Mùa giãn cách chống dịch Covid-19 năm 2021, tôi sống trong căn trọ nhỏ giữa Sài Gòn. Cuộc sống lúc đó chẳng có gì ngoài chiếc điện thoại và mạng xã hội làm bạn. Trong những lần lướt mạng, tôi vô tình thấy một nhóm hướng dẫn đầu tư, hứa hẹn lãi suất cao đến khó tin.
Dẫu biết rõ những lời mời gọi ấy ẩn chứa nguy cơ lừa đảo, tôi vẫn bị cuốn vào.
Lần đầu gửi tiền, tôi nhận được khoản lãi 260 nghìn đồng, số tiền không lớn lắm, nhưng cũng đủ khiến tôi phấn khích. Nghĩ đơn giản: Chỉ cần nằm nhà cũng có thu nhập. Nghĩ vậy, tôi quyết định nạp hết tiền tiết kiệm vào tài khoản, bất chấp những cảnh báo từ người thân và bạn bè.
Hai tuần trôi qua, bỗng họ thông báo tài khoản của tôi bị "cháy" và cần nạp thêm để khôi phục. Thay vì rút lui, tôi lại tiếp tục đánh cược. Lần này, tôi đi vay mượn khắp nơi, gom đủ 250 triệu đồng với hy vọng lấy lại được số tiền ban đầu. Nhưng đúng lúc đó, họ thông báo sàn bị sập, và tôi chính thức mất sạch mọi thứ.
Tôi như chết lặng. Những kế hoạch mua miếng đất nhỏ ở quê hay tích lũy cho tương lai đều tan biến. Tuổi 30 đến gần, tôi không chỉ trắng tay mà còn gánh trên vai khoản nợ. Mỗi tháng, tôi phải trả 10 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, gồng mình làm hai công việc mới đủ xoay xở cuộc sống ở Sài Gòn.
Nhiều người trách tôi: "Sao lãi cao bất thường mà vẫn lao vào? Không làm mà có ăn thì chỉ là bẫy thôi". Thật ra, tôi biết rõ điều đó. Ai cũng biết những kịch bản lừa đảo này, nhưng lòng tham luôn có cách làm mờ lý trí. Con mồi ngây thơ như tôi khó thoát khỏi những tay thợ săn chuyên nghiệp.
Bây giờ, tôi không còn nghĩ đến chuyện đổ lỗi cho ai, cũng không tự trách mình quá nhiều nữa. Mỗi ngày, tôi chỉ cố gắng trả nợ, sống tiết kiệm và bắt đầu lại từ đầu. Thất bại này là cú ngã đau, nhưng nó cũng khiến tôi nhận ra giá trị của việc sống chậm, tỉnh táo trước những cám dỗ.
Minh Trung