Hãng tin Yonhap hôm qua dẫn một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nói Kim Jong-nam, con trai cả cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Jong-un, bị sát hại ngày 13/2. Theo kênh TV Chosun, Kim bị hai phụ nữ chưa rõ danh tính ám sát bằng kim tẩm độc tại sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia. Hai phụ nữ rời hiện trường ngay sau đó. Cảnh sát Malaysia xác nhận về cái chết của ông Kim nhưng cho biết chưa tìm ra nguyên nhân khiến ông thiệt mạng và sẽ khám nghiệm tử thi.
Theo BBC, ông Kim Jong-nam sinh năm 1971 tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Mẹ ông là nữ diễn viên Song Hye-rim. Bà Song lớn hơn ông Kim Jong-il 4 đến 5 tuổi và đã kết hôn với một người đàn ông khác lúc bắt đầu mối quan hệ với ông Kim Jong-il.
Theo quan niệm xã hội Triều Tiên, mối quan hệ này không được chấp nhận. Vì thế, ông Kim Jong-il đã giấu cha mình, cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, chuyện ông có con với bà Song Hye-rim.
Thời điểm Kim Jong-nam ra đời, ông Kim Jong-il là ứng viên hàng đầu kế nhiệm cha. Nếu mối quan hệ với bà Song bị bại lộ, con đường chính trị ông đang đi chắc chắn sẽ lâm vào ngõ cụt. Thế nên, ngay từ bé, Kim Jong-nam đã bị đưa đến sống tại một địa điểm bí mật ở trung tâm Bình Nhưỡng, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Khi mẹ ông lâm bệnh phải đưa đi điều trị ở nước ngoài, Kim Jong-nam sống cùng bà ngoại và dì Song Hye-rang. Lúc Kim Jong-nam còn là một đứa trẻ, bà Kim Kyong-hui, em gái cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, đã cố đưa ông đi và nhận Kim Jong-nam là con mình. Dù không được chấp nhận, nhưng bà luôn ủng hộ Jong-nam.
10 năm ở nước ngoài
Theo BBC, ông Kim Jong-nam lớn lên trong bí mật, tuổi thơ bị che giấu phía sau những cánh cửa đóng kín.
Ông Kim Jong-il rất yêu quý Kim Jong-nam, luôn tìm cách dành thời gian ngủ cùng, ăn cùng hay gọi điện cho con trai mỗi khi quá bận rộn mà không kịp về nhà. Sau này, Kim Jong-nam cuối cùng cũng có cơ hội gặp ông nội Kim Nhật Thành.
Năm 1979, Kim Jong-nam bắt đầu hành trình 10 năm sống và học tập tại nước ngoài. Ông từng sống tại Nga và Thụy Sĩ, có thể nói trôi chảy tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông trở về Triều Tiên vào cuối những năm 1980.
Vì sớm tiếp xúc với thế giới bên ngoài và không hài lòng trước cuộc sống bị phong tỏa, cô lập ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-nam nhanh chóng thể hiện thái độ hoài nghi về hệ thống chính trị, kinh tế Triều Tiên.
Có thời điểm ông Kim Jong-il giận dữ với Kim Jong-nam đến mức đe dọa đưa ông vào làm việc tại mỏ than trong các trại tập trung tù nhân chính trị.
Theo bà Kim Kyong-hui, ông Kim Jong-il không hề "nói cho vui". Gia đình thậm chí đã mua sẵn quần áo, giày dép để chuẩn bị cho ngày ông Kim Jong-nam bị tống vào tù.
Tay chơi
Không muốn phải ngồi tù, ông Kim Jong-nam đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ sống theo nguyện vọng từ cha.
Kim Jong-nam chưa bao giờ được nhìn nhận đủ điều kiện kế tục sự nghiệp của cha mình, trở thành lãnh đạo Triều Tiên tương lai, song ông cũng tham gia vào các công việc gia đình.
Theo một số chuyên gia về Triều Tiên, Kim Jong-nam có mối liên hệ với bộ máy an ninh nội địa ở Bình Nhưỡng và hoạt động trao đổi, thu mua tại nước ngoài.
Những năm 1990, khi hàng nghìn người dân Triều Tiên chết vì nạn đói, Kim Jong-nam tham gia vào nhóm các quan chức chính quyền tiến hành xem xét năng lực tài chính, kinh doanh của các nhà máy do nhà nước quản lý.
Sau vài lần đi làm nhiệm vụ, Kim Jong-nam dường như đã chứng kiến cảnh những giám đốc nhà máy bị xử tử với cáo buộc tham ô. Tất cả khiến ông sụp đổ mọi kỳ vọng về đất nước, giới quan sát đánh giá.
Ông kết hôn vào cuối những năm 1990. Từ đầu những năm 2000 trở đi, Kim Jong-nam lại bắt đầu sống lưu vong ở nước ngoài, chủ yếu tại Macau và Bắc Kinh, Trung Quốc.
Theo BBC, Kim Jong-nam thường được nhìn thấy lui tới các sòng bài ở châu Á và có cuộc sống tương đối xa hoa nên nhiều người gán cho ông biệt danh "tay chơi".
Cuộc đời lưu lạc
Năm 2001, ông bị bắt tại một sân bay ở Tokyo cùng hai phụ nữ và một trẻ em trong lúc đang cố gắng nhập cảnh vào Nhật Bản với tấm hộ chiếu Cộng hòa Dominica giả để tới thăm công viên Disneyland.
Trong cuộc trao đổi email với một phóng viên Nhật Bản hồi năm 2012, Kim Jong-nam có nhiều lời chê Kim Jong-un, nói rằng em trai ông thiếu "ý thức trách nhiệm cũng như sự nghiêm túc", đồng thời cảnh báo rằng nạn tham nhũng, hối lộ cuối cùng sẽ khiến Triều Tiên suy yếu.
Tháng 10/2012, các công tố viên Hàn Quốc cho hay một gián điệp Triều Tiên bị bắt giữ đã thú nhận có liên quan tới một âm mưu dàn cảnh đâm xe rồi bỏ trốn ở Trung Quốc hồi năm 2010 nhắm mục tiêu vào ông Kim Jong-nam.
Năm 2014, truyền thông đưa tin Kim Jong-nam xuất hiện ở Indonesia, dùng bữa tại một nhà hàng Italy. Ông còn làm chủ một nhà hàng Nhật Bản ở thủ đô Jakarta. Kim Jong-nam được cho là thường xuyên bay qua lại giữa các nước Singapore, Indonesia, Malaysia và Pháp.
Năm 2012, một tờ báo Nga đưa tin Kim Jong-nam gặp vấn đề về tài chính sau khi bị cắt viện trợ từ Triều Tiên vì hoài nghi chính sách kế tục.
Theo báo Argumenty i Fakty, Nga, ông thậm chí bị tống khỏi một khách sạn sang trọng ở Macau vì nợ tới hơn 15.000 USD.
Kim Han-sol, con trai ông Kim Jong-nam, từng học đại học ở Paris, Pháp, theo AFP. Năm 2012, khi còn đang theo học tại Bosnia, Kim Han-sol cho biết cha mình "không thực sự hứng thú với chính trị".
Vũ Hoàng