Ngày 4/8, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị ung thư thanh quản, phải phẫu thuật xử lý khối u kết hợp hóa trị theo phác đồ.
Theo bác sĩ Đào, bất kỳ bệnh lý nào nằm trong vùng cảm giác của các dây thần kinh sọ hay các dây thần kinh cổ đều có thể gây đau tai. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau tai không tương quan mức độ bệnh. Ví dụ, sâu răng có khả năng gây đau tai liên tục, trong khi ung thư thanh quản chỉ gây đau nhức nhẹ.
"Nếu đau tai mà thăm khám không thấy tổn thương, bác sĩ phải đánh giá các cấu trúc khác vùng đầu cổ như họng, thanh quản, mũi xoang", bác sĩ nói.
Ung thư thanh quản đứng thứ hai trong các loại ung thư tai mũi họng. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc hóa chất, môi trường. Biểu hiện hay gặp là khàn tiếng, thay đổi giọng nói, sau đó khó thở, nổi hạch cổ.
Để phòng ngừa bệnh, cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá. Trường hợp khàn tiếng kéo dài trên ba tuần, cần đi kiểm tra để sàng lọc và phát hiện bệnh giai đoạn sớm. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân bị mất tiếng, khó thở tăng dần, khó nuốt do khối u lớn dần, chèn vào dây thanh quản. Nếu đau lan lên tai hoặc đau khi nuốt thức ăn là bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Thùy An