THAAD trong một lần bắn thử
Các công ty Hàn Quốc đang bị o ép ở Trung Quốc trong một động thái bị nghi ngờ là nhằm trả đũa việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này, theo Reuters. Thực tế này cho thấy rõ các công cụ mà Trung Quốc có thể triển khai để đánh trả vào lợi ích doanh nghiệp của các đối tác thương mại mà Bắc Kinh bất đồng.
Sự lạnh lẽo mà các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Trung Quốc phải đối mặt, từ lĩnh vực mỹ phẩm, siêu thị cho đến du lịch, cũng cho thấy rủi ro tiềm tàng đối với các công ty Mỹ, trong bối cảnh tân tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng lập trường đối đầu hơn với Bắc Kinh.
Tại Trung Quốc, truyền thông nhà nước và các nhóm chính trị quần chúng đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc. Các bức ảnh trên mạng xã hội và các trang web tin tức cho thấy một đám đông đang đập phá một chiếc xe thương hiệu Hyundai. Trong khi đó, một số công ty du lịch Trung Quốc hủy các tour thăm viếng Hàn Quốc.
Bắc Kinh đang tức giận trước kế hoạch chung giữa Hàn Quốc và Mỹ về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Seoul và Washington giải thích mục đích của THAAD là nhằm phòng vệ trước tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Song Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar của nó có thể bao phủ rộng và nhắm đến Trung Quốc.
Cơn giận dữ lần này làm gợi nhớ lại những cuộc biểu tình chống lại các công ty Nhật ở Trung Quốc năm 2012, khi Bắc Kinh tranh cãi với Tokyo về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tranh cãi lần này bùng lên vào hôm 27/2 khi tập đoàn Lotte nhất trí thương vụ đổi đất, cho phép chính phủ Hàn Quốc sử dụng phần đất thuận tiện của Lotte để triển khai THAAD.
Hôm 2/3, công ty quản lý chuỗi cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free thuộc tập đoàn Lotte cho biết trang web của công ty bị tấn công và thủ phạm bị tình nghi là các tin tặc Trung Quốc.
"Những gì xảy ra với các công ty Hàn Quốc hiện nay có thể là kịch bản có khả năng cao sẽ xảy ra với các công ty Mỹ trong năm sau", Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Trung Quốc và Bắc Á ở công ty tư vấn rủi ro Control Risks có trụ sở ở Anh, nói.
"Thay vì một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt, đẩy mọi thứ đến viễn cảnh tồi tệ dưới thời Trump, có khả năng cao Trung Quốc sẽ chọn một trong những công cụ gây căng thẳng ở cấp độ thấp hơn, đó là đặt ra các quy định o ép các công ty Mỹ", Gilholm nói.
Tranh cãi với Trung Quốc về THAAD đã khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty Hàn Quốc giảm, bao gồm hãng mỹ phẩm Amorepacific, hãng xe Hyundai, hãng hàng không Jeju Air, Korean Air Lines và Asiana Airlines.
Sức ép chính trị
Một số công ty Trung Quốc ám chỉ rằng sức ép chính trị buộc họ phải giảm hoặc cắt đứt quan hệ kinh doanh với Hàn Quốc. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Trung Quốc đã chỉ thị 4 công ty lữ hành ở Bắc Kinh ngưng bán các tour thăm viếng Hàn Quốc.
Ba công ty lữ hành lớn của Trung Quốc bao gồm Công ty Dịch vụ Du lịch Thanh niên Trung Quốc nói với Reuters rằng họ vẫn đang bán các tour đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, một nhân viên dịch vụ khách hàng ở công ty lữ hành Tuniu cho biết công ty này đã ngưng cung cấp tour đến Hàn Quốc vì tranh cãi về THAAD.
Lotte cho biết việc tìm kiếm các sản phẩm của Lotte đang gặp trở ngại trên trang web thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc JD.com nhưng Lotte không trực tiếp quy kết các căng thẳng ngoại giao dẫn đến tình trạng này.
Giám đốc điều hành của trang bán lẻ mỹ phẩm Jumei.com ở Trung Quốc tuyên bố sẽ không bán các sản phẩm của Lotte nữa.
"Trong tuần qua, một số công ty bán lẻ đã bỏ các kênh kinh doanh hàng hóa của Lotte vì sức ép chính trị", một lãnh đạo cao cấp trong ngành bán lẻ tại Trung Quốc giấu tên cho biết.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ở các cấp địa phương và trung ương cũng đang đẩy mạnh cuộc vận động tẩy chay trên mạng, kêu gọi người tiêu dùng không mua hàng hóa Hàn Quốc bao gồm xe cộ, mỹ phẩm và đồ điện tử.
"Chúng ta hãy nói không với Lotte!", là một thông điệp được viết trên trang Weibo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Có sự điều phối tẩy chay
Các lời kêu gọi ngay lập tức kéo theo sự phản ứng dữ dội của người tiêu dùng. Số các bài viết trên mạng nhắc đến cái tên Lotte bằng tiếng Trung đã tăng vọt lên con số 300.000 vào hôm 2/3 từ mức bình thường chỉ vài nghìn.
Hôm 3/3, Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đưa ra thông báo về các lời khuyên du lịch Hàn Quốc bao gồm lời nhắc nhở các du khách Trung Quốc "hiểu đúng mức các rủi ro khi đi du lịch nước ngoài và phải cẩn trọng lựa chọn điểm đến".
Tờ Global Times, phụ san của People’s Daily - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 3/3 cảnh báo rằng đập phá các sản phẩm Hàn Quốc sẽ "không giành được sự ủng hộ của dư luận chính thống".
Tuy nhiên, chuyên gia Gilholm ở công ty Control Risks cho biết các biện pháp chống Hàn Quốc trên quy mô rộng được thực hiện một cách quyết liệt bất thường và nhà chức trách, dù không trực tiếp tham gia, cũng góp một vai trò trong đó.
"Để tình trạng này xảy ra trên toàn quốc trong một thời gian ngắn như vậy, rõ ràng phải có sự điều phối. Bạn sẽ không thấy thông báo hay lời thừa nhận nào nhưng rõ ràng có sự điều phối", ông nói.
Tháng 11 năm ngoái, tờ Global Times cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với một cuộc vận động tẩy chay như vậy. Nếu Tổng thống Donald Trump châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ nhắm đến các công ty hàng đầu của Mỹ, từ hãng máy bay Boeing cho đến hãng công nghệ Apple, để trả đũa.
"Nếu Trump phá hỏng thương mại Trung - Mỹ, một số ngành sản xuất của Mỹ sẽ suy yếu", bài xã luận trên Global Times đe dọa.
Hồng Vân