Các quan chức sân bay tại Male, thủ đô Maldives, hôm nay cho biết Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cùng vợ và hai cận vệ đã lên máy bay hướng tới Singapore. Dù đang trong hành trình tháo chạy khỏi đất nước, Rajapaksa vẫn là Tổng thống của Sri Lanka, khi ông này chưa nộp đơn từ chức.
Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm hôm 9/7, khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào chiếm dinh thự của Tổng thống và Thủ tướng, yêu cầu cả hai lãnh đạo rời nhiệm sở.
Trước nỗi tức giận của công chúng, Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 9/7 đều tuyên bố sẽ từ chức để trấn an người biểu tình. Vài ngày sau, Rajapaksa lặng lẽ lên một máy bay quân sự chạy tới Maldives.
Khi đặt chân tới Maldives, ông Rajapaksa quyết định bổ nhiệm Thủ tướng Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Wickremesinghe nhanh chóng tiếp nhận quyền lực mới và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mà không đề cập gì đến cam kết rút lui trước đó.
"Tỷ lệ tín nhiệm của các lãnh đạo Sri Lanka luôn rất thấp trong hơn 6 tháng gần đây, đồng nghĩa họ đã đánh mất uy tín. Họ chỉ đồng ý từ chức sau các cuộc biểu tình lớn vừa qua. Khi người biểu tình trở về nhà, chưa lá đơn nào được nộp", Nishan de Mel, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Verite, trụ sở tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, cho hay.
Điều này đang làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe có thực sự muốn rút lui theo yêu cầu của người biểu tình, hay chỉ đang trì hoãn, kéo dài thời gian phục vụ các tính toán chính trị của mình.
"Có thể các cuộc đàm phán đang diễn ra và họ cố câu giờ để theo đuổi những lựa chọn khác. Đó là một cách hiểu", Jayadeva Uyangoda, chuyên gia hiến pháp, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombo, nhận xét.
Jehan Perera, giám đốc điều hành Hội đồng Hòa bình Quốc gia Sri Lanka, một tổ chức giáo dục và vận động chính sách, nói rằng những hoài nghi về tuyên bố từ chức của Tổng thống và Thủ tướng không phải là không có nguyên nhân.
"Tổng thống được cho là đã nói với Chủ tịch Quốc hội về quyết định từ bỏ quyền lực, nhưng ông ấy không tự mình đưa ra thông báo đó", Perera cho hay. "Thủ tướng nói ông sẽ từ chức sau khi một chính phủ lâm thời được thành lập. Những người muốn ông ấy ở lại có thể trì hoãn quá trình thành lập chính phủ này".
Nhưng theo Paikiasothy Saravanamuttum, giám đốc điều hành Trung tâm Thay thế Chính sách (CPA), mọi thứ đã tồi tệ đến mức Tổng thống Rajapaksa sẽ không thể nắm quyền lâu hơn được nữa.
"Tổng thống không thể tiếp tục níu kéo sau những sự kiện chưa từng có xảy ra gần đây. Ông ấy phải đón nhận những thay đổi mới", Saravanamuttum nhấn mạnh.
Quan điểm này được đón nhận bởi Cheran Rudhramoorthy, giáo sư xã hội học tại Đại học Windsor, Canada, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc Quốc tế ở Sri Lanka. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng quân đội vẫn là phe ủng hộ và bảo vệ trung thành cho Tổng thống.
Theo hiến pháp Sri Lanka, nếu tổng thống từ chức, thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống, cho đến khi quốc hội bầu chọn ra được lãnh đạo mới trong số các nghị sĩ.
Nếu thủ tướng cũng từ chức, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành quyền tổng thống trong thời hạn một tháng hoặc cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ ban đầu của người tiền nhiệm.
"Nhiệm vụ đầu tiên của tân tổng thống là chọn một thủ tướng mới, một nội các mới, giúp thành lập một chính phủ lâm thời mới", Uyangoda cho hay. Nhưng khi Rajapaksa chưa chịu rút lui và bổ nhiệm một quyền tổng thống vốn gây nhiều tranh cãi, tương lai chính trị Sri Lanka càng trở nên bất định.
Ngay sau khi Wickremesinghe trở thành quyền tổng thống, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng của ông, bất chấp cảnh sát và quân đội ngăn chặn. Họ vẫn muốn thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo chính trị của đất nước và không ủng hộ Wickremesinghe, người mà họ cho là đã góp phần đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng.
Từng 6 lần giữ chức thủ tướng, sự nghiệp của Wickremesinghe gắn liền với những tham vọng kinh tế và cả quá trình sụp đổ của Sri Lanka.
Wickremesinghe từng phải từ chức thủ tướng vào năm 2019 và mất ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông chỉ giành lại được ghế trong quốc hội thông qua một quy trình đề cử.
Đến tháng 5, Wickremesinghe, 73 tuổi, được Tổng thống Rajapaksa lựa chọn để lãnh đạo chính phủ một lần nữa, sau khi thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai Tổng thống, phải từ bỏ quyền lực trước các cuộc biểu tình của người dân.
Wickremesinghe nhanh chóng khởi động các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những điều khoản của một gói cứu trợ kinh tế nhằm cứu vãn tình hình ở Sri Lanka.
Nhưng liên minh chính trị mới lập tức vấp phải hoài nghi của người biểu tình, khi họ coi ông Wickremesinghe là người bảo vệ cho Tổng thống Rajapaksas. Những hoài nghi đó đến nay vẫn không thay đổi.
Việc Wickremesinghe tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi Tổng thống Rajapaksas tháo chạy nhiều khả năng sẽ tác động lớn đến tương lai chính trị Sri Lanka. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết nước này sẽ bổ nhiệm tổng thống mới vào ngày 20/7, thay thế quyền tổng thống Wickremesinghe.
Bất chấp các cuộc biểu tình và bạo lực bùng phát trên diện rộng, gia tộc Rajapaksa vẫn nhận được ủng hộ của đa số thành viên trong quốc hội và vẫn có thể tác động đến quyết định lựa chọn ban lãnh đạo tương lai của đất nước.
Trong bối cảnh chính trị phân cực sâu sắc, sẽ rất khó để các đảng có thể hợp lực thành lập một chính phủ liên minh lâm thời ổn định. "Hiện tại, chúng tôi có một quốc hội bị phân mảnh về chính trị. Đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn", Uyangoda nhận định.
Ngay cả khi quốc hội Sri Lanka thành lập được một chính phủ đa đảng, không có gì đảm bảo họ sẽ ổn định và thành công trong nỗ lực đưa đất nước thoát khủng hoảng.
"Những người từng thuộc đảng cầm quyền cũng sẽ trở thành một phần của chính quyền mới. Điều chúng ta cần là toàn bộ hệ thống chính trị phải thay đổi", Rudhramoorthy nhấn mạnh.
Theo Nishan de Mel từ Viện nghiên cứu Verite Research, người dân Sri Lanka đang "cảm thấy tự hào" về các cuộc biểu tình. "Nhưng cho đến khi đất nước có được bộ máy lãnh đạo mới và những cải cách về cơ cấu giúp đảm bảo không còn tham nhũng thì các vấn đề vẫn sẽ ở đó. Một con đường khó khăn đang chờ họ phía trước", ông cho hay.
Bất kỳ ai lên nắm quyền tại Sri Lanka trong những ngày tới sẽ phải đảm đương một nhiệm vụ khó khăn là giải quyết tình trạng hỗn loạn kinh tế nghiêm trọng của đất nước.
"Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka cũng cần đến những thay đổi sâu rộng như với hệ thống chính trị", cựu giáo sư Đại học Colombo Uyangoda nhận định. "Câu hỏi đặt ra là liệu tầng lớp chính trị của đất nước có thể vượt qua được thách thức hay không. Nếu chính phủ mới không đưa ra được những cải cách quản trị và chính sách đáng kể, làn sóng kích động sẽ tiếp tục nổi lên ở trong nước".
Một phái đoàn IMF đã đến thăm Colombo vào cuối tháng 6 để thảo luận về hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka. Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, tổ chức tài chính toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm giải quyết vấn nạn tham nhũng để khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng của Sri Lanka.
Tuy nhiên, thỏa thuận giải cứu với IMF không phải là "thuốc thần" giúp Sri Lanka vượt qua khủng hoảng. Để giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ mới cần đưa ra các biện pháp giúp đảm bảo cải cách cơ cấu bộ máy, tính bền vững và trách nhiệm giải trình nợ công cùng hàng loạt vấn đề khác.
Trong khi đó, người dân Sri Lanka thuộc mọi tầng lớp vẫn tiếp tục biểu tình.
"Người dân cả nước đã đạt được kết quả thông qua những cuộc biểu tình, điều mà các đảng chính trị đã thất bại trong nhiều năm", Perera, giám đốc điều hành Hội đồng Hòa bình Quốc gia Sri Lanka, nói. "Nhưng chúng ta phải chờ xem liệu phong trào này có dẫn đến bước chuyển mình về kinh tế và chính trị đáng kể ở Sri Lanka hay không".
Vũ Hoàng (Theo DW, NY Times)