Cảnh báo này đã được đưa ra sau phiên họp của các lãnh đạo châu Âu hôm qua tại Brussels (Bỉ). "Sự thật là chúng ta chỉ còn 5 ngày để đi đến thỏa thuận. Tối nay, tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng hạn chót cuối cùng sẽ chấm dứt trong tuần này", Donald Tusk – Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cho biết sau phiên họp.
Thủ tướng Đức – Angela Merkel hôm qua tuyên bố Hy Lạp sẽ có thời hạn là thứ Năm (9/7) để nộp lên bản đề xuất cải tổ kinh tế hoàn chỉnh hơn lần trước. Sau đó, 28 thành viên EU sẽ họp bàn vào Chủ Nhật để đánh giá có nên cứu trợ Hy Lạp dựa trên đề xuất này hay không. "Chúng ta chỉ còn vài ngày đề tìm ra giải pháp", bà cho biết, nhấn mạnh mình "không quá lạc quan" về tình hình hiện tại.
Hy Lạp rất cần tiền. Hệ thống ngân hàng của họ đã đóng cửa trong một tuần, và giới hạn rút tiền cũng đã được áp dụng. Tuy nhiên, họ vẫn còn phải trả lương hưu. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, việc phục hồi lại càng khó khăn hơn.
Phiên họp hôm qua của Nhóm Bộ trưởng Tài chính Các nước eurozone (Eurogroup) được đánh giá là sự khởi đầu không suôn sẻ, khi tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Euclid Tsakolotos tham gia mà không mang theo bản in của đề xuất giải cứu. Thay vào đó, ông chỉ cho biết sẽ nộp lên vào hôm sau.
Tình hình càng căng thẳng khi trong cuộc họp của lãnh đạo châu Âu ngay sau đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đề nghị giúp đỡ Hy Lạp tạm thời để có tiền trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 20.7 tới. Bà Merkel đã tuyên bố bất kỳ khoản hỗ trợ nào cũng chỉ có thể được cấp nếu Hy Lạp đưa ra được chương trình cải tổ toàn diện.
Sự bế tắc này cũng đồng nghĩa các nhà băng Hy Lạp sẽ vẫn đóng cửa, ít nhất là cho đến đầu tuần sau. Dù các cuộc đàm phán chính thức có thể tới ngay sau Chủ Nhật, hai bên có thể đi đến thỏa thuận hay không cũng chưa thể chắc chắn. Nếu đề xuất của Hy Lạp được thông qua, đây sẽ là gói giải cứu thứ 3 quốc tế dành cho nước này kể từ năm 2010.
Các nước khác trong khu vực đồng euro đã bơm hàng tỷ euro vay khẩn cấp cho Hy Lạp trong 5 năm qua, và họ đang lo lắng về việc tiếp tục ném tiền cho nước này. Các Bộ trưởng Tài chính đều cho rằng xóa nợ cho Hy Lạp - như năm 2012 - là điều không thể chấp nhận được.
"Xóa nợ là vấn đề nhạy cảm với hầu hết các nước. Với nước tôi, đó là điều kinh khủng", Bộ trưởng Tài chính Slovakia - Peter Kazimir nhận xét.
Dù vậy, cả hai bên vẫn có chung mục đích - không để Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên ra khỏi khối tiền tệ chung. Đạt thỏa thuận vào Chủ Nhật để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một gói giải cứu mới có thể cho phép ECB bơm thêm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp.
Còn nếu không có thỏa thuận nào và các ngân hàng vẫn phải đóng cửa, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải in chứng từ nợ IOU để trả lương công chức và lương hưu. Việc này có thể bắt đầu trong tuần tới. "Dù kịch bản này không có nghĩa Hy Lạp phải rời eurozone ngay lập tức, nó cũng sẽ đẩy họ tiến gần tới việc này", các nhà phân tích tại Teneo Intelligence nhận định. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - Jean-Claude Juncker cũng cho biết ông đã vạch ra các kế hoạch trong trường hợp Hy Lạp rời đi, trong đó có cả cứu trợ nhân đạo cho nước này.
Hà Thu (theo CNN)