VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Chủ nhật, 9/2/2025

Tôi 46 tuổi máu khó đông và dị ứng hải sản, bò, gà ăn vào bị ngứa mẩn đỏ, ngoại tâm thất. Chồng tôi 53 tuổi đã có thời gian trị lao, dị ứng giống tôi và bị viêm thần kinh liên sườn. Trường hợp vợ chồng tôi có nên chích vaccine Covid-19 hay không? Cảm ơn bác sĩ!

Lâm An Kỳ, 46 tuổi, Gò Vấp, TP HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Trang

Chào chị

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì những người có tiền sử hay bệnh về rối loạn đông/cầm máu thì việc tiêm vaccine Covid-19 cần phải thận trọng. Chị cần được khám sàng lọc kỹ tại bệnh viện, nếu bệnh ổn định sẽ được tiêm vaccine. Ngoài ra đối với trường hợp dị ứng của chị, nếu dị ứng mức độ nhẹ thì vẫn được tiêm vaccine Covid-19 và cũng thuộc nhóm cẩn trọng khi tiêm vaccine Covid-19. Do đó chị nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức ban đầu để được bác sỹ khám sàng lọc, đánh giá tình trạng sức khỏe, tư vấn và chỉ định tiêm chủng.

Trường hợp của chồng chị có tiền sử điều trị lao và viêm thần kinh liền sườn nếu hai bệnh đó đã điều trị khỏi/ổn định thì vẫn tiêm được vaccine Covid-19. Tuy nhiên chồng chị cũng có tiền sử dị ứng, nếu bị dị ứng mức độ nhẹ vẫn có thể được tiêm chủng vaccine Covid-19 nhé. Vợ chồng chị cần cung cấp các hồ sơ bệnh có liên quan cũng như tiền sử dị ứng cho bác sĩ khám trước tiêm chủng để bác sỹ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của anh/chị và chỉ định tiêm chủng. Sau tiêm anh/chị cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc theo dõi các phản ứng sau tiêm đặc biệt là các đầu hiệu nghiêm trọng của phản vệ và huyết khối (tuy rất hiếm) để xử trí sớm.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh/chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

10 năm trước khi tôi uống thuốc tự mua ở tiệm thuốc, đến liều thứ 3 thấy người mệt hơn, lả đi. Có một người khách cho tôi một miếng sâm lát ngậm cảm thấy đỡ mệt hơn. Khi xuống tàu, tôi có vào nhập viện khám, được bác sĩ cho biết là có thể phản ứng với thành phần diclofenec trong thuốc. Về ...

Trần Thị Tình, 41 tuổi, Thủ Đức, TP HCM

BS.Lê Thị Trúc Phương

Chào bạn
Theo như bạn mô tả, khả năng bạn có vấn đề về dạ dày nên bạn có thể đi khám chuyên khoa tiêu hóa đễ xác định chắc chắn về bệnh của mình, với các triệu chứng trên cũng có thể bạn có dị ứng nhẹ đối với thuốc diclofenac. Tuy nhiên, trường hợp của bạn chưa phải là phản vệ nặng độ 2 trở lên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bạn thuộc nhóm đối tượng thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19 cần được tiêm tại bệnh viện và bạn cần cung cấp đầy đủ các triệu chứng gặp phải trước đó cho bác sỹ khám sàng lọc để bác sĩ cân nhắc khi cho chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Mình bị dị ứng với phụ gia tẩm con mực tươi phải vào bệnh viện chích 3 mũi mới hết sốc phản vệ độ 2, sẩn ngứa da. Vậy mình có được chích vaccine Covid-19 được không?

Le Cam, 45 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn
Hiện tại bạn bị dị ứng với phụ gia tẩm mực tươi và phải nhập viện cấp cứu sốc phản vệ có nghĩa bạn bị dị ứng mức độ nặng (từ độ II), theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc tiêm vaccine covid-19 thì bạn thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp phòng dịch khác như thông điệp 5K của Chính phủ và Bộ Y tế.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi 59 tuổi bị ung thư vú điều trị xong đã 4 năm đang uống thuốc nội tiết.Tôi bị dị ứng nặng với đồ uống có cồn. Thể trạng như vậy tiêm vaccine ngừa Covid có được không ?Nếu tiêm được tôi cần khám sàng lọc như thế nào? Có dịch vụ test các loại dị ứng không?

Nguyễn Thị Vinh, 59 tuổi, Hà Tĩnh

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Hiện tại bị ung thư vú và đã điều trị 4 năm nếu tình trạng bệnh ổn định thì vẫn được tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên nếu bác bị dị ứng với đồ uống có cồn mức độ nặng (tức từ độ II như biểu hiện da niêm kèm hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, tri giác...) thì không được tiêm vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện tại trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì không có khuyến cáo về việc làm test dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19. Vì sau khi tiêm vaccine, phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ người nào kể cả người không có cơ địa dị ứng trước đó, việc quan trọng là những người sau tiêm vaccine cần phải biết theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu phản vệ để được đến cơ sở y tế gần nhất điều trị và theo dõi.

Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!

Tôi có nhu cầu tiêm vaccine Covid19 thì liên hệ đơn vị nào để tiêm theo hình thức dịch vụ. Con trai tôi sinh 2005 có tiêm được không. Xin cảm ơn!

Nguyễn Ngọc Kiều, 43 tuổi, Bình Dương

BS. Lâm Sơn Hải

Chào bạn
Hiện nay, vaccine phòng bệnh Covid-19 đang được triển khai tiêm miễn phí cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Nhà nước và Bộ Y tế (Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26 tháng 2 năm 2021). Trường hợp bạn muốn tiêm ngừa dịch vụ xin vui lòng đợi thêm các hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Bạn có thể liên hệ, đăng kí thông tin qua hotline VNVC (028 7300 6595) để ngay khi có thông tin mới bạn sẽ cập nhật kịp thời.

Vaccine phòng bệnh Covid-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Con trai bạn sinh năm 2005, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ 18 tuổi để được tiêm ngừa vaccine này.
Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi. Trân trọng!

Tôi hay bị dị ứng khi ăn hải sản, có nên tiêm vaccine Covid-19 không?

Trần Diệu Quỳnh, 55 tuổi, Hà Nội

BS. Nguyễn Thị Ý Nhi

Chào anh, chị

Đối với tình trạng dị ứng của anh/chị có được tiêm vaccine Covid-19 hay không còn phụ thuộc vào mức độ dị ứng. Nếu anh/chị chỉ bị dị ứng mức độ nhẹ như ngứa, nổi ban ngoài da... thì anh/chị vẫn có thể tiêm chủng vaccine Covid-19. Nếu dị ứng ở mức độ nặng như phản ứng phản vệ từ độ II trở lên như có triệu chứng khó thở, tụt huyết áp, đau quặn bụng, nôn/buồn nôn...phải điều trị, nhập viện cấp cứu thì sẽ chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19. Vì vậy, anh/chị cần thông báo tình trạng dị ứng của mình cho bác sỹ khám sàng lọc để bác sĩ đánh giá sức khỏe và chỉ định vaccine phù hợp.


Mình bị tuyến giáp, hiện tại bình giáp, đang uống thuốc ổn định 4 năm có nên chích ngừa vaccine Covid-19 không ạ?

Nguyễn Thị Lan Anh, 45 tuổi, Hàm nghi

BS. Lê Thị Ánh Nguyệt

Chào bạn!

Hiện tại tình trạng tuyến giáp của bạn được bác sĩ chẩn đoán là bình giáp, đang uống thuốc ổn định 4 năm.Theo hướng dẫn của Bộ Y tế bạn vẫn có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19. Khi khám sàng lọc bạn phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến lý theo dõi điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn và các chỉ số huyết áp, nhịp tim, mạch, nhịp thở... ổn định sẽ được chỉ định tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn sức khỏe!

Tôi bị tiểu đường tuýp 2 có tiêm vaccine Covid-19 được không ?

minhtuanhlv, 51 tuổi, Quận 4, TP HCM

BS. Lương Thị Hồng Lê

Chào bạn

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 thì anh/chị có thể tiêm vaccine Covid-19 nếu bệnh tiểu đường tuýp 2 đã được điều trị ổn định. Bác sĩ khám sàng lọc sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe qua các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở nếu trong giới hạn bình thường sẽ chỉ định tiêm. Sau tiêm bạn cần theo dõi ít nhất 30 phút tại chỗ và từ 7- 28 ngày tại nhà.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Trân trọng!

Người bị viêm gan B mạn tính, chỉ số tiểu cầu khoảng 145, có tiêm vaccine Covid-19 được không ạ?

Nguyễn Hồng Phẩm, 45 tuổi, Long Xuyên

BS. Lô Thị Quê

Chào anh, chị

Người bị viêm gan B mạn tính nếu đã điều trị ổn định và tiểu cầu 145 thì có thể tiêm ngừa vaccine Covid -19. Anh/chị cần cung cấp đầy đủ thông tin tiền sử điều trị bệnh cho bác sĩ khám sàng lọc biết để chỉ định vaccine an toàn. Sau khi tiêm chủng anh/chị cần ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 - 28 ngày để theo dõi các dấu hiệu bất thường sau tiêm đặc biệt là các dấu hiệu phản vệ hoặc huyết khối (tuy rất hiếm).

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!

Tôi bị viên gan C đã chữa khỏi, bản thân bị dị ứng với kháng sinh thì tiêm ngừa vaccine Covid-19 có an toàn không ạ?

Lê Tấn Thuận, 36 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu

BS. Đỗ Anh Tuấn

Chào bạn

Bạn có tiền sử điều trị viêm gan siêu vi C đã khỏi thì vẫn có thể tiêm được vaccine Covid-19. Ngoài ra bạn có tiền sử dị ứng với kháng sinh thì bạn cần biết mình bị dị ứng mức độ nào. Nếu dị ứng phản vệ độ 2 trở lên sẽ thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định của vaccine Covid-19. Còn phản ứng dị ứng nhẹ bạn có thể tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng có đủ khả năng cấp cứu ban đầu. Sau tiêm bạn cần theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút, sau đó theo dõi tại nhà từ 7-28 ngày nếu có các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!

Hôm 29/6, em có tiêm mũi một vaccine Covid 19 AstraZeneca, lúc khám sàng lọc em có khai đang cho con bú, bé hiện 11 tháng hơn, bác sĩ vẫn cho em tiêm. Nhưng 30 phút sau tiêm, em có hỏi lại chỗ tư vấn là bao nhiêu ngày thì cho bé bú lại được, bạn đó nói sau 6 tháng. Bé có thói quen ...

Bui Thi Ngoc, 28 tuổi, Gò Vấp, TP HCM

BS. Hà Mạnh Cường

Chào bạn

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì bạn thuộc đối tượng tạm hoãn tiêm chủng trong thời gian này. Nếu đã tiêm rồi thì bạn không cần ngưng cho bé bú vì theo ghi nhận của nhà sản xuất chưa thấy có yếu tố bất lợi cho trẻ khi mẹ được tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị tràn dịch màng phổi (do lao phổi mới) từ tháng 12/2018, hiện đã chữa khỏi. Xin bác sĩ cho biết, tôi có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 không, nên tiêm loại nào là phù hợp nhất?

Nguyễn Mạnh Tùng, 43 tuổi, Hà Nội

ThS Nguyễn Diệu Thúy

Bệnh lao phổi của anh/chị đã khỏe, anh/chị hoàn toàn có thể tiêm chủng vaccine Covid-19. Anh/chị có thể tiêm bất cứ loại vaccine Covid-19 nào có ở địa phương. Sau khi tiêm chủng anh/chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của aác sĩ và tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Chính phủ.

Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!

Trước tôi bị viêm mũi dị ứng (hắt hơi liên tục và ra nước mũi), đã điều trị và hiện vẫn phải dùng thuốc dạng xịt. Vậy xin hỏi tôi có tiêm được vaccine phòng Covid-19 được không? Xin cảm ơn ạ!

Nguyễn Thành Thái, 45 tuổi, Quận 1, TP. HCM

BS. Nguyễn Thùy Hải Vân

Chào bạn

Theo như mô tả bạn kể thì hiện tại bạn đang điều trị viêm mũi dị ứng nhưng tình trạng đã ổn định (vẫn duy trì thuốc xịt), vì vậy bạn có thể tiêm vaccine Covid-19, bạn nên gặp bác sĩ khám sàng lọc cung cấp đầy đủ thông tin để các bác sĩ khám sàng lọc chỉ định vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Từ nhỏ em thường bị dị ứng ngứa nổi mày đay, khoảng 2 năm trước có lần em không biết dị ứng gì đã nổi các quầng loang đỏ cả người phải vào bệnh viện, vài tiếng sau khi uống thuốc thì hết. Hiện em bị viêm mũi dị ứng. Em có nên tiêm vaccine Covid-19 không? Có cần vào điểm tiêm vaccine là bệnh ...

minhnguyendd6, 32 tuổi, Cần Thơ

BS. Dương Bích Tuyền

Chào bạn

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì bạn thuộc nhóm đối tượng cẩn trọng nên bạn có thể nên tiêm vaccine Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bạn cần cung cấp cho bác sĩ khám trước tiêm tiền sử dị ứng cũng mức độ dị ứng để bác sĩ có thể đánh giá, tư vấn và chỉ định tiêm chủng vaccine chính xác. Điều quan trọng nhất là bạn phải biết theo dõi các dấu hiệu của phản vệ như nổi mề đay, ngứa, khó thở, đau bụng, buồn nôn, nôn ói,... để đi đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi và điều trị.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi đã tiêm mũi một AstraZeneca nhưng ít bị tác dụng phụ. Tôi không biết có phải do cân nặng (hơn 90 kg) nên liều lượng tiêm chưa đủ hay không ạ? Xin cảm ơn ạ.

Quốc Cường Đinh, 41 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Trang

Chào bạn, Sau tiêm vaccine Covid-19 không phải ai cũng có xảy ra phản ứng phụ, chỉ có một tỷ lệ nhất định có phản ứng phụ. Sau khi tiêm bạn ít bị tác dụng phụ là bình thường, điều đó không có nghĩa là bạn không đáp ứng với vắc xin. Còn về liều lượng nhà sản xuất đã có nghiên cứu với liều đó (0.5ml) đã đủ để tạo ra kháng thể nên bạn yên tâm.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Em bị viêm gan siêu vi B hơn 20 năm nhưng không dùng thuốc có tiêm được ngừa vaccine Covid-19 không? Em cảm ơn ạ.

Vân, 43 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn

Theo thông tư 2995 của Bộ Y tế trường hợp bệnh lý mạn tính đã điều trị ổn định thuộc đối tượng cần sàng lọc kỹ và có thể được tiêm ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực cấp cứu ban đầu để tiêm vaccine Covid -19. Trường hợp bạn bị viêm gan B hơn 20 năm nay và không có chỉ định dùng thuốc vẫn có thể tiêm được vaccin Covid-19 nếu bác sĩ khám trước tiêm đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn đủ điều hiện để tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị gout liệu có thể tiêm vaccine Covid-19 được không bác sĩ? Xin cảm ơn!

Linh Ngô Phương, 40 tuổi, Hồ Nghinh

BS. Tạ Minh Đa

Theo QĐ 2995 của Bộ Y tế thì những trường hợp bệnh mạn tính đã ổn định thì vẫn được tiêm chủng vaccine Covid-19. Vì thế nếu bệnh gout của đã điều trị ổn định, anh/chị vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Khi đi tiêm chủng, anh/chị cần mang theo các hồ sơ sức khỏe liên quan đến bệnh, bác sỹ khám sàng lọc sẽ đánh gía cụ thể tình trạng sức khỏe trước khi chỉ định tiêm chủng.

Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!

Lúc nhỏ, tôi thường hay bị dị ứng, nổi mề đay khắp cơ thể, có lần uống thuốc cảm bị dị ứng sưng phù mặt và toàn thân phải uống thuốc gấp. Hiện tại, tôi bị huyết áp cao, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, bao tử HP. Tôi làm trong một doanh nghiệp nhà nước và cũng thuộc diện ưu tiên được tiêm vaccine phòng ...

Lê Quốc Sự, 38 tuổi, Châu Phú, An Giang

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào bạn

Lúc nhỏ bạn thường hay dị ứng nổi mề đay khắp người, và có lần bạn uống thuốc cảm bị sưng phù mặt và toàn thân. Nếu hiện tại gần đây những tác nhân gây dị ứng lúc còn nhỏ không còn hoặc vẫn còn nhưng nhẹ thì bạn vẫn có thể được tiêm vaccine Covid- 19. Tuy nhiên theo hưỡng dẫn của Bộ Y tế thì bạn thuộc nhóm đối tượng cẩn trọng khi tiêm vaccine Covid-19, vì vậy, bạn nên tiêm chủng vaccine Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu để được xử trí tốt hơn nếu khi có phản vệ.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý thông báo cho bác sĩ sàng lọc trước tiêm để bác sĩ có thể khám, chỉ định và tư vấn kỹ về các dấu hiệu của phản vệ. Người được tiêm cần phải theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày, nếu có các dấu hiệu phản vệ như: Mày đay, phù niêm, tím tái, khó thở, tức ngực, thở rít, đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc nôn/buồn nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức, ... bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất được xử trí kịp thời. Còn về bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, bao tử HP nếu giai đoạn ổn định bạn vẫn có thể tiêm được bình thường. Đồng thời, bạn sẽ cung cấp đầy đủ cho bác sĩ khám sàng lọc biết về vấn đề dị ứng và bệnh mạn tính đang điều trị để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn và cụ thể hơn cho bạn khi khám sàng lọc.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Em đang điều trị bệnh tự miễn: viêm tuỷ thị thần kinh. Em uống từ tháng 1/2020 đến nay, đã bị tái phát một lần vào ngày 26/4/2021, điều trị bằng truyền corticoid liều cao trong 5 ngày. Em bị ung thư tuyến giáp đã cắt thùy phải và đang uống hormone tuyến giáp. Em xin hỏi với 2 bệnh nền và hiện sử dụng ...

Lê Thị Hồng Thắm, 34 tuổi, Quận 10, TP.HCM

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào bạn

Đối với những người bị mắc bệnh tự miễn và ung thư, nếu mắc thêm bệnh Covid-19 sẽ khiến bệnh trở lên trầm trọng và nguy hiểm vì vậy, vaccine Covid-19 vẫn được chỉ định nếu các bệnh trên đã được điều trị ổn định, tổng trạng tốt, sức khỏe đủ tiêu chuẩn tiêm chủng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu, bệnh tự miễn và ung thư là 2 bệnh sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh này là phổ biến nên những người bệnh này tiêm chủng có thể không có đáp ứng miễn dịch tốt như những người bình thường, nhưng tất nhiên là vẫn có hiệu quả mở một mức nào đó tùy vào từng người bệnh.

Hiện nay, anh/chị đang sử dụng thuốc, theo khuyến cáo thì cần ngưng sử dụng thuốc này sau khi tiêm mỗi liều vaccine Covid-19 là một tuần. Trước khi tiêm chủng, bạn cần phải mang đầy đủ hồ sơ cũng như quá trình điều trị bệnh và thuốc điều trị để bác sĩ khám trước tiêm chủng đánh giá, bác sĩ khám sẽ cần trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn về việc có thể tạm ngưng thuốc sau khi tiêm vaccine được không và vệc ngưng này có ảnh hưởng hay làm trầm trọng bệnh lý thêm hay không. Cả bác sĩ điều trị và bác sĩ khám để hội chẩn và cân nhắc tất cả các yếu tố lợi ích - nguy cơ để có thể chỉ định tiêm chủng vaccine Covid -19 cho bạn. Nếu được tiêm chủng thì bạn cần phải tiêm chủng trong bệnh viện nơi có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu và được theo dõi sát sau tiêm. Sau khi tiêm bạn vẫn phải thực hiện nghiêm túc "thông điệp 5K" theo hướng dẫn của Chính phủ.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị bệnh trào ngược dạ dày và đang uống thuốc vậy tôi có thể tiêm vacccine không?

Nguyễn Vân, `

BS. Lê Thị Gấm

Chào chị
Bệnh trào ngược dạ dày là bệnh mạn tính kể cả việc chị có đang phải sử dụng kháng sinh điều trị cũng không ảnh hưởng đến việc tiêm phòng vaccine Covid-19, vì vậy chị hoàn toàn có thể tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bình thường.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!