Người mới học cờ đều hiểu tượng và mã có cùng sức mạnh, chí ít là xấp xỉ nhau. Mã được biết đến với nước nhảy chữ L, lắt léo nhưng không thể bao quát bàn cờ trong một nước. Mã có tối đa tám khả năng di chuyển và tối thiểu là hai, có khả năng hiện diện ở cả 64 ô cờ. Trong từng nước đi, mã tới lui giữa hai ô đen và trắng. Điểm mạnh nhất của mã là không bị cản, có thể bay nhảy qua không gian hẹp.
Tượng thì ngược lại, khi di chuyển theo đường chéo, cự ly vô hạn trong bàn cờ. Tượng có tối đa 13 khả năng di chuyển và tối thiểu là bảy, nhưng không thể nhảy qua quân khác. Tầm hoạt động của tượng bị giới hạn bởi vị trí và đặc biệt là cấu trúc các quân, đặc biệt là tốt. Nhược điểm của tượng là chỉ xuất hiện ở các ô cùng màu (tối đa 32 ô).
Giới chuyên môn thường kết luận rằng tượng có ưu thế hơn trong thế cờ mở, ngược lại khi cờ đóng.
Không ít siêu kỳ thủ coi tượng mạnh hơn mã. Trong khai cuộc, mã có lợi thế hơn. Về trung và tàn cuộc, khi lượng quân suy giảm, tượng dần lấn át mã. Thời gian tượng chiếm ưu thế dài hơn so với mã, khiến cựu Vua cờ Bobby Fischer từng coi tượng xứng đáng được 3,25 điểm. Thông thường, đại kiện tướng tránh đổi tượng lấy mã ở khai cuộc. Có nhiều nguyên nhân khiến họ phải bận tâm như quyền kiểm soát trung tâm, cấu trúc tốt sau khi đổi quân và nguy cơ vua bị đe dọa.
Mã hiệu quả nhất khi đứng ở hàng năm hoặc sáu, trên ô mạnh (không bị tốt đối phương tấn công, được tốt nhà bảo vệ) và giữa cấu trúc tốt dày, sẽ có ưu thế hơn tượng.
Ở thế cờ trên, mã trắng mạnh khó cưỡng ở trung tâm, có thể nhảy lắt léo tới các ô mạnh như e5, d4 và g5. Với sự trợ giúp của vua trắng, ưu thế sẽ biến thành thắng lợi. Trong trường hợp vua trắng tới e5, còn mã trắng ở d4 hoặc g5, đen hoàn toàn bị động. Trong khi đó, tượng đen bị hạn chế hoạt động bởi tốt đen, nếu đến a6 cũng không nhắm vào mục tiêu cụ thể.
Thế cờ trên, cựu vô địch thế giới Mikhail Botvinnik tìm thấy phương án tối ưu hóa sức mạnh mã trắng. Đen có lợi thế khi xe ở c6 chiếm cột c, nhưng tượng đen bị hạn chế đường di chuyển bởi tốt ở d5. Trắng cần loại tốt đen ở f6 trước khi nhảy đến e5. Nhờ đó, Botvinnik đi 33.g5! Đòn đánh tuy đơn giản, có thể thay đổi toàn bộ ván cờ.
Nhưng trong phần nhiều trường hợp, tượng có uy thế thấy rõ, nhất là trong cờ tàn. Chỉ cần hai tượng vẫn có thể chiếu hết đối thủ, với hai mã thì không. Fischer từng lên ngôi Vua cờ năm 1972, trong trận đấu thế kỷ giữa Mỹ và Nga. Kỳ thủ người Mỹ đánh bại Boris Spassky sau 21 ván. Ở ván sáu, Fischer lần đầu vượt lên dẫn trước nhờ cách sử dụng tượng tài tình.
Thế cờ này là lý do khiến tượng được đánh giá cao hơn mã. Ở tình thế mở hoàn toàn, tượng trắng có sức mạnh vượt trội, như bỏ tù chung thân mã đen trong trường hợp trên. Nhưng tình thế như vậy không thường xuất hiện. Để phát huy sức mạnh của tượng so với mã, hai mấu chốt kỳ thủ hướng tới là đổi tốt và xác định mục tiêu tấn công cho tượng.
Trong trường hợp trên, tượng đen có không gian di chuyển, nhưng không có mục tiêu rõ ràng. Trái lại, mã trắng ở c5 đứng ở ô mạnh gần trung tâm.
Tượng đen giống như chú rồng phun lửa xuyên đường chéo a1-h8 ở thế trên. Dù trắng đang hơn tốt, vẫn chịu thất bại chóng vánh. Mã trắng ở c3, tốt ở b2, a4 và vua đều dễ bị tấn công.
Trong thế cờ thông thoáng, xu hướng là đổi mã lấy tượng. Trắng vừa đi 33.Ne6!, buộc đen phải đổi tượng lấy mã. Sau khi rút tượng về b3, trắng sở hữu quyền kiểm soát trên hai đường chéo lớn a2-g8 và b1-h7, dễ đi tới thắng lợi.
Có thể nói, tượng và mã trong cờ vua giống như chó với mèo. Mỗi kỳ thủ có sở thích và cách chăm sóc quân cờ khác nhau, cũng như con người với thú cưng. Trong từng ván cờ, từng thời điểm, sức mạnh của tượng và mã không giống nhau, thậm chí là một trời - một vực.
Xuân Bình tổng hợp