Tôi không có bị huyết áp, bệnh nền, dị ứng. Tôi muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì phải đến cơ quan nào để đăng ký tiêm ạ? Xin cảm ơn!
Chào anh,
Tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh thì tiêm phòng rất hữu hiệu không chỉ riêng vaccine Covid-19. Tuy nhiên với vaccine Covid-19 hiện nay, đối tượng tiêm ưu tiên và địa điểm đăng ký tiêm vẫn đang theo đúng chính sách và quy định cụ thể của Chính phủ và Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!
Tôi có tiền sử dị ứng giãn mạch đối với thuốc kháng sinh. Vừa rồi tôi đi tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, nhưng bác sĩ nói tôi phải đến bệnh viện để tiêm. Vậy tôi hỏi các giáo sư, bác sĩ, tôi có nên tiêm hay không? Tôi tiêm loại nào sẽ an toàn?
Chào chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chị thuộc nhóm đối tượng phải cẩn trọng khi tiêm cần phải tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Người có dị ứng có nguy cơ phản vệ (sốc) cao hơn những người khá nên việc tiêm tại các cơ sở có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tiền sử dị ứng thì sẽ phản vệ với vaccine. Điều quan trọng là chị cần phải biết các triệu chứng phản vệ sớm để thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Vì vậy, khi khám sàng lọc trước tiêm, chị cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bản thân cũng như các triệu chứng mà mình gặp phải để bác sĩ có thể quyết định chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho chị.
Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị tiểu đượng tuýp hai, tiêm thuốc sáng và chiều. Trường hợp tôi có chích vaccine ngừa Covid-19 được không? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào anh/chị,
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, khi ổn định anh/chị có thể tiêm vaccine Covid-19 tại bệnh viện, nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, đủ khả năng để cấp cứu ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!
Em bị dị ứng hải sản, đặc biệt là tôm, cua khi ăn vào khó thở, nổi đỏ sưng. Em chích ngừa vaccine Covid-19 có an toàn không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Trong trường hợp của chị, xuất hiện các biểu hiện mẩn ngứa khi ăn tôm cua, khó thở. Vậy chị vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chị cần tiêm tại bệnh viện hoặc các trung tâm tiêm chủng đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!
Thưa bác sĩ, vợ chồng tôi nếu tiêm vaccine Covid-19 xong thì trong thời gian bao lâu chưa được mang thai ạ? Sắp tới hai vợ chồng có kế hoạch bầu sinh em bé. Xin cảm ơn ạ!
Chào anh,
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về khoảng cách bắt buộc sau tiêm vaccine Covid-19 bao lâu mới được có thai. Tuy nhiên, vợ chồng anh cần chia sẻ cung cấp thông tin về dự kiến mang thai trong thời gian tới cụ thể cho các bác sĩ thăm khám sàng lọc để nhận được tư vấn phù hợp, chính xác nhất với bản thân và gia đình mình.
Chúc vợ chồng anh nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị rối loạn thần kinh tim, huyết áp 150/90. Xin hỏi bác sĩ tôi có tiêm vaccine phòng Covid-19 được không ạ? Xin cảm ơn!
Chào anh,
Với thông tin mà anh cung cấp, anh hoàn toàn có thể tiêm được vaccine Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bất thường về dấu hiệu sinh tồn như huyết áp tối đa >150 mmHg hoặc 140-150mmHg, huyết áp tối thiểu <60mmHg hoặc >90mmHg có kèm biểu hiện lâm sàng bất thường thì anh cần tiêm tại khối bệnh viện.
Trường hợp huyết áp của anh 150/90, nếu không có biểu hiện lâm sàng, tâm lý ổn định, anh có thể tiêm tại các trung tâm có đủ năng lực hồi sức ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Người bị hen phế quản do dị ứng khi thời tiết thay đổi, có thể tiêm vaccine Covid-19 không?
Chào anh,
Người bị hen phế quản vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa... là những người dễ dị ứng vaccine hơn so với những người khác. Điều quan trọng là anh cần phải biết các triệu chứng phản vệ sớm để thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Vì vậy, khi khám sàng lọc trước tiêm, anh cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng ccũng như các triệu chứng mà bác gặp phải để bác sĩ có thể quyết định chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho anh. Chúc anh sức khỏe.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Tôi bị huyết áp thấp không ổn định có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Đối với người bị bệnh mãn tính như huyết áp cao, huyết áp thấp... cần được thăm khám và tiêm chủng tại các cơ sở cở đủ điều kiền hồi sức cấp cứu để đề phòng các tai biến nặng có thể xảy ra. Nếu huyết áp của chị chưa ổn định thì sẽ tạm hoãn tiêm chủng. Chỉ định tiêm chủng chỉ được thực hiện khi bệnh đã ổn định, các chỉ số về mạch, huyết áp, nhịp thở ở giới hạn cho phép.
Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!
Thưa bác sĩ, em đọc báo thấy thông tin các cán bộ Y tế đã được tiêm vaccine khi bị mắc bệnh thì nồng độ virus trong máu rất thấp. Vậy có phải là khả năng lây truyền bệnh lúc này là không cao? Điều đó có đúng không và được hiểu như thế nào?
Chào bạn,
Đây là nhận định rất chính xác. Mới đây, người dân đã rất lo lắng khi nghe tin có một số nhân viên y tế mắc bệnh tại bệnh viện, dù đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền bệnh ở đây rất thấp. Thực tế, virus không phải xuất hiện trong máu như bạn nói, mà xuất hiện ở vùng họng.
Virus vùng họng quyết định mức độ lây truyền bệnh và mức độ bệnh ở người đó. Khi lấy mẫu xét nghiệm vùng họng cho những đối tượng đã được tiêm vaccine, người ta thấy được rằng nồng độ virus là rất thấp, chỉ lây bệnh khi hai người có tiếp xúc rất gần.
Điều đó cho thấy, chích ngừa không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn cả cộng đồng vì khi đó khả năng phát tán virus là rất thấp. Nhận định chích ngừa vaccine khiến nồng độ virus giảm là hoàn toàn chính xác. Cũng chính vì nồng độ virus giảm sẽ không gây bệnh nặng và tử vong nếu có lỡ mắc bệnh.
Cảm ơn bạn.
Thưa bác sĩ! Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu có tiền sử co thắt phế quản, bị dị ứng bụi nhà, mỗi khi uống bia/ rượu hoặc lao động mệt thì sẽ bị khó thở. Ngoài ra, cháu có 1 đợt bị tim đập nhanh. Hiện tại, cháu đang không phải điều trị thuốc gì. Bác sĩ cho hỏi trường hợp của cháu có tiêm ...
Chào bạn,
Trước khi tiêm vaccine, bạn sẽ được bác sĩ khám sàng lọc kiểm tra sức khỏe, nếu nhịp tim thời điểm đó nhanh trên 100 lần/phút bạn sẽ phải hoãn tiêm chủng. Ngoài ra, với các tiền sử như bạn đã nêu thì không phải chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Bạn vẫn có thể tiêm chủng, tuy nhiên, bạn cần tiêm tại các cơ sở bệnh viện hoặc trung tâm tiêm chủng đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Thưa bác sĩ! Những người đã tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn bị dương tính thì khả năng lây cho người khác có thấp hơn so với khi không tiêm mà bị dương tính không ạ? Mức độ nguy hiểm của bệnh lúc này ra sao? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Không có vaccine nào bảo vệ hoàn toàn 100% khỏi virus gây bệnh, do đó, vẫn có người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có thể bị dương tính và có khả năng trở thành người mang virus lây bệnh cho người khác. Chính vì vậy, khuyến cáo đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn phải thực hiên nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế đưa ra, trong đó có chỉ thị 5K gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Thưa bác sĩ! Tôi đang bị bệnh tim mãn tính đã 10 năm. Hiện tại 3 tháng tái khám tại viện tim ở TP HCM. Ngoài ra, tôi còn bị tiểu đường thì có được tiêm vaccine Covid-19 được không ạ? Nếu được thì có được ưu tiên tiêm không ạ, và đăng ký tiêm ở đâu ạ? Xin cảm ơn!
Chào bạn,
Với các bệnh lý tim mạch và tiểu đường mạn tính đã ổn định, kiểm soát tốt, bạn vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 hiện nay đang được thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ y tế. Do đó, bạn có thể theo dõi thêm các thông tin hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúc bạn sức khỏe và sớm được tiêm phòng.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Thưa bác sĩ. Hai vợ chồng cháu dự kiến sinh con đầu lòng, cả 2 vợ chồng cháu năm nay 30 tuổi. Bác sĩ cho cháu hỏi có nên tiêm vaccine Covid-19 trước khi mang thai không ạ? Và khi tiêm có ảnh hưởng gì về sau khi vợ cháu có bầu và thai nhi không ạ? Cháu cảm ơn!
Chào bạn,
Hiện tại, Bộ Y tế đang quy định tạm hoãn tiêm vaccine Covid-19 Astrazeneca cho đối tượng là phụ nữ mang thai và cho con bú. Do vậy, bạn có thể tiêm vaccine Covid-19 trước khi mang thai. Hiện tại không có nghiên cứ nào về việc ảnh hưởng sau khi tiêm vaccine Covid-19 gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Thưa bác sĩ! Em có tiền sử bị dị ứng bia, rượu. Sau khi sinh em bị nổi mề đay khoảng vài tháng rồi tự hết. Như vậy em có được tiêm vaccine Covid-19 không. Nếu không được tiêm chủng mở rộng mà phải vào bệnh viện tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ có được miễn phí không hay chi phí như thế ...
Chào bạn,
Với các vấn đề bạn nêu, bạn có tiền sử dị ứng bia rượu... cần tiêm chủng tại bệnh viện, nơi có điều kiện hồi sức cấp cứu được đảm bảo. Về chi phí sẽ tùy thuộc từng trường hợp cụ thể, bạn có thể tham khảo trực tiếp cơ sở bạn dự kiến tiêm chủng. Cảm ơn bạn, chúc bạn nhiều sức khoẻ.
Tôi bị dị ứng sau khi ăn hải sản như tôm, cua và một số loại côn trùng như nhộng tằm, châu chấu. Xin hỏi trường hợp của tôi có thể tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn, với các trường hợp dị ứng hải sản và côn trùng như bạn nêu, bạn cần phải thận trọng. Bạn nên thực hiện tiêm vaccine Covid-19 tại bệnh viện, nơi có đủ điều kiện cơ sở vật chất và khả năng cấp cứu ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng.
Nếu bị viêm mũi dị ứng và viêm tủy hậu nhiễm cấp tính cách đây 6 năm (hiện tại đi lại bình thường) thì có chích được vaccine Covid-19 không? Xin cảm ơn bác sĩ ạ.
Chào bạn,
Tiền sử viêm mũi dị ứng hay viêm tuỷ cấp đều có thể tiêm được vaccine Covid-19 bình thường. Bạn nên khai báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý, các dị ứng, mẫn cảm nếu có để được chỉ định tiêm chủng vaccine chính xác.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Tôi có bệnh viêm gan B, dị ứng với gạch tôm, cua, tép thì có tiêm được vaccine Covid-19 hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Trừ trường hợp viêm gan B cấp tính, bạn sẽ tạm hoãn tiêm chủng cho đến khi điều trị ổn định, còn với dị ứng tôm cua tép, mong bạn vui lòng cung cấp thông tin chi tiết hơn để bác sĩ khám sàng lọc chỉ định tiêm chủng chính xác.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Chồng tôi bị bệnh hen suyễn có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Nếu tình trạng hen phế quản của chồng bạn được kiểm soát ổn định ít nhất 3 tháng có thể tiêm chủng vaccine Covid-19 bình thường. Nếu chưa ổn định sẽ tạm hoãn tiêm chủng và chồng bạn nên đi khám chuyên khoa trước.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Mẹ em 56 tuổi, bị bệnh nền Lupus ban đỏ hệ thống 13 năm nay, đang sử dụng thuốc kháng miễn dịch để điều trị, có khám bệnh Lupus định kỳ. Hiện các bộ phận tim gan thận... của mẹ bình thường thì có tiêm vaccine Covid-19 được không ạ? Nếu tiêm cần phải lưu ý gì không ạ? Em cảm ơn!
Chào bạn,
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ với các đợt cấp là các đợt bệnh ổn định. Các thuốc chính yếu vẫn là ức chế miễn dịch, thuốc sinh học... thuốc được dùng dài ngày.
Nếu mẹ bạn đang bị đợt cấp và phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch với liều cao thì không được tiêm ngay. Khi điều trị bằng corticoid liều thấp (liều duy trì) vẫn có thể được tiêm. Bác sĩ khám trực tiếp sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ bạn để có thể chỉ định tiêm chủng (sẽ cần phối hợp với ý kiến của bác sĩ điều trị). Bạn nên mang các giấy tờ liên quan đến bệnh và điều trị bệnh 3 tháng gần nhất để bác sĩ xem xét.
Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, có thể cơ thể sẽ không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch hoàn hảo sau tiêm vaccine Covid-19. Cho nên mặc dù đã tiêm phòng vaccine, các bệnh nhân này vẫn nên tuân thủ việc phòng tránh tiếp xúc với môi trường hoặc các cá nhân nhiễm bệnh.
Chúc bạn và mẹ bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng với thuốc hạ sốt nên không thể uống mỗi khi sốt. Nếu tôi được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì có phải thử phản ứng thuốc hay làm các xét nghiệm gì không? Mong được chuyên gia hồi đáp.
Chào bạn,
Hiện nay, Thông tư 51/BYT về cấp cứu phản vệ không quy định thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trước khi sử dụng và vaccine Covid-19 cũng không có chỉ định thử phản ứng trước tiêm. Bạn không cần xét nghiệm gì trước khi tiêm chủng. Bạn bị dị ứng với thuốc hạ sốt nên đến bệnh viện nơi có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt để tiêm.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!