Sau một cuộc vận động tranh cử ồn ào với nhiều tranh cãi, tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một thế giới với hàng loạt thách thức gay go nhất trong nhiều thập kỷ, theo CNN.
Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm uy thế mạnh hơn trên trường quốc tế. Các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên nguy hiểm. Những cuộc xung đột ở Syria và Iraq đang tái châm ngòi các căng thẳng sắc tộc và tạo ra làn sóng người tị nạn đầy bất ổn lan rộng toàn khu vực, tràn sang cả châu Âu.
Châu Á trong tình trạng báo động cao vì một lãnh đạo Triều Tiên khó đoán, đang ra sức cải thiện kho vũ khí hạt nhân với tốc độ đáng lo ngại. Trung Quốc không ngừng thách thức sức mạnh Mỹ ở Biển Đông, trong khi đó Nga đặt các tên lửa có khả năng mang đầu đạn nhân ở ngay cửa ngõ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đối đầu Mỹ ở Syria.
Một số vấn đề an ninh quốc gia cũng quá lớn, đến nổi không một nước nào có thể tự mình giải quyết, ví dụ như tình trạng biến đổi khí hậu hay các chuẩn mực liên quan đến chiến tranh mạng chưa được thiết lập.
Bình luận viên Nicole Gaouette và Elise Labott từ CNN cho rằng tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với những "thiên nga đen", tức các sự kiện gây đổ vỡ mà không ai ngờ đến. Ngoài ra, vị tổng tư lệnh nước Mỹ cũng phải đương đầu với một số bất trắc, trong đó vấn đề quan trọng nhất là các đối thủ sẽ thử thách quyết tâm của họ ngay sau khi họ vừa bước vào Phòng Bầu dục.
Thách thức sớm
"Tôi dự đoán thách thức sẽ sớm xuất hiện", Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ Dân chủ, trụ sở ở Washington, nhận xét.
Theo Dubowitz, sẽ có "một thách thức mạnh mẽ" liên quan đến Iran. Ông cho rằng "chính quyền Mỹ mới sẽ phải chuẩn bị để có một danh mục đáp trả đầy đủ".
Các chuyên gia khác dự báo các thách thức sớm sẽ đến từ châu Âu và châu Á. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin không ưa thích gì Hillary Clinton, một cựu ngoại trưởng mà ông cho rằng đã kích động biểu tình trong nước phản đối ông vào năm 2012. Mặt khác, Triều Tiên cũng đã cho thấy một danh sách dài những hành động khiêu khích.
"Triều Tiên chắc chắn sẽ thách thức chính phủ kế tiếp", Victor Cha, một cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), đồng thời từng là cố vấn cho cựu tổng thống Mỹ George W. Bush về Triều Tiên, nhận định.
Quốc gia châu Á đang bị cô lập này áp đặt một trong những thách thức khó khăn nhất đối với chính phủ Mỹ tiếp theo, Cha và các nhà phân tích khác nhìn nhận. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định tham vọng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bằng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 hồi tháng 9 cũng như việc Bình Nhưỡng lâu nay vẫn tập trung phát triển các đầu đạn đủ sức vươn đến lục địa Mỹ.
Chính sách kiên nhẫn chiến lược của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã không thể ngăn cản Triều Tiên mở rộng chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Ý niệm giải giáp năng lực hạt nhân, bất luận thế nào, khó có khả năng thành công", giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper hồi tháng trước bình luận.
"Vấn đề này nghiêm trọng hơn nhiều so với cách đây 8 năm", Cha nói. Ông cho rằng giải quyết thách thức trên đòi hỏi chính quyền Mỹ mới phải có những bước đi quyết liệt hơn, chẳng hạn như trừng phạt các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên hoặc thay đổi chính sách của Mỹ về phòng thủ tên lửa.
Chiến tranh lạnh với Trung Quốc?
Lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Triều Tiên có khả năng chọc giận Trung Quốc, nước bảo trợ kiêm đồng minh của Bình Nhưỡng. Vậy nên, "nhiều khả năng sẽ có một cuộc Chiến tranh lạnh với Trung Quốc trong khu vực", Cha nhận xét.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc thực sự là mối thách thức cho tân tổng thống Mỹ. Bắc Kinh đang không ngừng tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi lý ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ vẫn kiên quyên yêu cầu phải bảo đảm tự do hàng hải tại vùng biển này cũng như giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở New York tháng trước, ông Clapper lưu ý rằng "chương trình hiện đại hóa quân sự mở rộng của Trung Quốc trải dài trên nhiều mặt trận" là một bước tiến triển "đáng ngại và gây chú ý".
Một cựu quan chức cấp cao chính quyền Mỹ đánh giá người đứng đầu Nhà Trắng tiếp theo sẽ phải ứng phó với một Trung Quốc "đang cảm thấy đến thời của mình" và có ý định thách thức vị thế lãnh đạo trật tự toàn cầu của Mỹ.
Bài toán mà tân tổng thống Mỹ cần giải quyết là phải xác định được những khu vực có lợi ích chung, đồng thời vẫn kiên quyết ứng phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.
Tân tổng thống Mỹ cũng sẽ phải hâm nóng, hàn gắn các mối quan hệ ở châu Á, điển hình như Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đang có ý định lái đất nước ra xa khỏi Mỹ và xích lại gần Trung Quốc hơn.
Căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng
Căng thẳng giữa Washington và Moscow ngày càng gia tăng khi Tổng thống Nga Putin đang nỗ lực mạnh mẽ để đẩy lùi sức mạnh Mỹ trên toàn cầu trong 8 năm qua với các động thái như sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine, đe dọa các đồng minh NATO ở vùng Baltic hay hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vị lãnh đạo mà Mỹ đang muốn lật đổ, theo CNN.
Tổng thống Putin đã rút khỏi những hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí với Mỹ, đe dọa sử dụng chiến thuật vũ khí hạt nhân và đặt tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở thành phố Kaliningrad, ngay sát vách các đồng minh NATO là Ba Lan và Lithuania. Nga cũng bị cáo buộc tiến hành những vụ tấn công mạng chưa từng có tiền lệ nhằm vào đảng Dân chủ trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ.
"Cách đây một năm, tôi đã nói mối quan hệ Mỹ - Nga ở mức tệ hại nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng tình hình bây giờ thậm chí còn tệ hơn", Angela Stent, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, Nga, Âu - Á thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, nói.
Khi căng thẳng tăng lên, các kênh đối thoại bị sụp đổ và đây là một tình huống nguy hiểm, Matt Rojanksy, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, trụ sở ở Washington, nhận định.
Một trong những rủi ro khác mà tân tổng thống Mỹ phải đối mặt là viễn cảnh các cuộc xung đột đang đóng băng mà Nga sử dụng để khuếch trương tầm ảnh hưởng ở các nơi như Georgia, Ukraine hay Moldova có thể bùng phát trở lại, Rojanksy dự đoán.
Nga bên cạnh đó còn đang nỗ lực quyến rũ những đồng minh truyền thống của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh những mối quan hệ của Washington trong khu vực ngày một xấu đi.
Trung Đông hỗn loạn
Nói ngắn gọn, tổng thống Mỹ kế nhiệm sẽ phải đối phó với một Trung Đông mà theo lời Clapper mô tả là không khác gì "mớ hỗn độn". Hơn nữa, trong 8 năm qua, những mối quan hệ của Mỹ trong khu vực cũng đã thay đổi sâu sắc và cần tái xây dựng, Clapper nói.
Mối bất hòa cá nhân giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã làm lu mờ quan hệ hai nước. Các đồng minh truyền thống ở Vùng Vịnh tức tối trước động thái hỗ trợ vũ khí dè dặt của ông Obama dành cho những nhóm phiến quân ôn hòa ở Syria cũng như quyết định không tấn công chính phủ Syria mặc dù nước này bị tố cáo bước qua "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Obama đặt ra về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lung lay
Mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang lung lay. Gần đây nhất, Ankara cáo buộc một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ định cư tại Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính thất bại hồi tháng 7 ở Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu Washington cho phép dẫn độ ông này về nước. Đến nay, Mỹ vẫn cự tuyệt lời đề nghị dẫn độ. Điều đó càng gây thất vọng thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang bối rối trước chiến dịch do Mỹ hậu thuẫn nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại quốc gia láng giềng Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kịch liệt phản đối Mỹ hợp tác với các nhóm người Kurd ở Syria mà Ankara cho là có liên hệ với các phần tử khủng bố. Trong khi đó, Mỹ xem những nhóm này là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS.
"Ở thời điểm này, Mỹ thiếu những người bạn truyền thống và những kẻ thù truyền thống của chúng ta cũng đã biến mất", Aaron David Miller, chuyên gia cấp cao từ Trung tâm Wilson, nói.
Người Kurd sẽ là một trong nhiều vấn đề tổng thống tương lai của nước Mỹ cần đối mặt khi nhắc đến Syria, nơi mà cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua đã giết chết gần nửa triệu người và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử hiện đại.
Chính cơn hỗn loạn này đã giúp IS trỗi dậy mạnh mẽ hơn và mở đường cho Nga can thiệp quân sự vào Syria.
Josh Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma, cho rằng Syria sẽ là một bài sát hạch khó khăn cho tổng thống sắp tới của nước Mỹ.
"Chúng ta phải đưa ra các lựa chọn không dễ dàng về việc nên ủng hộ ai ở Syria. Nếu ủng hộ người Kurd, chúng ta sẽ khiến người Thổ lánh xa. Nếu ủng hộ người Thổ và quân nổi dậy, chúng ta sẽ phải leo thang căng thẳng với Nga và bỏ rơi người Kurd", ông nói.
Tân tổng thống Mỹ cũng sẽ phải đương đầu với mối đe dọa từ IS và các nhóm cực đoan khác khi chúng đang biến Syria thành nơi nuôi dưỡng sức mạnh. Clapper đánh giá những mối de dọa này đòi hỏi Mỹ cần mạnh tay trấn áp các phong trào cực đoan trong một thời gian dài sắp tới.
Lịch sử cho thấy IS có khả năng linh hoạt và phục hồi nhanh chóng, Clapper cho hay. Khi IS bị đẩy lùi khỏi các thành lũy hiện tại ở Iraq và Syria, tổ chức này có thể "biến thành một thứ gì đó khác hoặc các tổ chức cực đoan tương tự sẽ xuất hiện", theo Clapper.
Xem thêm: Trump và những ngày thức trắng trước thềm bầu cử
Hồng Vân