trang bị các khí tài hiện đại như xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng. Trên thực tế, lực lượng này đã giúp Moskva đạt được không ít thành tựu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, đặc biệt là ở Bakhmut.
"Tổng thống Vladimir Putin không có cách nào có thể dễ dàng giải tán các đơn vị Wagner. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục phối hợp với giới lãnh đạo quân sự Nga để theo đuổi các mục tiêu quân sự ở Ukraine hay không", Andrew Weiss, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Washington, nói.
Theo Weiss, dù bị coi là lực lượng nổi loạn, Wagner có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến dịch của Nga ở Ukraine, trong bối cảnh Moskva đang rất cần nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm tác chiến này đối phó các đợt phản công của Kiev.
Dmitri Alperovitch, đồng sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức tư vấn chính sách Silverado, trụ sở tại Mỹ, nhận định cuộc nổi loạn sẽ chỉ có "tác động tối thiểu" đến chiến sự ở Ukraine, lưu ý rằng chính Prigozhin cũng đã nói hoạt động của Wagner sẽ tiếp tục, bất chấp mâu thuẫn giữa ông với Bộ Quốc phòng Nga.
Dù vậy, Alperovitch cho rằng Nga sẽ phải cảnh giác hơn rất nhiều với Wagner sau sự việc này. "Prigozhin vẫn ở đó. Wagner vẫn tồn tại và có rất nhiều vũ khí, cũng như thể hiện mình có năng lực chiến đấu tốt", ông cho biết.
Theo ông, tương lai của Wagner sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc Prigozhin sẽ nói gì hay sẽ xuất hiện ở đâu trong những ngày tới, sau khi đạt thỏa thuận với Điện Kremlin. Theo thỏa thuận, Prigozhin sẽ không phải đối mặt với cáo buộc hình sự về vụ nổi loạn, nhưng ông đã bị Tổng thống Putin coi là "kẻ phản bội".
Người phát ngôn của Prigozhin nói với hãng truyền thông Nga RTVI hôm 25/6 rằng ông "chào mọi người" và sẽ trả lời câu hỏi khi có sóng điện thoại tốt hơn. Belarus, quốc gia đồng ý tiếp nhận trùm Wagner, chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về tung tích của ông.
Mâu thuẫn giữa trùm Wagner và Bộ Quốc phòng Nga đã âm ỉ rất lâu trước cuộc nổi loạn. Prigozhin chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Nga làm hỏng nỗ lực tiến công ở Ukraine, cáo buộc Bộ trưởng Shoigu và những chỉ huy hàng đầu khác "phản quốc" vì không cấp đạn dược cho Wagner. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ các cáo buộc này.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Shoigu tuyên bố thành viên của các công ty quân sự tư nhân, trong đó có cả Wagner, sẽ phải ký hợp đồng phục vụ quân đội trước ngày 1/7. Chuyên gia Alperovitch cho rằng đây có thể là nguyên nhân thúc đẩy Prigozhin làm loạn.
"Prigozhin muốn kiểm soát hoàn toàn Wagner và tuyên bố sẽ không tuân theo mệnh lệnh đó. Rõ ràng là khi đồng hồ đang điểm đến ngày 1/7, ông ta đã tìm cách ngăn chặn nó một cách tuyệt vọng", Alperovitch cho hay.
Một số chuyên gia khác về Nga cho rằng nước đi liều lĩnh của Prigozhin là một nỗ lực để có thêm nguồn lực cho Wagner, đồng thời gia tăng ảnh hưởng đối với chiến lược quân sự ở Ukraine.
"Chưa có ai thách thức quyền lực của Tổng thống Putin một cách trực diện như vậy", chuyên gia Weiss nhận định. "Nhưng mục tiêu cốt lõi của Wagner không phải là lật đổ chính quyền, mà nhằm mở rộng thêm vị thế và quyền lực cho Prigozhin".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào cuối ngày 24/6 rằng chính quyền sẽ bãi bỏ cáo buộc "kích động nổi dậy vũ trang" đối với Prigozhin. Thành viên Wagner tham gia cùng ông sẽ không bị truy tố và các tay súng không tham gia nổi loạn sẽ được ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, ba hãng tin chính của Nga gồm TASS, RIA và Interfax hôm nay dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong văn phòng công tố cho biết vụ án hình sự nhằm vào Prigozhin vẫn chưa bị hủy bỏ và cuộc điều tra đang diễn ra, khiến tương lai của trùm Wagner càng trở nên bấp bênh.
Mọi ảnh hưởng, tham vọng chính trị của Prigozhin nhiều khả năng sẽ biến mất sau biến cố. Triển vọng kinh doanh của tỷ phú này ở Nga cũng rất có thể sẽ tiêu tan. Trang kinh doanh của Prigozhin trên nền tảng mạng xã hội VK đã bị đóng cửa, một số trung tâm tuyển mộ của Wagner trên toàn quốc cũng ngừng hoạt động. Trụ sở tập đoàn ở St Petersburg đã bị phong tỏa, khám xét, nơi cảnh sát tịch thu lượng tiền lớn.
Thỏa thuận do Belarus làm trung gian loại bỏ quyền kiểm soát của Prigozhin đối với Wagner, nhưng không rõ liệu các chiến binh nhóm này có tiếp tục đi theo ông hay không.
"Những tay súng đó có khả năng ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, cũng có thể quyết định rời lực lượng hoặc đến Belarus", nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết trong báo cáo về cuộc nổi loạn của Wagner.
Prigozhin được cho là rất được các thành viên Wagner tôn sùng và nhiều tay súng đã thề trung thành với ông. Một cựu chỉ huy Wagner nói với Guardian rằng nhiều tay súng sẽ chọn gắn bó với Wagner và sẽ không nhận lệnh từ các chỉ huy quân đội.
Nếu các tay súng Wagner tập hợp ở Belarus cùng ông trùm Prigozhin, nhiều người lo ngại về khả năng nhóm này có thể khôi phục sức mạnh, thậm chí tìm cách tiếp cận vũ khí hạt nhân Nga triển khai tại đây. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ lo lắng về việc kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga rơi vào tay Wagner khi cuộc nổi loạn nổ ra hồi cuối tuần.
"Thế giới sẽ đứng bên bờ vực hủy diệt nếu Wager có được vũ khí hạt nhân", ông Medvedev cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo NPR, AP, Guardian)