Hôm nay, tròn 20 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19). Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu".
Tại Việt Nam, dịch được công bố xảy ra tại ba tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Đến chiều 20/2, cả nước ghi nhận tổng cộng 16 bệnh nhân nhiễm nCoV, trong đó 15 người đã khỏi bệnh. Trong số này 14 người ra viện, bệnh nhân Việt kiều Mỹ điều trị ở TP HCM dự kiến xuất viện chiều mai.
Tròn một tuần, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca bệnh mới
Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định việc công bố hết dịch truyền nhiễm phải đáp ứng hai tiêu chí: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Phụ lục Quyết định 02/2016 của Thủ tướng nêu tên 26 tên bệnh truyền nhiễm được công bố hết dịch nếu không phát hiện thêm ca bệnh mới trong thời gian từ 7 đến 60 ngày, tùy bệnh. Tuy nhiên, theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM), văn bản đang có hiệu lực này được ban hành từ tháng 1/2016, vì thế chưa có tên dịch Covid-19 mà chỉ có "Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV)" với thời gian là 28 ngày.
"Do vậy, chưa thể xác định được sau bao nhiêu ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới thì sẽ công bố hết dịch Covid-19", luật sư Hải nêu quan điểm.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới như Covid-19, khi không có tên trong phụ lục của Quyết định 02/2016, căn cứ đặc điểm dịch tễ học hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ trưởng Y tế trình Thủ tướng xem xét bổ sung Covid-19 vào danh mục cũng như quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới để làm căn cứ công bố hết dịch.
Về thẩm quyền công bố hết dịch truyền nhiễm thuộc nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao), căn cứ khoản 2 điều 40 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng công bố dịch Covid-19 tại Quyết định 173/QĐ-TTg nên cũng là người có thẩm quyền công bố hết dịch, trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế.
Ở cấp địa phương, theo điều 5 quyết định 02/2016/QĐ-TTg quy định sau khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới và đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, Sở Y tế báo cáo để Chủ tịch UBND tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Y tế xem xét quyết định công bố hết dịch.
Vì thế, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP HCM) "không có quy định nào cho phép các địa phương vùng có dịch được tự tuyên bố hết dịch".
Trước đó, sáng 17/2 tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tỉnh Khánh Hoà đã 30 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới. Địa phương đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, đã chỉ đạo tỉnh Khánh Hoà hoàn thiện hồ sơ, trình lãnh đạo Bộ ký quyết định công bố hết dịch tại tỉnh này.
Thanh Hoá có một người nhiễm nCoV từ 24/1, đến 17/2 là 23 ngày không có bệnh nhân mới. Trong 5 ngày tiếp theo, nếu Thanh Hóa không xuất hiện thêm ca nhiễm nCoV mới thì sẽ đủ điều kiện công bố hết dịch.