
Xe phóng đạn của tổ hợp S-300 Nga hồi cuối năm 2017. Ảnh: TASS.
"Nếu quyền tự do di chuyển bị đe dọa, chúng tôi sẽ loại bỏ mọi mối nguy hiểm. Các hệ thống phòng không S-300 Syria sẽ bị hủy diệt nếu họ dùng chúng để chống lại phi cơ Israel", tướng Yoel Strick, tư lệnh Bộ chỉ huy Miền Bắc Israel, hôm nay phát biểu, không lâu trước khi rời nhiệm sở.
Tướng Strick khẳng định quân đội Israel sắp biên chế "nhiều vũ khí tối tân" để bảo đảm khả năng tấn công các khu vực được bảo vệ bởi lưới phòng không dày đặc. Tuy nhiên, quan chức Israel hy vọng điều này sẽ không xảy ra, do nó có nguy cơ phá hoại quan hệ giữa Tel Aviv và Moskva.
Không quân Israel rạng sáng 13/4 tiến hành đợt không kích nhằm vào mục tiêu được Tel Aviv mô tả là "nhà máy chế tạo tên lửa của Iran" tại thành phố Masyaf, tây bắc Syria. Quân đội Syria tuyên bố đánh chặn phần lớn tên lửa được tiêm kích Israel phóng từ không phận Lebanon, nhưng một số quả đạn vẫn lọt qua lưới phòng không và phá hủy mục tiêu.
Babak Taghvaee, nhà phân tích chuyên theo dõi chiến sự tại Trung Đông, nhận định không quân Israel đã sử dụng Rampage, tên lửa không đối đất mới nhất trong biên chế nước này, trong cuộc tấn công. "Tên lửa Rampage được sử dụng do mối đe dọa từ các hệ thống S-300PM-2 trong lưới phòng không Syria", Taghvaee viết trên Twitter.
Bộ Quốc phòng Israel không bình luận về thông tin này.
Tên lửa Rampage (Cuồng nộ) được Israel phát triển trên nền tảng đạn dẫn đường thuộc tổ hợp Pháo phản lực tăng tầm (EXTRA) và ra mắt hồi năm ngoái. Nó được trang bị cho tiêm kích F-15I, F-16I và F-35I trong biên chế không quân Israel, đạt tầm bắn gần 150 km và di chuyển với tốc độ siêu thanh suốt hành trình bay.

Tiêm kích Israel phóng thử tên lửa Rampage hồi năm 2018. Ảnh: IAI.
Tình hình căng thẳng sau hàng loạt đợt không kích của Israel vào lãnh thổ Syria dường như là động lực thúc đẩy Damascus tăng cường năng lực phòng không. Nga hồi tháng 10/2018 chuyển giao ba hệ thống S-300PM-2 với 24 xe phóng cùng hơn 300 quả đạn cho quân đội Syria. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các tổ hợp S-300 đã được nâng cấp sâu và binh sĩ Syria được huấn luyện trong ít nhất ba tháng để sử dụng thuần thục khí tài.
Công ty ImageSat International (ISI) của Israel hồi tháng 2 cũng công bố hình ảnh một trận địa S-300PM-2 được Syria bố trí tại thành phố Masyaf, cho thấy hệ thống này đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và được đưa vào trực chiến. Dù vậy, một số chuyên gia vẫn tỏ ý nghi ngờ khả năng làm chủ hệ thống S-300 của lực lượng phòng không Syria, do các binh sĩ trải qua thời gian huấn luyện quá ngắn.
Vũ Anh (Theo RT)