Theo truyền thuyết, vị thần chuyên cai quản việc bếp núc (Việt Nam là Táo Quân) sẽ lên thiên đàng bẩm báo Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra dưới dương gian vào ngày 23 tháng Chạp (có nơi là 24). Do đó, người dân sẽ làm cơm cúng thần bếp gồm các món bánh ngọt và súp đậu với niềm tin sau khi nếm thử các món ăn, thần bếp sẽ nói những lời ngọt ngào về gia chủ.
Ngày nay, phần lớn người Trung Quốc không còn dùng bếp lò, thay vào đó là bếp ga hay điện hiện đại. Tập tục này vì thế cũng mai một dần và việc làm cơm cúng thần bếp trong ngày 23/12 âm lịch hiếm thấy xuất hiện.
Kết hôn trong dịp giáp Tết
Người Trung Quốc có tục lệ sẽ chọn ngày đẹp để kết hôn. Họ tin rằng các ngày 23-30/12 là thời điểm đẹp, không cần phải kiêng kỵ điều gì. Do đó, người đi làm ăn xa thường tranh thủ về nhà vào dịp Tết và kết hôn trong những ngày này.
Giờ đây, nhiều cặp cũng tổ chức kết hôn vào dịp này nhưng không phải do tín ngưỡng ngày xưa. Lý do chính là Tết Nguyên Đán được coi như ngày nghỉ quốc gia nên họ có nhiều thời gian rảnh để làm những việc lớn trong đời.
Nhào bột vào ngày 28/12
Ngày trước, người dân Trung Quốc thường nhào bột để lên men vào ngày 28. Trong năm mới, khi cần nấu ăn, nướng bánh, họ có thể dùng chỗ bột này mà không sợ sẽ bị hết trong ngày Tết. Hiện nay, các loại bột được bày bán khắp nơi nên mọi người hầu như không còn giữ thói quen này.
Hấp bánh trong ngày 29/12
Tại Bắc Kinh và một số nơi, trong ngày 29/12, mọi người thường chuẩn bị các loại đồ hấp như bánh bao, chả... để ăn trong suốt dịp Tết. Quan điểm người xưa cho rằng hấp bánh và nấu các món ăn từ ngày mùng 1 đến 5 là không may mắn. Thông thường khi làm bánh bao, mọi người sẽ trang trí thêm một chấm đỏ ở phía trên. Ngày nay, bạn rất khó để tìm mua một cái bánh bao với dấu chấm đỏ như thế.
Đốt pháo
Ngày Tết, người dân Trung Quốc thường đốt pháo với niềm tin vào sự may mắn, tốt lành, thịnh vượng. Nhưng hiện tại, chính phủ đã cấm việc đốt pháo vì lý do an toàn.
Không quét nhà vào ngày đầu năm
Người dân tin rằng quét nhà vào ngày đầu năm mới sẽ là hành động xua đuổi thần tài. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy các phong tục này ở một số vùng nông thôn, còn trên thành phố, hầu như người dân đã không còn chú ý đến.
Làm cơm cúng thần Tài
Tại miền bắc Trung Quốc, người dân thường cúng vào mùng 2 còn ở phía nam là ngày 5, các món ăn bao gồm lợn, gà, vịt, dê và cá chép sống. Sau đó, họ sẽ vái 5 phương, tương ứng với 5 con đường theo tín ngưỡng dân gian mà thần Tài sẽ đi để cầu may.
Anh Minh (theo Chinahighlights)