Dù Nga mới hạ thủy thêm một tàu ngầm tấn công Đề án 855M "Yasen-M" tối tân, hải quân nước này vẫn không thể nhanh chóng thay thế lực lượng tàu ngầm hạt nhân chuẩn bị hết niên hạn sử dụng, khiến hạm đội tàu ngầm chiến lược Nga đối mặt với tương lai ảm đạm, theo War Is Boring.
Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho rằng đến năm 2030, hầu hết hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga đều có trên 35 năm phục vụ, một số tàu thậm chí có niên hạn tới 40 năm. Để so sánh, ba tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles cũ nhất của Mỹ gồm USS Dallas, USS Bremerton và USS Jacksonville đều đã 36 tuổi, dự kiến bị loại biên trong ba năm tới.
Các tàu ngầm thường xuống cấp rất nhanh sau nhiều năm hoạt động, chủ yếu do sự hao mòn vỏ tàu. Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc ăn mòn các thành phần bên trong khoang chứa lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, dữ liệu về quá trình ăn mòn này thường bị quân đội các nước giữ bí mật tuyệt đối.
Các tàu hải quân khi gần hết niên hạn sẽ tốn nhiều công bảo dưỡng và phải nằm cảng lâu hơn, gây áp lực rất lớn đến khả năng duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trên biển.
Hải quân Nga đang dồn lực cho 7 tàu ngầm đa nhiệm lớp Yasen tối tân, với việc đưa vào biên chế hai tàu Severodvinsk và Kazan trong năm 2010 và 2017 và chiếc Yasen cuối cùng sẽ được biên chế năm 2023. Tuy nhiên, dự án này rất tốn kém, bởi mỗi chiếc Yasen có giá tới 1,6 tỷ USD.
Ngay cả khi hoàn thiện, 7 tàu ngầm Yasen cũng không thể gánh vác hết vai trò của 11 tàu ngầm Đề án 971 "Schuka-B", ba tàu Đề án 945 "Barrakuda", 4 tàu ngầm tấn công Đề án 671RT Syomga và 8 tàu ngầm mang tên lửa hành trình Đề án 949 Granit.
Số tàu ngầm này đều đã hoạt động từ lâu, có thể bị loại biên trong vài năm tới. Chiếc mới nhất của Đề án 941 là tàu ngầm Gepard cũng được biên chế từ năm 2000, số còn lại đều đi vào hoạt động từ đầu thập niên 1990.
Nga đang cố gắng duy trì những tàu ngầm từ thời Liên Xô lâu nhất có thể, nhưng họ sẽ không thể vận hành hơn một nửa so tàu ngầm hạt nhân hiện nay vào năm 2030. Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Moscow sẽ được cải thiện trong những năm tới. Hải quân Nga hiện sở hữu 13 tàu ngầm loại này, bao gồm cả ba chiếc Đề án 955 "Borei" hiện đại, dự kiến được bổ sung thêm 5 tàu mới.
Vào thời điểm năm 2030, ba tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Đề án 667BDR "Kalmar", 6 chiếc Đề án 667BDRM "Delfin" và một tàu Đề án 941 "Akula" sẽ cán mốc 40 năm biên chế. Tuy nhiên, ngay cả khi Nga loại biên các tàu này và dựa vào lớp Borei mới hơn, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ mới sở hữu số lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tương đương.
Nga có thể lấp chỗ trống tàu ngầm tấn công và mang tên lửa hành trình bằng loạt tàu ngầm trong dự án Husky đang được phát triển. Lớp tàu này sẽ có ba biến thể, gồm tàu tấn công, tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Điều kiện lý tưởng nhất cho hải quân Nga là dự án đóng tàu Husky được bắt đầu từ đầu thập niên 2020, hải quân Nga đặt mua với tiến độ hai năm/một tàu và thời gian thi công kéo dài 4 năm rưỡi. Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa mãn yêu cầu này, Moscow cũng chỉ sở hữu ba chiếc Husky vào năm 2030.
Tốc độ đóng mới chậm chạp, chi phí cao cho những tàu ngầm hạt nhân tối tân và số lượng tàu cần loại biên lớn sẽ tạo nên lỗ hổng không hề nhỏ trong lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga, khiến nước này mất đi một trong những ưu thế quân sự lớn nhất của mình, chuyên gia Beckhusen nhận định.
Duy Sơn