VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 18/4/2025

Tôi tập thể hình 20 năm nay, lúc trẻ tập rất nặng, đẩy tạ ngực cả trăm kg, bây giờ lớn tuổi tập nhẹ lại. Gần đây, thỉnh thoảng vài ba lần tôi nằm úp sang trái là bị đau thắt ngay tim, người mệt bị run tay chân, kèm toát mồ hôi. Huyết áp của tôi bình thường. Xin hỏi tim của tôi ...

Hồ Ngọc Anh, 39 tuổi, phường 11, quận Tân Bình

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Chào bạn,

Mẹ bạn mất năm 25 tuổi vì bệnh tim nhưng không rõ bệnh gì, do đó bạn cũng có khả năng bị bệnh tim vì có một số bệnh tim liên quan đến đột biến gene có yếu tố gia đình. Hơn nữa, bạn cũng có những triệu chứng đau ngực, mệt nên bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết như siêu âm tim, đo điện tim, trắc nghiệm gắng sức bằng thảm lăn, MSCT mạch vành (nếu có chỉ định),... để kiểm tra sức khỏe tim mạch toàn diện.

Tôi đi khám sức khỏe, chụp phim bác sĩ bảo bóng tim to. Tôi có triệu chứng đau tức ngực trái và làm việc trời nắng cảm thấy thở khó, tay chân bị tê. Khi làm việc lâu và chơi thể thao, tôi bị hụt hơi mệt và khó thở chân tay co rút. Tôi phải làm gì thưa bác sĩ? Bệnh của tôi có ...

Nguyễn Quốc Bảo, 34 tuổi, Quảng Ngãi

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Chào bạn.

Phim X-quang tim phổi cần phải được chụp đúng tư thế, bệnh nhân phải hít đủ sâu mới có được hình ảnh chính xác. Tuy nhiên, chỉ dựa vào X-quang tim phổi chưa thể kết luận được bạn có bệnh tim hay không. Theo thông tin cung cấp, bạn đã có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt, hụt hơi khi chơi thể thao... có thể là những dấu hiệu của bệnh tim.

Do đó, cách tốt nhất, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như siêu âm tim, đo điện tim, trắc nghiệm gắng sức bằng thảm lăn... kiểm tra sức khỏe tim mạch toàn diện cho bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe. Thân mến!

Khi thời tiết thay đổi, từ nóng sang lạnh (gió mùa về) và ngược lại, ngực trái cháu thường đau thắt âm ỉ một ngày đến hai ngày. Cháu đi khám nhiều nơi, các bác sĩ khám điện tim và kết luận bình thường, một vài lần kết luận rối loạn thần kinh tim. Bác cho cháu hỏi, các biểu hiện mô tả bên ...

Nguyễn Minh Tuấn, 32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Rối loạn thần kinh tim là tình trạng thần kinh thực vật bị rối loạn liên quan đến các hiện tượng như tim đập nhanh hoặc tim đập chậm, dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất hay loạn nhịp tim, tăng huyết áp... Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có cảm giác mệt mỏi, đau tức, đau nhói vùng tim hoặc vùng ngực... Đây là một bệnh lý lành tính, có thể gặp ở người trẻ.

Tuy vậy, chẩn đoán này cũng cần được cẩn thận loại trừ các bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác như bệnh lý mạch vành, van tim. Do đó, bạn nên đến chuyên khoa tim mạch để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn điều trị. Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Ngày 16/3, tôi đi bệnh viện khám định kỳ, phát hiện huyết áp 190 mmgH. Sau đó, bác sĩ kiểm tra điện tim và làm xét nghiệm, kết quả huyết áp cao và thiểu năng vành. Đến nay 30/3, tôi uống thuốc theo bệnh viện kê đơn thì huyết áp 130-140 mmgH. Tôi muốn hỏi, thiểu năng vành có nguy hiểm không? Thỉnh thoảng tôi ...

Nguyễn Thị Thúy, 46 tuổi, Quận 12, TP HCM

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Huyết áp 190 mmHg rất nguy hiểm. Huyết áp cao sẽ gây vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não, hôn mê, liệt nữa người và tử vong. Huyết áp cần nhỏ hơn 139/84 mmHg. Bạn nên tiếp tục điều trị thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, chế độ luyện tập để huyết áp ổn định hơn về lâu dài.

Thiểu năng vành hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim là do quá trình hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu nuôi tim. Mức độ hẹp sẽ tăng dần 1% đến 70% và tắc hoàn toàn 100%. Khi mạch vành hẹp nhiều gây triệu chứng đau ngực. Nếu tắc hoàn toàn có thể gây nhồi máu cơ tim. Điều trị mạch vành bao gồm thuốc, nong mạch vành khi hẹp lớn hơn 70% hoặc phẫu thuật mổ bắc cầu. Huyết áp cao và thiểu năng vành đều nguy hiểm chết người. Bạn cần điều trị và theo dõi lâu dài để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Trước đây, tôi từng ngất ba lần (mỗi lần cách xa nhau tầm 10 năm) lần gần nhất là 2020. Trước khi ngất, tôi có cảm giác nhịp tim nhanh, vả mồ hôi, người ngộp khó thở và ngất đi. Khi vào cấp cứu, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân bất thường về huyết áp, tim mạch, đường huyết, MRI đầu và siêu âm ...

Nguyen Quoc Cuong, 42 tuổi, 100 Hung Vuong

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn là một vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân thường gặp. Thường gây ngất ở người lớn do 3 nhóm nguyên nhân chính:

Thứ nhất do phản xạ phó giao cảm, đây là mức độ ngất nhẹ nhất. Ví dụ khi chúng ta đang đi trên đường thấy đám đông đánh nhau, thấy có người té chảy máu, chúng ta sợ quá ngất đi, thì đó là ngất do phản xạ phó giao cảm. Thường cái ngất đó chúng ta trắc nghiệm bàn nghiêng để chẩn đoán và điều trị khỏi được, thường không nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân nhất thứ hai do hạ huyết áp tư thế đứng, thường mà bệnh nhân có ngất đứng thì đến bệnh viện chúng tôi sẽ nhờ bác sĩ hoặc điều dưỡng đo huyết áp khi nằm, đo huyết áp khi đứng 1 phút, đo huyết áp khi đứng 3 phút, thì chúng ta xem có hạ huyết áp ở tư thế dứng hay không? Hiện nay, chúng ta có đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị hạ huyết áp ở tư thế đứng.

Nguyên nhân thứ ba do tính bệnh lý cấu trúc của tim. Hiện nay, một số trường hợp suy tim nặng, một số trường hợp sau nhồi máu cơ tim hay sau bệnh cơ tim thì có thể dẫn đến ngất. Với những phương tiện, kỹ thuật hiện nay của chúng ta tại TP. Hồ Chí Minh, có thể chẩn đoán những nguyên nhân này, theo đó chúng ta tiến hành làm Holter ECG, chụp mạch vành, sieu âm để xác định nguyên nhân, chúng ta cũng có thể phòng ngừa cơn ngất cho người bệnh được.

Như vậy, với trường hợp này người bệnh không nên quá lo lắng, bởi có thể điều trị được. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

bệnh tim
 
 

Tôi bị bệnh rung nhĩ nhịp chậm, suy tim độ hai. Nhịp bình thường khoảng từ 37 đến 40 nhịp một phút, khi vận động thể thao lên trên 100 nhịp một phút. Tôi khám và phát hiện bệnh năm 2018, hiện sử dụng thuốc uống. Khi cố sức, tôi thường mệt, xuống sức nhanh, bình thường chưa bị ngất bao giờ. Bác sĩ cho ...

Trần Tài, 34 tuổi, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào em,

Năm nay em 34 tuổi và cách đây ba năm em đã được chẩn đoán bị rung nhĩ và suy tim độ hai. Đây là tình trạng rung nhĩ mãn tính có suy tim, là tình trạng tim mạch tương đối nặng, vấn đề điều trị phải rất chặt chẽ. Tôi không rõ hiện tại ngoài sử dụng thuốc chống tăng huyết áp thì em có sử dụng thêm loại thuốc nào khác hay không. Tuy nhiên về nguyên tắc, khi điều trị một trường hợp rung nhĩ và có suy tim thì phải đảm bảo một số các thuốc điều trị cơ bản. Thứ nhất là phải kiểm soát nhịp, tình trạng của em thì nhịp tim trung bình có lúc chậm dưới 40 mà khi gắng sức nhịp tim lại lên khoảng trên 100 lần/phút, tức là kiểm soát nhịp của em lúc gắng sức là chưa đạt hiệu quả. Thứ hai, sử dụng những thuốc phòng tai biến do tình trạng rung nhĩ gây ra. Tính theo thang điểm CHA2DS-VASc thì em thuộc nhóm nguy cơ tai biến do tình trạng huyết khối do rung nhĩ gây ra. Như vậy em chưa được sử dụng những thuốc dự phòng huyết khối để phòng những tai biến thì đấy là vấn đề cần xem xét. Thứ ba, hiện tại điều trị suy tim chỉ sử dụng thuốc chống tăng huyết áp, tuy nhiên còn một số những nhóm thuốc khác tất nhiên tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng khám thực thể để mình có chỉ định. Theo những thông tin em cung cấp về mặt điều trị thì tôi thấy chưa đầy đủ.

Vấn đề cấy máy để điều trị rung nhĩ thì hiện tại đây là phương pháp điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao mục đích để áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ mãn tính có block nhĩ thất độ ba tức là block nhĩ thất cấp cao hoặc suy nút xoang. Để xác định em có cần phải cấy máy hay không thì mình cần phải làm một số những xét nghiệm chuyên sâu. Đơn giản nhất là phải đeo một cái holter điện tâm đồ 24h để đánh giá xem em có bị block cấp cao hay không, có bị suy nút xoang hay không. Thậm chí một số trường hợp phải thăm dò điện sinh lý của nút xoang để xem có biểu hiện của suy nút xoang hay không. Từ đó mới có chỉ định cấy máy tạo nhịp.

Tuy nhiên kể cả khi mình có cấy máy tạo nhịp thì vấn đề điều trị nội khoa của suy tim, rung nhĩ và dự phòng tai biến do huyết khối tắc mạch vẫn là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, những chế độ như ăn uống thì cần phải hạn chế muối, chế độ sinh hoạt phải hạn chế những hoạt động về thế lực mạnh. Tuy nhiên, em sẽ vẫn có thể có những hoạt động gắng sức nhưng mức độ gắng sức như thế nào thì phải phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của em. Điều này hoàn toàn có thể xác định được thông qua một số nghiệm pháp gắng sức được thực hiện ở những cơ sở có chuyên khoa tim mạch. Do đó, em cần đến các cơ sở có chuyên khoa tim mạch chuyên sâu để thăm khám và có những tư vấn cụ thế đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.

Cảm ơn em đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc em và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, em có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

rung nhĩ nhịp chậm
 
 

Tôi bị chuẩn đoán bệnh tim nhịp nhanh (điện tim không ổn định) nhưng sau khi đốt điện tim. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn nhịp nhanh. Xin bác sĩ hướng dẫn cách chữa trị? Cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thành Phim, 34 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào anh Phim,

Bệnh rối loạn nhịp tim nhanh gồm rất nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó một người có thể bị một hoặc nhiều loại bệnh loạn nhịp cùng lúc. Do đó để điều trị bệnh hiệu quả, cần phải biết được chẩn đoán chính xác loại bệnh nhịp nhanh gì, các bệnh lý khác đi kèm. Trong trường hợp của anh còn nhiều thông tin cần biết thêm để việc tư vấn được chính xác hơn (ví dụ như chẩn đoán cụ thể loại nhịp nhanh gì, đã thực hiện thủ thuật đốt loại loạn nhịp nào). Nếu cơn nhịp tim nhanh của anh không thay đổi gì so với trước khi điều trị và đốt loạn nhịp thì anh nên tái khám chuyên khoa nhịp tim để được kiểm tra và đánh giá lại tình trạng bệnh, từ đó mới đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Tôi có một bé gái, sinh năm 2011, bị tim bẩm sinh, định kỳ vẫn đi khám. Một năm rưỡi gần đây, do Covid-19 nên tôi chưa đưa bé đi tái khám. Kết quả ở lần khám trước như sau:

Tim quay trái, tương hợp nhĩ thất, thất đại động mạch, nhịp tim đều. Lá vách và lá trước van ba lá đóng thấp ...

Thái Hùng, 47 tuổi, Phạm Văn Nghị, quận Thanh Khê, Đà Nẵng

BS Nguyễn Minh Trí Viên

Chào em,

Bệnh lý Ebstein là bệnh lý tim phức tạp bao gồm những bất thường của thất phải và của van ba lá. Trước đây, có rất nhiều kỹ thuật khác nhau để mổ bệnh lý này nhưng kết quả phẫu thuật lại không được như mọi người mong muốn. Cách đây 20 năm trước thì tỷ lệ tử vong khi mổ rất cao, khi đó cách nhìn bệnh lý đó không như bây giờ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không có triệu chứng các bác sĩ rất e ngại mổ vì kết quả mổ không tốt. Trong khoảng những năm gần đây với kỹ thuật mổ của Giáo sư Carpentier và sau đó nhiều kỹ thuật cải tiến thêm cho kỹ thuật ban đầu thì kết quả đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Hiện tại, chúng tôi cũng đã bắt đầu mổ bệnh lý này gần 20 năm thì kết quả trong vòng 10 năm gần đây rất ngoạn mục, tỷ lệ tử vong còn rất hiếm. Chúng tôi đã mổ trên 200 - 300 trường hợp thì chỉ có vài cháu là khó khỏi, cho nên chỉ định mổ với bệnh lý này ngày càng trở nên triệt để hơn. Việc chỉ định mổ này nhằm tránh các biến chứng tim phải và van ba lá của cháu không được sửa chữa thì cháu rất dễ bị rối loạn nhịp hay đột tử. Kỹ thuật phẫu thuật này thì rủi ro chỉ dưới 5% và kết quả sau mổ đôi khi không hoàn hảo, nó có thể hở chút ít nhưng mà ở vị trí bên tim phải, với van ba lá còn hở từ vừa tới nhẹ thì các cháu vẫn có cuộc sống gần như giống những đứa trẻ khác.

Đối với trường hợp của con em thì tôi nghĩ đây cũng là thời điểm thích hợp để em đưa cháu đi khám, khảo sát cấu trúc của trái tim xem cháu có bị rối loạn nhịp để có quyết định phẫu thuật kịp thời. Đây là giai đoạn quan trọng vì cháu đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì vì vậy cháu cần có một trái tim khỏe mạnh để phát triển, học tập như các bạn bình thường.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

bệnh tim
 
 

Bố tôi bị sốt xuất huyết não, thông thường bệnh này phát đồ điều trị bao lâu? Đã 10 ngày nhưng tình trạng bố tôi tiến triển rất chậm. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên về trường hợp bố tôi? Cảm ơn bác sĩ.

Đỗ Phú Duyên, 34 tuổi, Khánh Hòa

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào bạn,

Xuất huyết não là tình trạng máu thoát ra khỏi thành mạch tràn vào nhu mô não, và thường để lại hậu quả nặng nề. Xuất huyết não thường có nhiều nguyên nhân ví dụ do tăng huyết áp, do nhồi máu não diện rộng, u não, dị dạng mạch máu não... Tùy vào vị trí xuất huyết não, mức độ xuất huyết não và nguyên nhân xuất huyết não mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Do vậy bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm nhé. Chúc bác mau hồi phục.

Tôi được chẩn đoán là cao huyết áp, dao động lúc cao nhất 160/100 mmHg, thông thường 135/90 mmHg. Nhịp tim nhanh 80-85 nhịp một phút. Bác sĩ kê đơn uống thuốc và kết hợp tập thể dục. Sau bốn tháng, huyết áp của tôi ổn định. Tôi không dùng thuốc hai tháng nay, huyết áp buổi sáng 115/80, buổi chiều 130/90, nhịp tim 70-80. ...

Đặng Hoàng Cương, 56 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bác,

Điều trị tăng huyết áp bao gồm phương pháp như thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Đối với một số trường hợp mới chẩn đoán tăng huyết áp, điều trị bằng cách thay đổi lối sống (chế độ ăn lành mạnh, giảm cân, tập thể dục,..) có thể đưa được huyết áp mục tiêu dưới 130/80 mmHg. Một số trường hợp phải sử dụng thuốc để đạt được.

Đối với trường hợp của bác, điều trị bằng điều chỉnh lối sống cũng giúp cải thiện huyết áp, tuy nhiên buổi chiều huyết áp của bác vẫn còn cao chưa đạt được mục tiêu. Nếu đánh giá kỹ hơn cần làm xét nghiệm holter huyết áp 24 giờ để tìm thời điểm tăng huyết áp trong ngày. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị thuốc hợp lý. Bác có thể đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ có thể giúp bác điều trị tăng huyết áp tốt hơn.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoaTâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bác có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Em bị tim đập nhanh khi lo lắng hay hoạt động mạnh. Vậy tình trạng của em có nguy hiểm không? Xin bác sĩ tư vấn giúp em!

Lê Nga, 32 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đối với người khỏe mạnh, khi nghỉ ngơi sẽ có nhịp tim 60-100 nhịp/phút. Khi hoạt động gắng sức, cơ thể cần nhiều năng lượng và oxy để đốt cháy calo nhiều hơn, cơ thể đáp ứng bằng cách hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết các chất catecolamin làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác, bạn có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch. Các bác sĩ sẽ khám cụ thể và chỉ định các thăm dò tim mạch.

Trước đây, gia đình em có người thân mất do nhồi máu cơ tim và bệnh lý giãn nở cơ tim. Mới đây, em có người anh trai khám và xét nghiệm thì kết quả bệnh lý di truyền do đột biến gen khi đến tuổi trung niên. Em phải làm thế nào để ngăn chặn sự đột biến đó? Gia đình em rất lo ...

Ngô Thị Khánh Trang, 43 tuổi, Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Theo tôi đánh giá, đây là một vấn đề rất khó vì bệnh cơ tim rất nguy hiểm, ngày nay người ta đã tìm ra 100 gen gây ra bệnh này và điều trị can thiệp vào gen chúng ta chưa giải quyết được.

Nếu gia đình bạn đã từng có tiền sử bệnh thì những thành viên còn lại chưa mắc bệnh nên tiến hành thử gen để theo dõi sát hơn, đồng thời đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có những biện pháp điều trị nội khoa kể cả đặt máy phá rung và cuối cùng là ghép tim. Có như vậy, chúng ta mới được chăm sóc kỹ và duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

nhồi máu cơ tim
 
 

Tôi đôi lúc cảm thấy tim đập nhanh, hơi tức ngực, khó thở. Xin hỏi triệu chứng tôi bị có sao không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

Trình Đức Anh, 31 tuổi, Sầm Sơn, Thanh Hóa

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Nhịp tim bình thường của một người trưởng thành khi nghỉ, dao động từ 60 đến 100 nhịp một phút. Thông thường, để chẩn đoán tim đập nhanh khi nhịp tim cơ bản của bạn lúc nghỉ hơn 100 lần một phút, trong cơn nhịp nhanh có thể kèm theo các triệu chứng tức ngực và khó thở. Nguyên nhân gây nên nhịp tim nhanh như thiếu máu, sử dụng các chất kích thích như bia rượu, cà phê, sốt, cường giáp, một số trường hợp có thể gặp do tác dụng phụ của thuốc...

Tim đập nhanh có thể vô hại, nhưng có trường hợp tim đập nhanh có thể tiềm ẩn bệnh lý nguy hiểm. Để chẩn đoán đúng và chính xác tim đập nhanh, cần phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn xét nghiệm.

Mẹ tôi 69 tuổi, mới thay mổ van hai lá và sửa van ba lá. Cuộc sống sau mổ của mẹ tôi cần thay đổi như thế nào về chế độ ăn, hoạt động thể dục và cường độ công việc? Tuổi thọ sau mổ thay van thường sống thêm bao nhiêu năm? Em xin chân thành cảm ơn và chúc bác sĩ nhiều sức ...

Đỗ Quân, 32 tuổi, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Mẹ bạn mới mổ thay van hai lá và sửa van ba lá nhưng tôi không biết mẹ bạn thay van hai lá cơ học hay là sinh học. Bởi vì hai loại van đấy có chế độ theo dõi tương đối khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, khi một bệnh nhân tim mạch bị bệnh van tim mà thay van thì chúng ta phải tiếp tục tuân thủ một cách nghiêm ngặt các chế độ về dùng thuốc, sinh hoạt như:

- Thứ nhất, chế độ ăn nên ăn nhạt.
- Thứ hai, nếu bác có sử dụng thuốc chống đông thì phải hạn chế thậm chí là kiêng một số đồ ăn, thức uống có nhiều vitamin K ví dụ như rau cải xoăn, các loại rau xanh hoặc các loại mù tạt... Những điều này cũng sẽ được dặn dò kỹ sau khi mổ thay van. Bên cạnh những thuốc điều trị kháng đông thì bác có thể được sử dụng một số thuốc để điều trị suy tim hay là điều trị triệu chứng tùy theo tình trạng của bác. Ngoài chế độ ăn thì việc giữ gìn cơ thể, chống nhiễm khuẩn cũng rất là quan trọng, bởi vì khi bác có van tim nhân tạo trong cơ thể, bác sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Chính vì thế, không được tự ý đi xăm, xâu bông tai hoặc có dự phòng kháng sinh sớm. Đây là điều rất quan trọng bởi vì có nhiều trường hợp làm như vậy và bị nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Do đó cần phải tuân thủ theo một quy trình tái khám và theo dõi nghiêm ngặt. Ví dụ trong những trường hợp thay van ổn định, thông thường sẽ phải tái khám sau 15 ngày phẫu thuật, sau đó một tháng, hai tháng, ba tháng và sau đó khoảng sáu tháng hoặc một năm tùy theo tình trạng loại van của bạn, tình trạng lâm sàng cũng như xét nghiệm của mẹ bạn trước khi ra viện.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

mổ thay van
 
 

Thỉnh thoảng, tôi bị hồi hộp mạnh, lái xe bị vật cản bất ngờ phải đạp phanh gấp, sống lưng phần dưới bị giật mạnh như bị kéo rút. Xin hỏi bác sĩ, các triệu chứng của tôi là hiện tượng gì? Xin cám ơn bác sĩ.

tuanceco4, 46 tuổi, Vinh, Nghệ An

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Triệu chứng bạn mô tả không đủ thông tin để xác định được rõ tình trạng bệnh của bạn. Tuy nhiên, đây có thể là một trường hợp rối loạn nhịp nhanh gây cảm giác hồi hộp. Hiện nay, để chẩn đoán xác định rối loạn nhịp, bạn phải được làm các xét nghiệm chuyên biệt như điện tâm đồ. Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tư vấn, giúp bạn chẩn đoán xác định và có hướng điều trị cụ thể hơn.

Từ thời trẻ, tôi có huyết áp thấp, nhịp tim mạch chậm nhưng hai năm gần đây, thỉnh thoảng huyết áp cao, loạn nhịp tim. Ngoài ra, tôi cũng bị máu nhiễm mỡ trong nhiều năm qua. Xin hỏi bác sĩ, tôi phải làm thế nào để ổn định nhịp tim, không bị tăng huyết áp? Cảm ơn bác sĩ!

Trịnh Tiến Long, 51 tuổi, Bắc Kạn

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào anh,

Theo mô tả có thể anh có cấn vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, rối loạn mỡ máu. Do đó, để phòng ngừa hay làm chậm tiến triển của các bệnh lý tim mạch, anh có thể áp dụng chế độ ăn có lợi cho tim mạch như:

- Giảm năng lượng ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300 kcal so với khẩu phần trước đó cho tới khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI.

- Hạn chế tiêu thụ các chất béo bão hòa, thay vào đó nên ăn các chất béo không bão hòa.

- Tăng lượng đạm bằng cách ăn thịt ít béo và các sản phẩm chế biến từ đậu nành.

- Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ, chiếm khoảng 55-60% năng lượng khẩu phần.

- Ăn nhiều rau quả để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

- Ăn nhạt khi có bệnh kèm theo như tăng huyết áp, suy tim...

- Cung cấp đủ 2-2,5 lít nước một ngày.

Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng.

Chiều tối đến là tôi cảm thấy tức ngực, khó chịu. Đây là triệu chứng của bệnh tim mạch hay không? Mong bác sĩ giải đáp!

Võ Quốc Thông, 40 tuổi, phường Hiệp Thành, quận 12

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào bạn,

Triệu chứng tức ngực, khó chịu có nhiều nguyên nhân: đau ngực do tim, do bệnh phổi đau thần kinh liên sườn, cũng có thể đau do thần kinh tim. Bác sĩ không biết bạn bao nhiêu tuổi và có yếu tố nguy cơ tim mạch, ví dụ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu không. Nên tốt nhất bạn nên đến chuyên khoa tim mạch được siêu âm tim, đo ECG, chụp XQ phổi, xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân đau ngực.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858, tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Cách trị bệnh rối loạn nhịp tim là gì? Có nhất thiết phải phẫu thuật hay không? Cảm ơn bác sĩ.

Trang, 33 tuổi, Quận 8

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào bạn,

Trong tim của mỗi người thường có một nút phát nhịp cho tim được gọi là nút xoang, và nhịp tim bình thường được gọi là nhịp xoang. Rối loạn nhịp tim khi nhịp tim không còn phải là nhịp xoang hoặc khi chính chức năng nút xoang bị thay đổi trở thành bệnh lý. Bệnh rối loạn nhịp tim là tên gọi chung cho rất nhiều loại bệnh về nhịp tim bao gồm rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim chậm hoặc bệnh lý về được dẫn truyền xung động hoặc nhịp trong tim. Tùy theo bệnh lý cụ thể nào của rối loạn nhịp và mức độ nặng của bệnh mà sẽ có nhiều phương pháp điều trị cụ thể tương ứng. Việc điều trị có thể đơn giản là tư vấn chỉnh lại cách sinh hoạt, vận động, ăn uống thường được gọi chung là thay đổi lối sống.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp cần phải điều trị chuyên biệt hơn bằng cách dùng thuốc phù hợp. Một số trường hợp khác khi dùng thuốc không đem lại hiệu quả nhiều hoặc bệnh tái phát thì cần can thiệp điều trị qua nội soi hoặc phẫu thuật. Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu nhược điểm riêng, nên tùy vào tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn chọn phương pháp nào tối ưu nhất. Bạn cần khám chuyên khoa loạn nhịp tim để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị nào phù hợp để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tôi bị tê bàn tay, có phải triệu chứng tim mạch không? Các triệu chứng nhận biết bệnh tim ngoài, cơn đau xuất hiện ở ngực là gì? Xin bác sĩ tư vấn.

deonguyenvan856, 53 tuổi, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bác,

Tê bì hai tay là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, hội chứng Raynaud, hẹp động mạch ngoại biên, hội chứng ống cổ tay, thoái khớp sống cổ... Bác nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân chính xác, từ đó có điều trị phù hợp. Bệnh tim mạch ngoài cơn đau ngực còn có các triệu chứng như:

- Khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm, khó thở khi nằm đầu thấp

- Hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, tim đập không đều

- Ho khan, ho khi nằm đầu thấp, ho ra máu

- Ngất hoặc gần ngất

- Phù chân

- Ngoài ra còn có một số triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, yếu sức, chán ăn, sụt cân, đầy hơi, chóng mặt... Trân trọng.

Thỉnh thoảng, tôi đau nhẹ ở phần ngực bên trái, những khi công việc mệt quá tôi đau nhẹ và hơi khó thở. Tôi đi khám ở bệnh viện, không phát hiện ra bệnh gì vì thỉnh thoảng mới đau. Có lần tôi rất đau vào bệnh viện tim để kiểm tra nhưng cũng không phát hiện ra nguyên nhân. Nhờ các bác sĩ tư ...

Nguyễn Minh Huyên, 46 tuổi, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Đau ngực gây ra do rất nhiều nguyên nhân tùy thuộc vào vị trí. Một số trường hợp đau ngực do căn nguyên thành ngực như da, cơ ngực hoặc đau xương khớp, có thể cơn đau ngực căn nguyên tại tim, phổi hoặc bệnh lý dạ dày - thực quản...

Tùy thuộc vị trí đau mà tính chất cơn đau khác nhau (đau chói, tức nặng, cảm giác bỏng rát, thắt nghẹn,...). Cơn đau ngực do tim thường có tính chất đau thắt nghẹn sau xương ức, đau lan lên cổ cằm và cánh tay hai bên. Trong cơn đau bệnh nhân thường kèm theo khó thở và vã mồ hôi, đỡ đau khi nghỉ ngơi hoặc dùng các thuốc giãn mạch vành.

Đối với trường hợp của bạn, do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin nên chúng tôi chưa thể khẳng định nguyên nhân cơn đau ngực. Tuy nhiên, nếu bạn gặp cơn đau ngực tương tự mô tả như cơn đau thắt ngực như trên hãy đến bệnh viện để bác sĩ có thể thăm khám trực tiếp và chẩn đoán cụ thể cho bạn.