Pho tượng nguyên vẹn không tỳ vết này được dựng bằng 2.500 bảng tiền quyên góp của nhân dân vào năm 1904. Bức tượng được thiết kế và đúc từ Anh quốc, giá 1.600 bảng khi đó. Bệ được làm bằng đá hoa cương lấy trong vùng.
Tôi gọi những tượng đài được xây dựng bằng tiền đóng góp và tình cảm của dân chúng là những tượng đài của lòng dân. Hàng năm vào ngày kỷ niệm quân đội Australia, quân nhân tại ngũ, cựu chiến binh nắm tay con, cháu mình diễu hành theo tiếng quân nhạc trên phố này, như một truyền thống bất di bất dịch tưởng nhớ người ngã xuống trong tất cả các cuộc chiến tranh, khi “tất cả mọi người đều bình đẳng khi chết”.
Những tượng đài của lòng dân có khắp nơi. Tượng Thần Tự do ở New York, một công trình kiến trúc và điêu khắc rất nổi tiếng được khánh thành năm 1886. Tượng cao 48m, là quà tặng của nhân dân Pháp cho thành phố New York nhân dịp 100 năm ngày nước Mỹ ra đời. Phần bệ cao hơn 40m lại không được tặng. Quốc hội Mỹ không duyệt ngân sách cho những việc như thế này. Trong tình huống khó khăn đó Nhà xuất bản Joseph Pulitzer đã kêu gọi dân chúng đóng góp. Hơn 120.000 người đã tham gia, bình quân mỗi người góp 84 cent và pho tượng đã được dựng lên. Đó là ý muốn, là giá trị tinh thần của nhân dân Mỹ.
Không thể không nhắc đến một tượng đài nổi tiếng khác - tượng chúa Ky Tô Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brazil. Bức tượng chúa giang rộng cánh tay là biểu tượng của hòa bình, được khánh thành năm 1931 sau 10 năm xây dựng từ quyên góp của tín đồ cơ đốc giáo ở Brazil. Chi phí lúc đó là 2.500 USD, tương đương với 3,3 triệu USD hiện nay. Người Brazil và đặc biệt là người Rio de Janeiro tự hào về biểu tượng văn hóa của mình, một tác phẩm nghệ thuật được các nhà thiết kế và điêu khắc nổi tiếng thế giới thực hiện. Bức tượng hấp dẫn khách du lịch và gần gũi với người dân để họ có thể tổ chức đám cưới trong nhà thờ cạnh đó.
Khi tìm kiếm các tượng đài ở Việt Nam, tôi gặp tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam. Khu tưởng niệm này do nhà nước Việt Nam đầu tư, xây dựng trong 8 năm, từ 2007 đến 2015. Vốn đầu tư ban đầu là 120 tỷ VNĐ và kết thúc chi phí theo báo chí là 411 tỷ VND (tương đương với 20 triệu USD). Tượng mẹ Suốt ở Quảng Bình, mẹ Nhu ở Đà Nẵng có quy mô nhỏ hơn. Mẹ Việt Nam thì không ai có thể sánh được về sự hy sinh và chịu đựng. Không chỉ có mẹ Thứ, mẹ Suốt, mẹ Nhu mà còn hàng triệu các bà mẹ khác đã mất con trai con gái của mình cho chiến tranh, đã thầm lặng gánh trên vai gầy mọi việc còn lại của hậu phương. Việc xây tượng đài hay một khu lưu niệm nào đó để tưởng nhớ họ, theo tôi, là việc đáng làm. Nhưng điều đáng bàn và thường vấp phải tranh cãi nhiều nhất là làm như thế nào và với quy mô ra sao.
Có lẽ chính phủ các nước kể trên không phải không có tiền để xây tượng đài. Nhưng trách nhiệm trước nhất của chính phủ là chăm lo việc làm, giáo dục và sức khỏe cho dân.
Chúng ta thừa nhiều tượng đài gây lãng phí nhưng dường như vẫn thiếu những tượng đài của lòng dân. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - chưa một công trình nào được dựng lên để tưởng nhớ những người đã hy sinh. Nếu chính quyền hoặc một tổ chức nào đó đứng ra huy động người dân đóng góp để xây dựng tượng đài tưởng niệm họ, tôi tin, sẽ nhiều người ủng hộ.
Hãy để dân chọn thứ họ muốn dựng tượng. Bởi chỉ có những tượng đài của lòng dân mới tồn tại trường cửu.
Nguyễn Thị Nhuận