Bài toán "năng lực y tế trong doanh nghiệp" là chủ đề được hiệp hội và các công ty quan tâm, nhất là sau đợt dịch thứ tư. Khi các tỉnh, thành dần mở cửa và bước sang trạng thái "bình thường mới", tự thân doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc cải thiện, thiết lập và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng các mô hình y tế mới, qua đó đáp ứng mục tiêu thích ứng an toàn, hiệu quả cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt xác định được nhu cầu nhưng vẫn lúng túng trong khâu thực thi. Họ cũng băn khoăn về bài toán đầu tư để có thể hình thành, vận hành hiệu quả một khía cạnh năng lực mới cho công ty mình.
Thực tế, người lao động là tài sản quan trọng của mọi doanh nghiệp và sức khỏe công nhân viên đóng vai trò thiết yếu trong tiến độ, năng suất làm việc. Đợt bùng dịch vừa qua cho thấy việc tạo lập một môi trường làm việc an toàn là bí quyết giữ chân lao động hiệu quả, nhất là những đơn vị duy trì "ba tại chỗ".
Trong đó, mô hình "trạm y tế lưu động" được ứng dụng ở một số tỉnh phía Nam, đạt một số thành công nhất định, là giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp với hệ thống y tế địa phương, hỗ trợ trực tiếp người nhiễm, nghi nhiễm và góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19 tuyến trên.
Trong nhiều cuộc họp cấp cao, các lãnh đạo Bộ, ngành cho rằng doanh nghiệp hay cụm doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống y tế đạt tiêu chuẩn, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và đảm bảo đời sống, sức khỏe nhân công.
Theo ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA), khi doanh nghiệp tái hoạt động, người lao động vẫn nhiễm nCoV dù đã tiêm 2 mũi... thì nguyên nhân chính nằm ở vấn đề y tế tại chỗ và y tế khu công nghiệp.
"Chúng ta còn phải sống chung với Covid-19, kiến nghị Chính phủ và các địa phương hướng dẫn xây dựng y tế doanh nghiệp và khu công nghiệp để có cách xử lý, giúp các đơn vị hoạt động lại bình thường", ông Ngọc Khánh nói.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng có phòng y tế ở doanh nghiệp chưa chắc đã tốt vì đòi hỏi người phụ trách không chỉ vững chuyên môn, mà còn yêu cầu có môi trường "va đập" mới thạo nghề. Bên cạnh đó mô hình này sẽ đội chi phí cao. Doanh nghiệp cần tính toán kỹ sao cho phù hợp và cần có ý kiến của chuyên môn y tế.
Với mong muốn giúp cộng đồng doanh nghiệp xác định được hướng đi tối ưu trong đại dịch, trụ vững, thích ứng an toàn và bứt phá trong bối cảnh nhiều thay đổi và thách thức, VnExpress tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", phát 14h ngày 31/10 trên VnExpress.
Các khách mời sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiến và gợi ý các giải pháp tăng năng lực y tế, thích ứng với bối cảnh mới, bảo vệ người lao động và duy trì chuỗi cung ứng. Các chuyên gia cũng bàn về vấn đề: hiệu quá trình bình thường mới, doanh nghiệp có thể rút ra bài học gì hay vận dụng mô hình trạm y tế lưu động thế nào? Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chuỗi, chéo khi tái sản xuất?
Nội dung cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là: cần chuẩn bị gì để cải thiện công tác y tế tại đơn vị, cụ thể hơn là năng lực phần cứng (về cơ sở vật chất, thuốc men...) và năng lực phần mềm (về tuyển dụng, kỹ năng và nghiệp vụ của nhân viên y tế...). Làm sao để hình thành hoặc có được quy trình y tế, vận hành an toàn cho loại hình nhà hàng, dịch vụ ăn uống, bán lẻ...
Tham gia toạ đàm có PGS. TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì và đi đầu trong công tác thành lập, triển khai mô hình Trạm y tế lưu động tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia).
Phía hiệp hội, doanh nghiệp có sự góp mặt của ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM; ông Lê Đình Hội - Tổng Giám Đốc Công ty QSR Việt Nam... Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) - dẫn dắt chương trình.
Chương trình tư vấn chuyên gia số đầu tiên với chủ đề "Thiết lập và nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia dưới bài viết.
Hiếu Châu