Thông tin này được lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, nêu tại cuộc làm việc, kiểm tra khắc phục sự cố tại nhà máy này của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sáng 12/1 tại Thanh Hoá.
Sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC (cracking xúc tác tầng sôi) từ cuối tháng 12/2022 khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%. Riêng sản lượng xăng dầu cung ứng từ nhà máy này giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch trong tháng 1, tương đương gần 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3 và hiện giảm về 600.000 m3), ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó tổng giám đốc liên doanh, Giám đốc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết, sau khi tiến hành dừng, làm nguội để sửa chữa khớp nối, nhà máy kiểm tra bổ sung bên trong tháp tái sinh thì phát hiện có hỏng hóc phát sinh tại vòng cấp khí. Việc sửa chữa bổ sung được tiến hành để đảm bảo an toàn và ổn định vận hành phân xưởng.
Đến sáng 12/1, việc sửa chữa khớp nối đã hoàn thành. Sửa chữa vòng cấp khí đạt 94%. Dự kiến công việc sửa chữa sự cố kỹ thuật lần này sẽ được NSRP hoàn thành và khởi động lại phân xưởng RFCC vào ngày 14/1.
"Sau 3 - 4 ngày phân xưởng RFCC sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên 105-107% để bù đắp sự thiếu hụt do phải tạm dừng vận hành khắc phục sự cố", ông Vinh thông tin.
Ghi nhận nỗ lực của NSRP nhưng Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sự cố của nhà máy tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu. Điều này gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
"Bằng mọi cách, mọi giá Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cùng đơn vị bao tiêu của PVN bảo đảm nguồn cung ra thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Ông đề nghị NSRP nỗ lực hoàn thành xử lý sự cố kỹ thuật trong 2-3 ngày tới và muộn nhất ngày 15/1 hoạt động 100% công suất trở lại. Nhà máy cũng phải huy động nguồn dự trữ thương mại (thành phẩm, bán thành phẩm), liên kết với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các kho dự trữ... nhằm bảo đảm sản lượng hàng giao cho các doanh nghiệp đầu mối như hợp đồng cam kết. Bởi, nếu nhà máy giảm lượng hàng giao sẽ khiến lượng hàng của doanh nghiệp đầu mối giảm, nguy cơ dẫn tới thiếu hụt xăng dầu.
"Sự cố là không ai mong muốn nhưng nhà máy phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, rủi ro cho những nhà phân phối; nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng. Bởi đây là thông lệ quốc tế cần thực hiện", ông Diên nói thêm.
Theo kế hoạch, từ 25/8, NRSP sẽ bảo dưỡng tổng thể lần đầu nhà máy trong 55 ngày, nên ông Diên yêu cầu sau khi sự cố khắc phục xong, nhà máy nhanh chóng đẩy công suất lên tối đa để có hàng dự trữ, bù đắp cho khoảng thời gian bảo dưỡng.
Bộ trưởng Công Thương nói cơ quan này đã hai lần gặp khó khăn trong điều hành nguồn cung do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố hoặc tạm dừng vận hành, nên "nhà máy đặt ra kế hoạch bảo dưỡng hơn 50 ngày thì đúng thời gian này phải hoàn thành, không được kéo dài".
"Nhà máy phải thông báo chắc chắn, rõ ràng thì Bộ mới có cơ sở điều hành thị trường, tăng sản lượng phân giao. Nếu Bộ giao cho doanh nghiệp khác nhập hàng về, mà xăng dầu phía Nghi Sơn sản xuất ra không bao tiêu được cũng không ổn, Việt Nam lại vi phạm cam kết", ông nói và khẳng định Việt Nam luôn có trách nhiệm về những cam kết ưu đãi, ngược lại nhà máy cũng phải có trách nhiệm với Nhà nước và xã hội.
Đại diện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn thông tin, phân xưởng RFCC dừng để sửa chữa nhưng nhà máy này duy trì vận hành ổn định ở mức 85% công suất; cân đối sức chứa, tối ưu tồn kho. Hiện sản lượng xăng dầu sản xuất cung cấp duy trì mỗi ngày khoảng 17.000 m3 (trong đó 5.000 m3 xăng và 12.000 m3 dầu diesel). Lượng hàng tồn kho của NSRP ngày 12/1 là hơn 67.530 m3 xăng, dầu diesel gần 58.740 m3, xăng Jet A1 trên 14.860 m3... đáp ứng đủ hàng cho đơn vị bao tiêu sản phẩm, các doanh nghiệp đầu mối.
Tháng 1, lượng hàng cung ứng của NSRP khoảng 600.000 m3, giảm một phần do giảm công suất nửa đầu tháng 1. Lượng hàng cung ứng sẽ tăng trở lại vào tháng 2, với 620.000 m3; tháng 3 là 770.000 m3. NSRP sẽ tăng công suất trong nửa sau tháng 1 và các tháng tiếp theo để bù lại phần bị sụt giảm so sự cố kỹ thuật.
Với kế hoạch sửa chữa, vận hành này, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn ông So Hasegawa cam kết, nhà máy sẽ bảo đảm nguồn cung thời gian tới và tăng công suất để đủ nguồn hàng dự trữ trong thời gian bảo dưỡng, cũng như đảm bảo thời gian bảo dưỡng tổng thể 55 ngày như kế hoạch.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, sau khi NSRP gặp sự cố kỹ thuật phân xưởng cracking xúc tác, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn (lọc dầu Dung Quất) đã tăng công suất lên 110% để bù phần thiếu hụt do sự cố của Nghi Sơn. Hiện, lượng tồn kho của 2 nhà máy (tồn kho và lượng sản xuất) đáp ứng nhu cầu trong tháng 1, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương giao PVN chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu tăng công suất tối đa có thể, trong lúc Nghi Sơn bảo dưỡng thì Bình Sơn phải tăng công suất, có lượng hàng dự trữ thương mại lớn nhất, và ngược lại.
Với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, ông Diên đề nghị họ chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường dịp Tết và hết quý I.
Năm ngoái, Lọc dầu Nghi Sơn đạt công suất trung bình cả năm gần 88% tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa.
Kế hoạch năm nay nhà máy này đạt công suất gần 80% do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể, tương ứng chế biến khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô.