Giám đốc Ngân hàng thế giới tại VN Klaus Rohland. Ảnh: K.G. |
- Ông đánh giá thế nào về lòng tin của các nhà tài trợ sau vụ PMU 18?
- Theo tôi, vụ tham nhũng này chính là cơ hội để chính phủ VN thể hiện với các nhà tài trợ và người dân VN quyết tâm xử lý tham nhũng. Nếu chính phủ điều tra thấu đáo và xử lý những vấn đề mang tính hệ thống trong các PMU thì tôi cho rằng lòng tin của các nhà tài trợ sẽ không có nhiều thay đổi.
Tiếp xúc với chính phủ VN sau khi vụ PMU 18 bị vỡ lở, chúng tôi thấy họ có thái độ rất nghiêm túc và đang cân nhắc để thay đổi cơ cấu PMU nhằm tăng trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho VN (CG) sắp tới, chúng tôi sẽ nghe Chính phủ VN nói kỹ hơn về công tác điều tra cũng như cách thức để kiểm soát tham nhũng trong tương lai.
Về phía WB, chúng tôi chỉ có hai dự án là đường nông thôn và bảo dưỡng mạng lưới đường bộ. Tuần sau sẽ có một nhóm công tác của WB sang để thanh tra việc thực hiện các dự án này. Nếu phát hiện sai trái, chúng tôi sẽ có một loạt hành động, thậm chí có thể xóa khoản vay đó và đưa ra "danh sách đen" các công ty có hành vi vi phạm. Các công ty này sẽ không có cơ hội tham gia vào bất cứ hợp đồng nào của các dự án do WB tài trợ trong tương lai.
Ngày 9-10/6, nhóm các nhà tài trợ cho VN sẽ tổ chức hội nghị giữa kỳ không chính thức (CG) tại Nha Trang, Khánh Hoà. Trước đó, vào ngày 5/6, Diễn đàn doanh nghiệp, một hoạt động gắn với Hội nghị CG dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sẽ được Công ty tài chính quốc tế phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội. |
- Nhóm thanh tra của WB gồm những ai và họ sẽ tiến hành những công việc cụ thể gì ở VN?
- Có mặt trong nhóm này là các kỹ sư xây dựng. Họ sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên những con đường mà WB tài trợ để xem xét chất liệu, vật liệu đã sử dụng cũng như tỷ lệ pha trộn cát, xi măng ra sao... Ngoài ra còn có các chuyên gia tài chính tới tìm hiểu tài khoản của các ban quản lý dự án để xem việc sử dụng tiền đã được phản ánh vào bản kế toán đầy đủ hay chưa. Bên cạnh đó, sẽ có cả chuyên gia đến điều tra quá trình đấu thầu và những dạng hợp đồng đã được thực hiện trong phạm vi các dự án để xác định xem quy trình đấu thầu đúng hay sai...Sau khi điều tra một loạt vấn đề trên, đoàn sẽ đưa ra kết luận. Hiện chúng tôi không muốn đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào bởi còn quá sớm. Chúng ta phải chờ khoảng 4-5 tuần nữa sau khi có kết quả điều tra, khi đó WB cũng sẽ có phản ứng cụ thể.
- Trước đây WB từng đưa ra nhiều đánh giá khá tốt về tình hình sử dụng vốn ODA ở VN. Vụ PMU 18 liệu có ảnh hưởng đến niềm tin của WB vào hệ thống đánh giá của mình?
- Những tín dụng của chúng tôi được đánh giá bởi một đơn vị thanh tra độc lập của WB. Kết quả đánh giá các dự án thực hiện ở VN nói chung là đạt, thậm chí đạt ở mức độ cao. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều hoàn hảo.
Lấy ví dụ như trong 500 km đường nông thôn VN mà chúng tôi tài trợ để xây dựng, 1 km nào đó có thể có vấn đề. Nhưng đó có thể là do kỹ thuật xây dựng và năng lực kỹ sư chưa tốt. Theo tôi, khi thảo luận vấn đề này, chúng ta phải phân biệt giữa xây dựng không tốt về mặt chất lượng do kỹ thuật và do tham nhũng. Nếu lẫn lộn sẽ rất khó phân tích.
Nhìn chung, xét tổng thể chúng tôi vẫn tin vào hệ thống đánh giá của mình. Thông thường WB giám sát các dự án thường xuyên với tần suất 2 lần mỗi năm và chúng tôi sẽ điều chỉnh phương pháp giám sát trên cơ sở những kết quả đánh giá đó.
- Trong Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho VN sắp tới, các nhà tài trợ sẽ xem xét kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của VN và sẽ đưa ra những kiến nghị. Vậy kiến nghị năm nay có sự thay đổi đáng kể nào không sau khi xảy ra một loạt vụ tham nhũng gần đây?
- Chúng tôi đã thảo luận với Chính phủ VN về nội dung của kế hoạch 5 năm 2006-2010. So với kế hoạch 5 năm trước, bản kế hoạch lần này đã được tham vấn rộng rãi với các tỉnh, người dân VN, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, với cả các doanh nghiệp ở nước ngoài, Việt kiều và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở VN. Chúng tôi mong muốn, kế hoạch 5 năm sắp tới sẽ tiếp tục chú trọng vào vấn đề giảm nghèo và làm sao đem lại sự phát triển đồng đều hơn cho người dân.
Chúng tôi cũng sẽ khuyến cáo Chính phủ VN chú trọng vào chất lượng đầu tư. Hiện nay VN đã đầu tư gần 40% GDP, trừ Trung Quốc ra thì đây là tỷ lệ đầu tư cao nhất trên thế giới. Điều quan trọng bây giờ không phải là đẩy nhanh số lượng nữa mà phải quan tâm tới chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thảo luận với Chính phủ các giải pháp cải thiện hệ thống để cơ hội tham nhũng không còn nhiều nữa. Tất nhiên chúng tôi cũng hiểu, chống tham nhũng không thể là việc một sớm một chiều, nó đòi hỏi thời gian dài với quyết tâm cao.
Phản ứng của các nhà tài trợ sau vụ PMU 18: - Là một trong những nhà tài trợ vốn vay ưu đãi (ODA) lớn cho VN, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Chính phủ VN cần cương quyết tiến hành chống tham nhũng. Tuy vụ PMU 18 không ảnh hưởng đến các cam kết tài trợ của ADB cho VN nhưng họ cho biết sẽ cẩn trọng hơn. - Tài trợ cho nhiều dự án, không phải chỉ riêng đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải, mà nhiều lĩnh vực khác như xây dựng bệnh viện, trường học, hệ thống cấp thoát nước.., Nhật Bản cũng rất bất ngờ sau khi PMU 18 bị vỡ lở. Họ cho biết có thể sẽ cử chuyên gia sang điều tra việc thực hiện các dự án do PMU 18 quản lý. Nhà tài trợ này cũng cho rằng, giữa chính phủ và các nhà tài trợ cho VN nên tăng cường đối thoại và tiếp xúc. Đồng thời, các bên phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề quản lý và sử dụng ODA. |
Hà Vy