Nghi thức chọn những người đàn ông nam tính được người dân Scotland và đảo Man tuân thủ nghiêm túc. Ở một số nơi tại miền bắc nước Anh, người dân cũng thực hiện truyền thống này nhưng không rộng rãi.
Những người đàn ông được chọn xông đất một ngôi nhà đều có một mẫu số chung: đẹp trai, cao lớn, tóc đen. Gia chủ tin rằng đàn ông đẹp trai là những người may mắn nhất, có thể quyết định vận may của mình suốt 12 tháng trong năm mới. Người xông đất sẽ mang theo những quà tặng truyền thống như một cục than, muối, bánh qui shortbread hoặc bánh ngọt trái cây black bun, cùng một chai rượu wee dram (một loại whisky của Scotland), một nhánh cây thường xanh, và một đồng bạc. Tất cả tượng trưng cho lời chúc gia chủ một năm mới may mắn, thịnh vượng.
Thiện cảm dành cho những người tóc đen có từ thời người Viking xâm chiếm nước Anh. Theo Historic UK, người dân thời xưa quan niệm khi một gã lạ mặt to lớn với mái tóc vàng hoặc nâu sáng đến trước cửa nhà bạn với một chiếc rìu lớn, nghĩa là bạn sắp gặp rắc rối lớn. Chắc chắn, gia chủ sẽ có một năm mới không vui vẻ. Trên đảo Man, không chỉ đàn ông mà phụ nữ tóc màu vàng cũng không được coi là người xông đất đem lại may mắn. Còn lời giải thích cho truyền thống mời đàn ông xông nhà không gây bất ngờ: do tư tưởng trọng nam khinh nữ.
June Thomas, biên tập viên cấp cao của Slate, nhớ lại hồi nhỏ cha mình thường được mọi người chào đón đến xông đất dịp năm mới. Cha Thomas cao lớn và có mái tóc đen sẫm. Ông thường ghé thăm nhà của mọi người vào đêm giao thừa, chúc họ năm mới may mắn cùng một ly rượu, và một món quà nhỏ tượng trưng cho sự may mắn. Đây là một công việc mà cha Thomas rất thích vì được bắt đầu năm mới bằng nghi thức phục vụ cộng đồng.
Ngoài tục xông đất, Scotland còn có một phong tục khác. Đó là với người dân địa phương, năm mới là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất, hơn cả Giáng sinh. Theo Travel Awaits, Giáng sinh bị cấm ở quốc gia này vào năm 1560, khi đất nước rời khỏi Giáo hội Công giáo. Ngay cả hát những bài ca mừng Giáng sinh cũng là một tội nghiêm trọng.
Mãi đến năm 1958, Giáng sinh mới quay trở lại sau gần 400 năm. Tuy nhiên, lúc đó đã quá trễ để khôi phục vị thế của Giáng sinh, và năm mới đã trở thành lễ hội trọng đại nhất. Người Scotland gọi dịp trọng đại này là Hogmanay, để chỉ đêm giao thừa 31/12. Kỳ nghỉ năm mới kéo dài đến tận 3/1, phần lớn cửa hàng đều đóng cửa.
Để đón năm mới, người dân trang trí, sửa sang nhà cửa. Họ cũng dọn dẹp lại lò sưởi và "đọc" tro cũ để đoán vận mệnh tương lai. Những người còn nợ nần trong năm cũ sẽ cố gắng thanh toán hết trước khi năm mới gõ cửa.
Anh Minh (Tổng hợp)