Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho biết "thời gian đang dần hết" khi bà và Tổng thống Pháp - Francois Hollande - lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất eurozone nhận xét về kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp tuần trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tăng sức ép lên Hy Lạp khi khiến các ngân hàng nước này khó tiếp cận vốn vay khẩn cấp hơn.
Sau khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu "Không" với các điều khoản thắt lưng buộc bụng, ông Tsipras tin rằng việc này sẽ giúp ông có tiếng nói hơn trên bàn đàm phán. Trách nhiệm hiện tại của ông là phải chứng minh mình có thể đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ luôn yêu cầu tăng thuế và giảm chi để đổi lấy gói cứu trợ.
"Đề nghị mới nhất của chúng tôi đã là rất hào phóng rồi. Mặt khác, châu Âu chỉ có thể đứng cùng nhau nếu mỗi quốc gia tự biết chịu trách nhiệm với mình", bà Merkel cho biết.
Vài giờ tới, nhóm bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ họp tại Brussels (Bỉ). Sau đó là cuộc họp của lãnh đạo các nước. Hy Lạp đã nhượng bộ phần nào với nhóm chủ nợ, khi Bộ trưởng tài chính nước này - Yanis Varoufakis từ chức hôm qua. Ông Varoufakis có xung đột với nhiều người đồng cấp và không được lòng các bên trong phòng đàm phán.
Tổng thống Mỹ - Barrack Obama cũng đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Pháp - Hollande. Hai người đều đồng ý phải có lối thoát cho Hy Lạp để khôi phục cải tổ và tăng trưởng trở lại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew đã nói chuyện với ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính mới - Euclid Tsakalotos, thúc giục sớm có kết quả mang tính xây dựng.
Khi hệ thống ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa để tránh rút tiền hàng loạt, các nhà băng nước này đang được nuôi sống bằng nguồn vốn hỗ trợ nhỏ giọt từ ECB. Trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch ECB - Mario Draghi, ông Tsipras đã đề cập đến việc sẽ gỡ bỏ lệnh kiểm soát vốn, nếu cơ quan này nâng trần hỗ trợ thanh khoản.
Trước đó, ECB quyết định giữ nguyên mức này như cuối tháng 6, bất chấp lời cầu cứu của Hy Lạp ngày 5/7. Họ thậm chí siết chặt điều kiện tiếp cận khoản vay hiện tại.
Hôm qua, nhóm bộ trưởng tài chính các nước eurozone cũng đã điện đàm, chuẩn bị cho các vòng nói chuyện hôm nay. Tuy nhiên, cuộc họp hôm qua gần như không có tiến triển nào đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ.
Trừ phi tìm ra được giải pháp cho cơn khát tiền mặt, Hy Lạp có thể bị đẩy ra khỏi eurozone. Nếu không có tiền trả cho hàng hóa và lương nhân viên, Chính phủ Hy Lạp có thể phải phát hành chứng từ nợ IOU hoặc các dạng phương tiện trao đổi khác. Động thái này có thể dẫn đến việc hình thành dần dần hệ thống 2 tiền tệ.
"Các cuộc đàm phán có thể tiếp diễn cho đến ngày 20/7 - thời hạn Hy Lạp phải hoàn trả 3,5 tỷ euro cho ECB. Cuối cùng thì luôn có 2 kịch bản có thể xảy ra - một là Hy Lạp rời eurozone, hai là họ đạt thỏa thuận nào đó với eurozone và IMF", Mark McFarland - kinh tế trưởng tại Coutts & Co. dự báo.
Hà Thu (theo Bloomberg)