Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nở nụ cười rạng rỡ khi trêu chọc các phóng viên tại Đồi Capitol sáng 10/4: "Tôi đã bảo đừng nghi ngờ chúng tôi mà".
Chỉ vài phút trước đó, Hạ viện vừa thông qua nghị quyết từ Thượng viện về đề xuất soạn thảo ngân sách liên bang. Động thái mở đường cho đảng Cộng hòa thông qua dự luật then chốt đối với cương lĩnh hành động "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) của Tổng thống Donald Trump, mà theo lời ông mô tả là "to đẹp tuyệt vời" và có thể giúp đảng Cộng hòa giành chiến thắng áp đảo ở Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ năm 2026.
Nhưng thông qua nghị quyết này mới là bước dễ nhất trên hành trình nhiều thử thách của dự luật ngân sách mà ông Trump mong muốn. Văn bản dài 70 trang mà Hạ viện và Thượng viện đã phê chuẩn hầu như không có chi tiết chính sách cụ thể.
Mục tiêu chính của nghị quyết này mang tính thủ tục chứ không phải nội dung: đảng Cộng hòa cần thông qua nghị quyết của Thượng viện để kích hoạt quy trình hòa giải, một cơ chế đàm phán dự luật lưỡng viện và cho phép Thượng viện chỉ cần 51 phiếu thay vì 60 phiếu để thông qua dự luật ngân sách liên bang.
Đảng Cộng hòa đang nắm 53 ghế tại Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ có 45 ghế cộng với hai nghị sĩ độc lập thường bỏ phiếu theo đảng này. Cơ chế hòa giải lưỡng viện sẽ giúp phe Tổng thống Trump lách qua khe cửa hẹp, thông qua dự luật ngân sách mà không cần đa số áp đảo, tương đương 60 phiếu, ở Thượng viện.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trả lời họp báo sáng 10/4. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ngay cả bước khởi đầu này cũng suýt thất bại tại Hạ viện. Khi đảng Cộng hòa tại Thượng viện hoàn tất dự thảo ngân sách vào cuối tuần trước, phe bảo thủ cực hữu trong Hạ viện đã lập tức phản đối, bất chấp mọi lời kêu gọi từ Tổng thống Trump.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa chưa thống nhất sẽ cắt giảm chương trình nào, giảm loại thuế nào và mức độ ra sao để cân bằng ngân sách. Vấn đề nhạy cảm nhất là chương trình bảo hiểm y tế Medicaid, nhưng từ này chỉ xuất hiện đúng một lần trong tài liệu.
Ưu tiên của phe Cộng hòa tại Thượng viện khi soạn dự luật không phải giảm chi tiêu, mà là duy trì vô thời hạn các khoản cắt giảm thuế theo đạo luật được thông qua năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Nhóm nghị sĩ ủng hộ kỷ luật tài khóa tại Hạ viện nổi giận ngay lập tức với ý tưởng này. Họ không hài lòng khi nghị quyết ở Thượng viện không chỉ ra phương án bù đắp khoản thâm hụt ước tính 5 nghìn tỷ USD vì cắt giảm thuế, mà chỉ điều chỉnh số liệu cơ bản để tạo ấn tượng rằng việc gia hạn không làm nợ công tăng vọt và đặt con số tối thiểu là 4 tỷ USD.
Đầu tuần này, Chủ tịch Hạ viện Johnson đã phải đau đầu với hơn 10 thành viên bất đồng trong đảng, trong khi ông chỉ được phép mất tối đa ba phiếu Cộng hòa để thông qua nghị quyết mà không có phiếu Dân chủ.
Trước đây, trong các bất đồng nội bộ, kể cả cuộc bỏ phiếu chọn Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1, ông thường dựa vào Tổng thống Trump để gây áp lực lên các thành viên "cứng đầu". Nhưng lần này, ngay cả ông Trump cũng không thuyết phục nổi nhóm nghị sĩ bảo thủ, để rồi ông Johnson phải hoãn cuộc bỏ phiếu vào đêm 9/4 khi nhận ra nắm chắc phần thua.
Hạ nghị sĩ Chip Roy từ Texas, lãnh đạo nhóm nghị sĩ bảo thủ, gọi đề xuất của Thượng viện là "cợt nhả" và "làm toán bịp". Trong phiên làm việc sáng 9/4 ở Hạ viện Mỹ, ông Roy còn chỉ trích gay gắt từ đồng nghiệp ở lưỡng viện quốc hội đến Nhà Trắng.
"Đừng đánh lừa người dân Mỹ nữa. Các ông bà không thể viết đại vài thứ lên bảng rồi tuyên bố: 'Phương án này tự sinh ra tiền nuôi nó'. Không phải thế. Hãy mang tẩy và bút đến trước mặt tôi, viết rõ mọi thứ lên giấy rồi chứng minh cho tôi thấy đi", Roy bức xúc.
"Thông điệp này, tôi gửi thẳng cho Nhà Trắng, những đồng nghiệp của tôi thuộc đảng Cộng hòa ở Thượng viện và các lãnh đạo Hạ viện ở cả hai đảng. Tôi sẽ không bỏ phiếu ủng hộ vì đây là một văn kiện vô trách nhiệm", ông nhấn mạnh.

Nghị sĩ Chip Roy, bang Texas, lãnh đạo nhóm nghị sĩ bảo thủ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, trong buổi họp về dự luật ngân sách ngày 9/4. Ảnh: AP
Phe bảo thủ vốn là "thành trì" ủng hộ Tổng thống Trump ở Hạ viện, nhưng họ không tin vào cam kết giảm thâm hụt ngân sách của phe Cộng hòa ở Thượng viện, từ lâu luôn phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu quyết liệt mà họ đòi hỏi. Giờ đây, với các động thái mạnh mẽ từ Elon Musk tại Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), họ càng tin rằng thời cơ đã chín muồi để giảm núi nợ công 36.600 tỷ USD của Mỹ.
Phe của ông Roy nêu yêu sách Thượng viện phải cam kết cụ thể cắt giảm ít nhất 1.500 tỷ USD trong dự thảo cuối cùng cho dự luật ngân sách liên bang. Đến sáng 10/4, lãnh đạo Cộng hòa ở cả hai viện chấp nhận nhượng bộ.
Chủ tịch Hạ viện Johnson và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện John Thune cùng đứng trước ống kính tuyên bố: "Chúng tôi cam kết rà soát ít nhất 1.500 tỷ USD để tiết kiệm cho người dân Mỹ mà vẫn giữ các chương trình thiết yếu", ông Johnson nói.
Ông Thune tiếp lời một cách mập mờ, nhưng cũng đề cập đến con số mà phe bảo thủ mong muốn: "Chúng tôi đồng thuận với Hạ viện. Chủ tịch đã nói về 1.500 tỷ USD và nhiều thượng nghị sĩ cho rằng đó là mức tối thiểu".
Trên thực tế, phần lớn thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng cắt giảm ngân sách đến mức đó là bất khả thi nếu không động đến các chương trình y tế và phúc lợi như Medicaid, Medicare hoặc An sinh Xã hội. Ngay cả những đồng minh thân cận của Tổng thống Trump như thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng phản đối cắt giảm Medicaid.
Dù vậy, những cam kết từ ông Johnson lẫn ông Thune đã đủ thuyết phục phe bảo thủ, vốn là nhóm ít đổi ý nhất Hạ viện.
Đến cuộc bỏ phiếu, ngoại trừ hai người thuộc nhóm bảo thủ Cộng hòa, tất cả những người còn lại đều ủng hộ nghị quyết mà vài ngày trước họ còn gọi là "cợt nhả" chỉ dựa trên lời hứa miệng từ lãnh đạo đảng. Chủ tịch Hạ viện Johnson lại một lần nữa lách qua khe cửa hẹp, với tổng cộng 216 phiếu thuận và 214 phiếu chống cho nghị quyết ngân sách.
"Vì tinh thần đồng thuận, tôi sẽ tin họ", nghị sĩ Roy nói sau cuộc bỏ phiếu, song không quên cảnh báo phe bảo thủ sẽ bác dự luật nếu nó không đề ra các biện pháp cắt giảm ngân sách cụ thể, bao gồm cải tổ Medicaid.
Thanh Danh (Theo Atlantic, Washington Post, Politico)