Luật sư trả lời
Nạn tin giả, tin đồn sai sự thật, thiếu căn cứ trong bối cảnh Covid-19 bùng phát đang gây ra những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người dân. Tại Việt Nam, việc xử phạt được căn cứ Nghị định 174/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo khoản 3 điều 64, mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng được áp dụng với người có hành vi sau: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Với hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người", mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, theo khoản 3 điều 66.
Tiền phạt tăng thành 30 đến 50.000.000 đồng với người có hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc", theo khoản 4 điều 66.
Trong thời gian tới Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/4 sẽ thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Theo đó, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân", "cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang"...
Nghiêm trọng hơn nếu hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cá nhân vi phạm có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 288 Bộ luật Hình sự 2015: Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Luật sư Quách Thành Lực
Công ty Luật TNHH LSX