Ngày 6/4, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, phụ trách Phòng Nội soi phế quản, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi nội soi phế quản gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhân nhìn một lúc lâu mới nhớ đó chính là chiếc xương cổ vịt bà ăn bị sặc cách đây một năm. Khi ấy, bệnh nhân sặc thức ăn nhưng không ngờ là mảnh xương đã rơi vào phổi.
"Dị vật mắc trong phổi lâu ngày nên xung quanh mảnh xương mọc nhiều mô hạt", bác sĩ chia sẻ. Sau nội soi gắp dị vật, bệnh nhân hết ho, sức khỏe hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Thanh, nhiều người ho dai dẳng, điều trị hen suyễn, các bệnh về phổi ở nhiều nơi vẫn không thuyên giảm, sau đó mới nội soi phát hiện dị vật trong phổi. Có những trường hợp đến lúc bác sĩ phát hiện, dị vật đã nằm trong phổi vài năm, gây biến chứng nặng nề như viêm phổi tái phát nhiều lần, ho kéo dài, giãn phế quản gây ho ra máu, áp xe phổi, xẹp phổi...
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 28 tuổi ho ra máu dai dẳng gần hai năm dù không có bệnh nền. Khi nội soi, bác sĩ phát hiện vỏ kẹo nằm xếp lớp gây tắc một nhánh thùy dưới phổi trái, làm viêm nhiễm dẫn tới giãn phế quản và ho ra máu. Trường hợp này nếu tắc nghẽn lâu ngày và viêm nhiễm kéo dài, bệnh nhân có thể sẽ bị áp xe phổi, ộc ra mủ và hoại tử phần phổi đó. Thậm chí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu nhiễm trùng phổi nặng, ho ra máu.
Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị hội chứng đại thực bào do mảnh gói dầu gội đầu lọt vào phế quản. Người nhà cho biết nhiều năm trước bệnh nhân có dùng răng để mở gói dầu gội đầu, bị mảnh gói lọt vào họng gây sặc mà không biết. Do dị vật lâu ngày nằm trong phổi gây tổn thương, bệnh nhân nhập viện điều trị không hiệu quả, sau đó tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cảnh giác với hội chứng xâm nhập, khi đang ăn đột ngột ho sặc, khó thở, tím tái, nghĩ ngay đến khả năng dị vật lọt vào đường thở và đến bệnh viện để kiểm tra, xử trí kịp thời.
Lê Phương