Vợ chồng em sử dụng thuốc ngừa thai, giờ có kế hoạch sinh em bé thì ngừng sử dụng thuốc bao lâu mới có kết quả ạ. Cám ơn bác sĩ ạ.
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn về chương trình.
Không có thời gian cụ thể nào để đánh giá việc ngừng uống thuốc tránh thai bao lâu sẽ có thai trở lại. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai. Nếu trước đó hai vợ chồng bạn sinh sản hoàn toàn bình thường, sau khi ngừng thuốc tránh thai, hai bạn có thể quan hệ tự nhiên không sử dụng phương pháp bảo vệ trong khoảng sáu tháng. Sau thời gian đó nếu chưa có thai, hai bạn nên đi khám để được kiểm tra tổng quát về chức năng sinh sản. Chúc hai vợ chồng bạn sớm có em bé.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Em bị suy sớm buồng trứng năm 20 tuổi. Trước đó, chu kỳ kinh nguyệt của em hoàn toàn bình thường, nhưng sau khi em mổ u nang buồng trứng thì kinh nguyệt mất hẳn.
Em đã đi khám ở một số bệnh viện và các bác sĩ đều cho em uống một loại thuốc điều kinh nguyệt. Cứ uống đủ 21 ngày, kinh nguyệt ...
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Sử dụng nội tiết để tạo vòng kinh nhân tạo là có chỉ định nhưng cần sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng ngoài ý muốn. Trường hợp của bạn nên đi kiểm tra định kỳ với các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, đối với trường hợp suy buồng trứng có định xin noãn để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề xin trứng để tạo thành phôi, tỷ lệ thành công trong quá trình điều trị còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như kích thước tử cung, độ dày niêm mạc tử cung, tình trạng sức khỏe người mẹ. Vợ chồng bạn có thể đến bác sĩ để được thăm khám, đánh giá và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất với bản thân. Chúc hai vợ chồng bạn sớm có tin vui.
Cuối năm 2019 vợ em có bầu ngoài dạ con, phải mổ cắt một bên vòi trứng tại bệnh viện. Sau 6 tháng vợ em có đi kiểm tra, bác sĩ chụp chiếu và kết luận vợ em bị tắc vòi trứng còn lại, trước khi mổ cả hai vòi trứng đều thông. Em xin hỏi, có phải do ảnh hưởng của ca mổ dẫn ...
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Tắc vòi trứng có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lạc nội mạc tử cung, chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung, phẫu thuật vùng ổ bụng tiểu khung có thể gây ra xơ dính... Đôi khi không chỉ do một nguyên nhân tạo nên mà có sự phối hợp của nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau.
Để vòi trứng thông trở lại, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật mở thông vòi hoặc không phẫu thuật. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào vị trí tắc ở phần đầu hay phần xa của vòi, mức độ hẹp tắc khu trú hay lan rộng ra cả vòi mà có các biện pháp can thiệp khác nhau. Vợ chồng bạn sẽ cần thăm khám trực tiếp cũng như một số xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng. Nếu như vòi trứng không thông trở lại, hai bạn nên cân nhắc đến phương pháp làm IVF do tình trạng tắc hai vòi trứng.
Vợ chồng em cưới nhau được 5 tháng, cả hai đều 32 tuổi. Chồng em trước đây từng bị bệnh quai bị, đau một bên tinh hoàn, đến hiện tại vẫn đau như vậy. Tháng 5/2020, em có tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung, kết quả là biến đổi tế bào lành tính, dương tính HPV 16, u xơ cổ tử cung.
...Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị về cho chương trình.
Tình trạng đau vùng bụng dưới có thể do rất nhiều nguyên nhân nội khoa, khoại khoa, sản khoa như viêm ruột thừa, viêm vùng chậu mạn tính, nhiễm khuẩn tiết niệu, lạc nội mạc tử cung...
Để xác định chính xác tình trạng đau vùng bụng dưới của chị từ nguyên nhân nào, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp và làm xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán. Hai vợ chồng chị nếu đang mong con, có thể sắp xếp thời gian đến thăm khám tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh). Vì IVF Tâm Anh có hệ thống các chuyên khoa khác phối hợp khi cần thiết như nam học, sản phụ khoa, nội khoa... để hỗ trợ đánh giá tình trạng vợ chồng chị được tốt nhất.
Chị có thể đến thăm khám ở IVF Tâm Anh tại một số thời điểm:
- Sạch kinh 2-3 ngày (kiêng quan hệ từ đầu chu kỳ)
- Ngày haichu kỳ kinh
Còn chồng bạn nên kiêng xuất tinh 3-5 ngày trước khi đi thăm khám.
Khi đến bạn vui lòng mang theo những xét nghiệm mà hai vợ chồng đã làm trước đây để chúng tôi xem và đánh giá.
Vợ chồng em lấy nhau gần sáu năm chưa có bé (đã một lần thai ngoài tử cung ngay cổ tử cung, bốn lần IVF thất bại). Đầu năm 2021, vợ chồng em đi khám bác sĩ mới biết chồng em bị mất một đoạn ADN, phân mảnh tinh trùng trên 30%, nhưng bác sĩ bảo có thể điều trị được bằng thuốc. Em bình ...
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn về cho chương trình
Tinh trùng chỉ là một trong những yếu tố đánh giá về chức năng sinh sản. Thông tin mất đoạn ADN bạn đưa ra chưa đủ để chúng tôi có thể đánh giá tình trạng của hai vợ chồng. Bạn có thể đến thăm khám tại trung tâm hỗ trợ sinh sản, mang theo toàn bộ các xét nghiệm đã có cũng như hồ sơ của quá trình điều trị trước đó để chúng tôi có thể tư vấn cụ thể hơn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình.
Em bị u tuyến yên lâu năm, vừa mới phát hiện và điều trị bằng phẫu thuật nội soi, em được biết u tuyến yên là nguyên nhân gây vô sinh. Bác sĩ cho em hỏi sau khi điều trị xong em có khả năng sinh con không ạ? Cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
U tuyến yên là một trong những bệnh lý phổ biến ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Tùy theo mức độ khối u mà ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe, nhất sức khỏe sinh sản ở nam và nữ. Ở nữ, u tuyến yên thường gây tăng prolactin máu, rối loạn nôi tiết nữ, rối loạn kinh nguyệt dẫn đến nguy cơ khó thụ thai. Ở nam, gây giảm tiết testosterone, giảm ham muốn, rối loạn cương dương...
Điều trị u tuyến yên có thể bằng thuốc, phẫu thuật, xạ trị tùy theo kích thước và mức độ ảnh hưởng. Sau khi điều trị xong sẽ cần đánh giá khả năng phục hồi của bệnh, xem các triệu chứng ban đầu có cải thiện không để có hướng tư vấn tiếp theo tùy tình trạng của bạn. Do vậy, nếu bạn đang mong muốn sinh con trong thời gian sắp tới, trước tiên bạn nên đi tái khám theo hẹn với bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng của mình. Chúc bạn sớm bình phục!
Chồng tôi bị quai bị lúc nhỏ hai tinh hoàn không đều nhau, trước đây có làm IUI nhưng không thành công. Vậy giờ nếu chúng tôi làm IVF khả năng thụ thai có cao không? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Hiện nay, tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ thành công trung bình khi thực hiện phương pháp IVF là 63% (thống kê năm 2020), riêng những cặp vợ chồng dưới 30, tuổi tỷ lệ thành công IVF có thể lên đến 70%. Đối với IUI, tỷ lệ thành công trung bình là 30%.
Mặt khác, chi phí cũng như can thiệp trong khi điều trị IVF lớn hơn và mỗi phương pháp này có nhóm đối tượng của riêng nó. Điều quan trọng rằng, một lần IUI thất bại chưa nói lên được điều gì. Do vậy, bác sĩ sẽ cần thăm khám trực tiếp cho hai vợ chồng để xác định rõ mức độ tình trạng hiện tại của hai bạn. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
Vợ chồng em đi khám ở bệnh viện và được chuẩn đoán rằng vợ em bị lạc nội mạc tử cung, em muốn hỏi là tình trạng vợ em như vậy có thể có con tự nhiên được không?
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Lạc nội mạc tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp, khi mô nội mạc tử cung nằm ngoài tử cung. Vị trí nằm có thể ở trong cơ tử cung, buồng trứng, vòi trứng, khung chậu,... làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên như ngăn cản hoặc làm giảm tỉ lệ thụ thai. Do vậy, chúng tôi cần đánh giá vị trí, mức độ của lạc nội mạc tử cung cũng như các tình trạng khác kèm theo. Mong hai vợ chồng bạn sắp xếp thời gian tới thăm khám để được hỗ trợ tốt nhất.
Tôi có cậu em đã đi khám và làm các xét nghiệm tại một số bệnh viện chuyên khoa lớn ở Hà Nội, bác sĩ kết luận không có tinh trùng. Rất mong các bác sĩ tư vấn giúp làm thế nào để em của tôi có thể được làm bố mà không phải xin tinh trùng? Xin trân trọng cảm ơn!
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Tình trạng không có tinh trùng có thể thấy là không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch xét nghiệm. Trước tiên, bác sĩ sẽ cần thăm khám trực tiếp, sau đó tiến hành thêm một số xét nghiệm để đi tìm nguyên nhân cũng như tiên lượng khả năng sau này: tìm tinh trùng trong nước tiểu, nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm gen AZF, siêu âm tinh hoàn, nội tiết nam... Từ đó, bác sĩ đưa ra hướng tư vấn cho tình trạng của em trai bạn.
Ngày nay, nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch có thể được tiến hành một số phương pháp thu tinh trùng như chọc hút mào tinh hoặc sinh thiết tinh hoàn tìm tinh trùng... Những phương pháp này đã giúp cho rất nhiều nam giới có cơ hội làm cha sinh học, mang lại hạnh phúc cho hàng triệu gia đình mong con. Do vậy, em trai bạn đừng vội bi quan, mặc cảm, hãy đi thăm khám trực tiếp để được hỗ trợ tốt nhất tại IVF Tâm Anh.
Tôi bị lạc nội mạc cơ tử cung. Bé đầu năm nay chín tuổi. Tôi muốn sinh thêm bé thứ hai. Vậy nếu mang thai mà bị lạc nội mạc cơ tử cung có nguy cơ gì không? Việc thụ thai tự nhiên có dễ dàng không? Mong bác sĩ giải đáp.
Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị.
Lạc nội mạc tử cung là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tỷ lệ có thai. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung có thể gặp phải ở các vị trí khác nhau như buồng trứng, thành bụng, phúc mạc... và mỗi vị trí lại có sự ảnh hưởng nhất định. Phụ nữ vẫn hoàn toàn có khả năng mang thai tự nhiên khi bị lạc nội mạc tử cung. Điều trị hỗ trợ sinh sản đối cho bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung cũng cho thấy nhiều kết quả đáng mong đợi.
Anh chị có thể đến trung tâm hỗ trợ sinh sản thăm khám để đánh giá khối lạc nội mạc tử cung và được tư vấn các vấn đề liên quan đến chức năng sinh sản một cách cụ thể hơn. Chúc hai vợ chồng bạn sớm có tin vui. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.
Vợ chồng em lấy nhau đã gần bốn năm, trước khi cưới cũng đi khám mọi vấn đề tiền hôn nhân và kết quả là bình thường. Nhưng vợ chồng em thả gần bốn năm liền cũng không có kết quả gì, kế đến là đi bơm bốn lần cũng không mang lại kết quả. Sau đó vợ chồng tiến hành thụ tinh nhân tạo, ...
Em từng chọc trứng một lần tạo được bốn phôi, chọc từ ngày 17/2/2020 đến ngày 8/12/2020 em mới được chuyển phôi lần một, không đậu đến ngày 11/1/2020, em chuyển nốt hai phôi lần hai và thất bại, cả hai lần bác sỹ đều cho em bơm tiểu cầu. Trường hợp của em luôn quá sản niêm mạc và từng nội soi polyp buồng ...
Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị về cho chương trình.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn, trong đó bao gồm các nguyên nhân từ phía người vợ (dự trữ buồng trứng thấp, rối loạn nội tiết/phóng noãn, tắc vòi tử cung,...), người chồng (tinh trùng yếu, rối loạn sinh dục,...), vô sinh do cả hai vợ chồng, hoặc các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân. Xác định rõ nguyên nhân gây ra vô sinh là một bước quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn.
Theo những gì chị cung cấp, nguyên nhân có thể do bất thường niêm mạc tử cung (quá sản niêm mạc, polyp, dính buồng tử cung khiến phôi khó làm tổ) và chị sẽ cần điều trị những nguyên nhân đó bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc nội tiết, nong dính hoặc phẫu thuật cắt polyp hoặc cắt dính buồng tử cung.
Tuy nhiên, từ những gì chị cung cấp cũng chưa thể loại trừ các nguyên nhân khác đến từ phôi (bất thường di truyền của phôi). Rất mong anh chị sắp xếp tới thăm khám để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn về tình trạng và phác đồ điều trị phù hợp.
Y học hiện đại không có khái niệm "tử cung lạnh". Đây là khái niệm của đông y dùng mô tả tình trạng mất cân bằng âm dương khiến thiếu máu đến nuôi dưỡng tử cung, khiến khó thụ thai cũng như giảm nuôi dưỡng cho phôi thai khi đã làm tổ. Đây không phải khái niệm về cảm nhận nóng, lạnh trong cơ thể. Trong y học hiện đại, trường hợp giảm dòng máu đến tử cung cũng có thể gặp phải, thường trên đối tượng bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, đông cầm máu.
Em 33 tuổi, AMH 0,57, đã IVF hai lần đều không có nhân, lần một chọc tám trứng không nhân, lần hai chọc 11 trứng có ba nhân nhưng thoái hóa sau một giờ. Em đã làm các xét nghiệm di truyền bình thường. Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân tại sao và em còn hy vọng không? Em cảm ơn.
Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh nữ, tuy nhiên, dựa trên những thông tin chị cung cấp, vấn đề của chị trước tiên nằm ở chỉ số AMH. Đây là chỉ số giúp tiên lượng dự trữ buồng trứng còn lại của người phụ nữ. Bình thường, AMH có giá trị bình thường trong khoảng 2.2 - 6.8 ng/mL và giảm dần theo tuổi. AMH càng thấp thì tiên lượng càng khó khăn.
Kết quả của chị cho thấy dự trữ buồng trứng của chị so với tuổi đã giảm khá nhiều. Điều này có nghĩa cả số lượng trứng và chất lượng trứng đã giảm, giải thích cho việc chị chọc trứng nhưng không có "nhân" - như chị nói.
Thực chất đây là hiện tượng nang trứng trống như siêu âm có nang nhưng trong đó không có noãn. Với trường hợp này, chị nên tranh thủ đi làm IVF gom phôi (làm IVF nhiều chu kỳ để thu noãn) sớm để tranh thủ trữ lượng buồng trứng còn lại.
Anh chị có thể sắp xếp tới thăm khám, mang theo các kết quả thăm khám cũ để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn về tình trạng của mình. Xin cảm ơn.
Tôi bị tắc một bên vòi trứng và đã nong vòi vào năm 2018. Chồng tôi bị rối loạn cương dương và vợ chồng hầu như chỉ quan hệ một lần một năm. Chồng tôi bị béo phì, tiểu đường và gan nhiễm mỡ, tinh trùng yếu nên khó thụ tinh bình thường thành công. Ngoài ra, anh còn bị hẹp bao quy đầu nên ...
Chào chị.
Một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong sinh sản là viêm nhiễm cơ quan sinh dục nam, gây cản trở hoàn toàn hoặc một phần đường đi của tinh trùng. Rất tiếc anh đã để viêm nhiễm bao quy đầu kéo dài, đáng lẽ phải xử lý ở tuổi thanh thiếu niên. Thứ 2, béo phì là 1 trong những nguyên nhân làm yếu toàn trạng đặc biệt là cơ quan sinh sản. Tôi khuyên anh chị nên đến bệnh viện để được thăm khám, chúng tôi có những phác đồ kích thích cho tinh trùng phát triển, sau đó chọn những tinh trùng khỏe, hình thái bình thường để thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Vợ em mổ thai ngoài tử cung một lần, hiện đã bị cắt vòi trứng bên trái, chẩn đoán do bị nhiễm chlamydia. Sau mổ hai tháng, vợ em xét nghiệm chlamydia IgG dương tính, chlamydia IgM âm tính, chụp HSG vòi trứng phải thông, tử cung bình thường.
Bác sĩ cho hỏi tình trạng của vợ em vậy nếu để thai tự nhiên ...
Chào anh, cảm ơn câu hỏi của anh gửi về cho chương trình.
Tỷ lệ thai ngoài tử cung dao động ở mức 1-2% ở các trường hợp thụ thai tự nhiên tại các nước đang phát triển. Tỷ lệ thai ngoài tử cung tăng lên có liên quan đến tình trạng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là Chlamydia, viêm nhiễm tiểu khung, tiền sử nạo phá thai...
Các bác sĩ sẽ cần thăm khám trực tiếp đánh giá sức khỏe sinh sản của anh chị. Trong hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vẫn có thể gặp thai ngoài tử cung. Vì tinh trùng hay phôi được đưa vào buồng tử cung là một chuyện, còn tinh trùng di chuyển như thế nào sẽ không thể can thiệp được.
Do vậy, vẫn gặp tỷ lệ nhỏ thai ngoài tử cung khi thực hiện các kỹ thuật này. Hai vợ chồng nên đi thăm khám để được tư vấn và đánh giá cụ thể về tình trạng hiện tại của mình. Chúc anh chị sớm tìm được con yêu.
Cháu bị nhiễm virus HPV năm 2019 nhưng mấy năm nay cháu và vợ vẫn sinh hoạt đều mà không có con. Bác sĩ cho cháu hỏi virus có phải là nguyên nhân chính làm cháu bị vô sinh không ạ? Cảm ơn bác sĩ.
Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị gửi về cho chương trình.
HPV là virus rất phổ biến và nhiều chủng, lây lan qua nhiều đường trong đó có đường quan hệ tình dục. Phần lớn các trường hợp nhiễm thường tự khỏi, chỉ có một số chủng gây ra các vấn đề sinh dục như mụn sinh dục và ung thư. Tùy vào mức độ biểu hiện bệnh của năm 2019 của bạn mới tiên lượng được khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà rõ nhất thông qua xét nghiệm tinh dịch đồ.
Vợ chồng bạn kết hôn đã hơn một năm mà chưa có con nên tới cơ sở y tế chuyên khoa hiếm muộn thăm khám. Vấn đề hiếm muộn do nhiều nguyên nhân phải thăm khám mới có thể phát hiện ra. Vợ chồng bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác, đồng thời có những phác đồ điều trị thích hợp, để sớm có con.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc nếu muốn đặt lịch thăm khám vui lòng gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Hai vợ chồng đã có một bé bảy tuổi và muốn có thêm bé nhưng đã thả bốn năm rồi mà chưa được. Đi khám tại bệnh viện, cả hai vợ chồng bình thường. Chỉ có là vợ em chửa ngoại dạ con một lần nên phải cắt bỏ một bên buồng trứng. Bác sĩ tư vấn giúp e ạ.
Chào anh chị,
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn, trong đó bao gồm các nguyên nhân từ phía người vợ (dự trữ buồng trứng thấp, rối loạn nội tiết/phóng noãn, tắc vòi tử cung,...), người chồng (tinh trùng yếu, rối loạn sinh dục...), vô sinh do cả hai vợ chồng hoặc các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân.
Xác định rõ nguyên nhân gây ra vô sinh là một bước quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn. Rất mong anh chị sắp xếp tới thăm khám để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn về tình trạng của mình.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội: 1800 6858, tại TP HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng.
Tôi 41 tuổi, muốn làm thụ tinh ống nghiệm, với tuổi của tôi có những rủi ro gì hay gặp? Tỷ lệ thành công của phương pháp này là bao nhiêu %. Tôi ở Đà Nẵng có thể làm ở bệnh viện nào? Chi phí bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn.
Chào chị,
Rủi ro đầu tiên chị gặp phải là dự trữ buồng trứng thấp do tuổi đã cao. Nếu chị có ý định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), anh chị nên thăm khám càng sớm càng tốt do dự trữ buồng trứng sẽ càng ngày càng giảm theo thời gian, kéo theo khả năng thu được noãn cũng giảm xuống.
Dựa trên xét nghiệm dự trữ buồng trứng (AMH) và các xét nghiệm thăm khám khác của cả vợ và chồng, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ càng hơn cũng như tỷ lệ thành công khi làm IVF.
Hiện có rất nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín trên toàn quốc, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Vợ chồng chị có thể đến bác sĩ để thăm khám thêm.
Chồng em 26 tuổi, gần đây đi khám tinh dịch đồ kết quả là 10%. Cho em hỏi là con số này có nguy hiểm quá không? Cần làm gì để cải thiện vấn đề này và tăng khả năng mang thai? Em đi khám sức khỏe bình thường.
Chào bạn!
Kết quả phân tích tinh dịch đồ bao gồm rất nhiều thông tin như thể tích, tổng số, mật độ, khả năng di động, hình dạng, tỷ lệ bất thường... Tôi chưa nắm được 10% ở đây là của nhóm nào. Hai vợ chồng nên mang tất cả kết quả tới để chúng tôi tư vấn cụ thể. Trong thời gian đó, anh nên xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý gồm ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào nếu hút, hạn chế rượu bia, thể dục thể thao mức độ nhẹ đến trung bình, ăn hải sản 2-3 bữa một tuần. Trân trọng.
Phôi trứng nhỏ, lượng dự trữ AMH trong máu thấp giờ muốn có con thì làm sao ạ?
Chào bạn,
Chúng tôi đã gặp không ít các trường hợp dự trữ buồng trứng thấp, chất lượng trứng (noãn) kém nhưng vẫn thành công, tức là sinh con khỏe mạnh sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Bạn có thể gặp trực tiếp bác sĩ và cung cấp các thông tin cụ thể hơn về giá trị AMH, các xét nghiệm và thăm khám đã làm để bác sĩ giúp bạn tìm câu trả lời phù hợp nhất.