Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ngày 8/9, các vấn đề chính trị, hay ít nhất là những cuộc thảo luận công khai liên quan đến chính trị ở Anh, đã bị dừng lại trong 10 ngày quốc tang.
Khi chính trường Anh bận rộn trở lại vào ngày 20/9, Thủ tướng Liz Truss thể hiện rõ các ưu tiên của mình bằng việc dự hội nghị thượng đỉnh lớn đầu tiên và gấp rút đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Quãng thời gian tạm lắng đã khiến một số người trong chính phủ không khỏi cảm thấy sốt ruột, khi nước Anh đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài và đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa túi tiền của hàng triệu người.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, "khoảng nghỉ" đó cũng mang đến cho Thủ tướng Truss cơ hội quý giá để củng cố lại bộ máy hay điều chỉnh các chính sách quan trọng. Giờ đây, một tuần vào guồng đang chờ đợi bà ở phía trước.
Các chính sách mới sẽ được công bố trong vài ngày cuối tuần tại quốc hội. Nổi bật trong số đó có một gói hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó cuộc khủng hoảng giá năng lượng, một đề xuất về việc cắt giảm thời gian chờ đợi điều trị tại các cơ sở y tế do nhà nước điều hành hay nhiều hứa hẹn khác về cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn thấy một khởi đầu đầy tập trung, mạnh mẽ của Thủ tướng Truss mà không có bất kỳ mối phân tâm hay câu chuyện xao lãng nào bên lề", một thành viên kỳ cựu thuộc đảng Bảo thủ Anh, dự đoán. "Các chính sách đã có nhưng bây giờ, chúng sẽ được phân về các ban ngành để thực hiện".
Thủ tướng Truss được Nữ hoàng bổ nhiệm vào ngày 6/9. Vào ngày thứ hai trên cương vị, bà Truss đã đưa ra một thông báo quan trọng về các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng giá năng lượng cao, song tuyên bố của Thủ tướng Anh lập tức bị làm lu mờ bởi tin tức Nữ hoàng qua đời.
Bà phải ngay lập tức thay đổi chương trình nghị sự của mình, tập trung vào tang lễ cho Nữ hoàng, đồng thời hạn chế công bố những bước ngoặt chính sách lớn nhằm dành mọi không gian cho hoàng gia.
Đối với nhiều thành viên đảng Bảo thủ do bà cầm quyền, quãng thời gian nghỉ đã góp phần làm dịu đi những chỉ trích về các động thái đầu tiên tốn kém mà Thủ tướng Truss đưa ra.
Dù vậy, trong 10 ngày quốc tang, chính phủ của bà vẫn không ngừng làm việc. Một nguồn tin còn cho biết các bộ trưởng vẫn miệt mài nhóm họp tại Bộ Tài chính hôm 18/9.
Khẩu hiệu mà Thủ tướng Truss luôn nhấn mạnh là "tăng trưởng", với niềm tin rằng bằng cách đẩy nhanh tốc độ kinh tế, bà có thể giải quyết nhiều vấn đề lâu dài khác. Tầm nhìn để hiện thực hóa mục tiêu đó sẽ được đưa ra trong báo cáo tài chính của chính phủ, dự kiến do Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng trình bày vào ngày 23/9.
Ông được cho là sẽ công bố về việc hủy bỏ kế hoạch tăng đóng góp cho quỹ bảo hiểm quốc gia và đóng băng thuế doanh nghiệp. Bộ trưởng Kwarteng cũng sẽ nêu chi phí ước tính cho gói hỗ trợ năng lượng.
Vào ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến tăng lãi suất để chống lạm phát. Song điều này dường như đang đi ngược với kế hoạch của Bộ trưởng Kwarteng khi mà việc cắt giảm thuế doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.
Nhưng trong lúc quốc hội sẽ tập trung nhiều vào việc giải quyết các vấn đề nội địa, điểm công du đầu tiên của Thủ tướng Truss là thành phố New York, Mỹ sẽ thu hút được nhiều mối quan tâm.
Bà sẽ tham dự cuộc họp thường niên của các lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc và có cuộc gặp song phương chính thức với Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi có cuộc tiếp xúc ở London bên lề tang lễ Nữ hoàng.
Anh lâu nay vẫn ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ. Nhưng mối quan hệ này đã liên tục bị thử thách, đặc biệt là về vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và quyết định của Thủ tướng Truss khi ban hành đạo luật đơn phương thay đổi một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Bắc Ireland.
Tổng thống Biden từ lâu đã công khai thể hiện mối quan tâm của mình về tương lai Bắc Ireland, nhưng cả hai sẽ tìm thấy nhiều điểm chung hơn trong lập trường mạnh mẽ đối trọng với Nga và Trung Quốc, giới chuyên gia đánh giá. Times hồi tháng 8 dẫn lời các đồng minh của Truss cho biết bà coi Trung Quốc và Nga là "mối đe dọa nghiêm trọng".
"Với một người phụ nữ tuyên bố sẵn sàng điều hành đất nước ngay trong ngày đầu tiên, bà Truss đã tự đặt ra cho mình một chương trình nghị sự đầy gian nan", bình luận viên Elizabeth Piper từ Reuters đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)