Bệnh nhân chưa thể gây mê được, ca phẫu thuật chân tạm hoãn.
Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước hết phải nội soi để lấy dị vật phổi cho bệnh nhân. Nội soi lần đầu, bác sĩ nỗ lực hơn hai giờ vẫn không thể kéo dị vật ra vì xung quanh mọc nhiều mô hạt, nhiễm trùng quá nặng. Ê kíp quyết định ngưng nội soi, cho bệnh nhân dùng kháng sinh, kháng viêm một tuần.
Ngày 9/3, các bác sĩ nội soi lần hai. Sau 30 phút, bác sĩ gắp thành công dị vật là mảnh xương với nhiều góc cạnh sắc bén, bám chặt vào phế quản phải. Bệnh nhân không nhớ rõ dị vật rơi vào phổi từ lúc nào, "khả năng đó là xương gà".
"Mấy năm nay tôi khò khè khó thở, đi nhiều nơi được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính", bệnh nhân quê Bến Tre nói. Hiện, ông hết khò khè, đợi ổn định sức khỏe để phẫu thuật xương.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân bị dị vật trong phổi như mảnh xương, hạt hồng xiêm, ổi, xâu chuỗi... Nhiều người ho dai dẳng, đi điều trị hen suyễn, các bệnh về phổi ở nhiều nơi vẫn không thuyên giảm.
"Có những trường hợp đến lúc bác sĩ phát hiện, dị vật đã nằm trong phổi vài năm, gây biến chứng nặng nề như viêm phổi tái phát nhiều lần, ho kéo dài, giãn phế quản gây ho ra máu, áp xe phổi, xẹp phổi...", bác sĩ Thanh chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cảnh giác với hội chứng xâm nhập, khi đang ăn đột ngột ho sặc, khó thở, tím tái, có thể nghĩ ngay đến dị vật lọt vào đường thở.
Cẩn trọng khi ăn uống, tránh cười đùa, nhất là khi ăn trái cây có hạt. Khi xảy ra sự cố nên đi kiểm tra, soi gắp ở những trung tâm lớn. Việc gắp dị vật đường hô hấp nên được thực hiện ở nơi có chuyên khoa ngoại lồng ngực, nếu chẳng may rách khí quản thì có thể xử trí mổ mở phổi kịp thời.