VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 12/12/2024

Em đã tiêm mũi đầu tiên vaccine của AstraZeneca, mũi tiêm thứ 2 em có thể tiêm Pfizer được không ạ? Thời gian cách nhau 2 mũi là bao lâu? Em xin cảm ơn bác sĩ.

Trần Minh Trí, 35 tuổi, Quận 11, TP HCM

BS Đoàn Thị Khánh Châm

Chào bạn,

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu mũi đầu bạn tiêm vaccin Covid-19 của Astrazeneca, thì mũi 2 bạn cũng nên tiêm vaccin của hãng này, theo đó khoảng cách giữa 2 mũi cách nhau 4-12 tuần. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Tôi được biết VNVC đã đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu đến từ -86 đến -40 độ C. Năng lực bảo quản các loại vaccine cần bảo quản âm sâu tại VNVC hiện nay được bao nhiêu liều? Quy trình sử dụng vaccine đặc biệt này là gì? Làm thế nào để vận chuyển các loại vaccine này đến các điểm tiêm an ...

Đoàn Hậu, 30 tuổi, Ninh Bình

ThS Dược sĩ Vũ Thị Thu Hà

Chào bạn,

Chúng tôi khẳng định rằng vaccine là "chìa khóa", là lời giải cho bài toán phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Do đó, không chần chừ, VNVC ngay lập tức đã tìm hiểu các kiến thức tiên tiến trên thế giới về phương pháp bảo quản vaccine âm sâu. VNVC nhanh chóng đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu đầu tiên tại Việt Nam dùng riêng cho việc bảo quản các loại vaccine Covid-19 và các loại vaccine khác, đòi hỏi điều kiện bảo quản đặc biệt. Số lượng có thể bảo quản trong cùng một thời điểm có thể lên đến 3 triệu liều vaccine cần bảo quản âm sâu.

Kho lạnh âm sâu này đã được thẩm định bởi Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, sẵn sàng cho việc nhập khẩu và bảo quản vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản khắc nghiệt. Đối với quy trình bảo quản vaccine đặc biệt này, chúng tôi cũng đã xây dựng những kế hoạch cho việc tổ chức tiêm chủng, cũng như là kế hoạch vận chuyển vaccine và tiêm chủng cho người dân nếu như được cho phép, với một kế hoạch tỉ mỉ.

Ngoài ra, VNVC cũng đã mở rộng Hệ thống tiêm chủng với mong muốn giúp người dân có thể tiếp cận được vaccine phòng Covid-19 một cách nhanh nhất. Chúng tôi cũng đã mở rộng thêm quy mô nhân sự, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý để có thể cùng lúc phục vụ tiêm chủng vaccine cho nhiều người.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, chúc bạn nhiều sức khoẻ, trân trọng!

Thưa bác sĩ, sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi một của AstraZeneca thì bao nhiêu lâu sau có hiệu lực? Và hiệu lực phòng bệnh bao nhiêu %? So với việc tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, thì hiệu quả của việc tiêm một mũi vaccine như thế nào?

Lê Giang Anh, 50 tuổi, Phú Thọ

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Như bạn đã biết, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca quy định 2 mũi tiêm. Bất cứ loại vaccine nào cũng vậy, không phải cứ sau khi tiêm vaccine ai cũng sẽ có 100% kháng thể phòng bệnh và cũng không phải ai sau khi tiêm vaccine kháng thể sẽ ngay lập tức sinh ra.

Theo những nghiên cứu và hướng dẫn của nhà sản xuất, 2-3 tuần lễ sau cơ thể có đáp ứng miễn dịch. Hai mũi tiêm vaccine có thể cách nhau 4-12 tuần. Khi đã hoàn thành 2 mũi vaccine, hiệu quả bảo vệ có thể 76-80%, tùy thuộc vào từng đối tượng.

Đối với vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, như những loại vaccine khác không mang lại hiệu quả tuyệt đối 100%, nhưng có thể giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong lên đến gần 100%. Tiêm vaccine trong công tác phòng, chống dịch bệnh mang ý nghĩa hết sức quan trọng, là "vũ khí" hàng đầu để chống lại những ảnh hưởng to lớn của đại dịch.

Tôi phải lưu ý một điều rằng, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong việc phòng chống nhiễm và lây lan bệnh cho những người xung quanh. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn sức khỏe.

Thưa bác sĩ! Tôi bị dị ứng với thuốc kháng sinh Amocilin khá nặng, bị sốc phản vệ phải cấp cứu 2 lần rồi. Liệu tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn ạ!

Lại Thị Thu Hoài, 27 tuổi, Bình Thạnh, TP. HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Rất tiếc hiện nay, vaccine Covid-19 có chống chỉ định với các trường hợp phản vệ từ độ 2 trở lên với bất cứ tác nhân nào. Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Em đi tiêm vaccine Covid-19 mà mạch 120 nên không tiêm được. Em hay bị hồi hộp khi gặp y tế thì phải làm sao thưa bác sĩ? Em xin cảm ơn.

Baokhanh Nguyen, 41 tuổi, Tân Phú, TP HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Đúng là mạch > 100 lần một phút thì tạm hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19, bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch để được hỗ trợ thêm. Chúc bạn sớm đủ điều kiện để tiêm chủng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Tiêm vaccine bên bắp tay phải vẫn có hiệu quả bình thường đúng không thưa bác sĩ? Do em nghe nói có thông tin bắt buộc phải tiêm bên bắp tay trái.

Linh Lan, 23 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Cho tới nay, trong lịch sử tiêm vaccine, chỉ có tiêm ngừa lao là được yêu cầu tiêm bên tay trái, lý do không phải do tiêm bên tay trái ngấm thuốc hơn tay phải. Nguyên nhân chính là các bác sĩ, nhân viên y tế sau này sẽ tìm bên tay trái xem có vết sẹo hay không, nếu có vết sẹo là có hiệu quả. Nếu chúng ta tiêm bên tay phải, sau này nếu có kiểm tra bên tay trái thì lại không thấy có sẹo. Còn với các loại vaccine khác miễn sao chúng ta tiêm vào cơ Delta trên vai là được, không phân biệt tay trái hay tay phải.

Thêm một chia sẻ nữa, có người không muốn chích bên tay trái hoặc tay phải là do họ có thói quen ngủ nằm nghiêng bên trái hoặc bên phải. Nếu nằm nghiêng bên trái thì chích bên tay phải và ngược lại. Vì khi nằm nghiêng có thể bị đau một chút, có người nghĩ như vậy thôi. Còn việc tiêm bên tay nào cũng được, đều cho hiệu quả như nhau.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Con gái tôi năm nay 23 tuổi, mỗi khi cháu ăn tôm, cua đông lạnh thường phải uống thuốc giảm đau, nổi mề đay, ngứa, sưng bụp mắt và khó thở. Vậy cháu tiêm vaccine ngừa Covid-19 được không? Nếu muốn tiêm, cháu phải khám và kiểm tra những gì, ở bệnh viện nào? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ!

Trần Hoà An, 52 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Con gái bạn đang có các biểu hiện dị ứng, sẽ cần tiêm chủng vaccine Covid-19 tại bệnh viện, các cơ sở đủ năng lực hổi sức cấp cứu ban đầu. Trước khi tiêm cháu sẽ được các bác sĩ khám sàng lọc và tư vấn cách theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Tôi đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày có tiêm vaccine Covid-19 được không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Nguyên, 25 tuổi, TP HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Người sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày vẫn có thể tiêm được vaccine Covid-19, chỉ một số trường hợp thuốc tránh thai chứa thành phần estrogen có nguy cơ gây huyết khối (rất hiếm). Sau khi tiêm, bạn nên theo dõi kỹ và thông báo cho bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường. Cảm ơn bạn, chúc bạn nhiều sức khỏe.

Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Em có hiện tượng dị ứng với các thuốc giảm đau và khi dị ứng mặt có cảm giác nặng nề, bì bì. Xin hỏi vậy em có thể tiêm vaccine Covid-19 được không?

Tươi Nguyễn, 29 tuổi, TP. Bắc Ninh

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Tình trạng dị ứng như bạn kể vẫn có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19, tuy nhiên bạn cần được tiêm tại các bệnh viện có cơ sở vật chất và đáp ứng đủ điều kiện cấp cứu ban đầu.

Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Vaccine Covid-19 đang là vấn đề cộng đồng quan tâm, người dân đang rất mong muốn được tiêm vaccine. Tại sao đến nay chỉ mới có VNVC là đơn vị đầu tiên nhập được vaccine Covid-19 về Việt Nam?

Minh Thanh, 43 tuổi, Thanh Hóa

ThS Dược sĩ Vũ Thị Thu Hà

Chào bạn,

Ở thời điểm đó, chúng ta phải cạnh tranh mạnh với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Về vấn đề làm sao để có được nguồn vaccine về Việt Nam, với tầm nhìn xa của ban lãnh đạo, VNVC đã có những quyết định mang tính chất thời khắc lịch sử để có thể tiếp cận với vaccine này. VNVC mạnh dạn đặt cọc 30 triệu đô la để được quyền đặt mua vaccine theo cơ chế chấp nhận rủi ro.

Ngoài ra, VNVC còn phải khẳng định năng lực với hệ thống dây chuyền lạnh, năng lực bảo quản vaccine vượt trội, nguồn nhân lực... để tiếp cận được nguồn vaccine quý báu trên thế giới.

Hiện nay, ở tại Việt Nam đã có hơn 30 đơn vị được cấp phép việc nhập khẩu vaccine Covid-19. Tuy nhiên, VNVC cũng đã trải qua được những bước thương thảo, bước triển khai mua vaccine ở giai đoạn đầu, chúng tôi càng tự tin hơn trong việc tiếp cận và đưa về những vaccine mới về Việt Nam.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, chúc bạn sức khoẻ!

Các nghiên cứu y khoa cho thấy, mỗi mũi tiêm nên cách nhau 6-12 tuần thì hiệu quả cao hơn. Có nghiên cứu lại ghi mỗi mũi tiêm nên cách nhau 4 tuần thì hiệu quả cao hơn. Vậy thì thông tin nào chính xác? Chúng ta nên tiêm vắc xin Astrazeneca cách nhau bao nhiêu tuần để có hiệu quả và độ an toàn ...

Minh Hiển, 30 tuổi, Lâm Đồng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Những con số về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm: 4, 6, 8 hay thậm chí là 3 tuần xuất phát từ nhiều lý do. Lý do đầu tiên, ngay từ khi nghiên cứu, người ta không thể chờ 4 tuần được. Vì giả định, nếu chích 2 liều vaccine kéo dài 4 tuần trên hơn 10.000 người thì thời gian sẽ bị kéo dài ra rất nhiều.

Do đó, khi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã rút ngắn thời gian còn 3 tuần giữa hai mũi tiêm để có thể thấy được hiệu quả. Nhưng về nguyên tắc, 2 mũi vaccine cùng loại khi chích cần cách nhau ít nhất là 4 tuần. Nên dù thời gian giữa 2 mũi tiêm trong giai đoạn nghiên cứu là 3 tuần, nhưng khi ứng dụng thực tế, các nhà khoa học đã kéo dài thời gian ra 4 tuần.

Mặt khác, tuy cũng có thể tiêm mũi vaccine thứ hai sau mũi đầu tiên 6, 8 và 12. Nhưng thời gian giữa 2 mũi tiêm còn phụ thuộc vào một yếu tố là nguồn vaccine nên tại Việt Nam lúc đầu thời gian cách nhau được quy định giữa 2 mũi vaccine là 4 tuần, có khi lại là 6, 8, 12 tuần.

Tuy nhiên, đối với những người cần sớm tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch ở tuyến đầu không nên chờ 6, 8 hay 12 tuần để tiêm vaccine khi nguồn vaccine Covid-19 đã có sẵn. Cảm ơn câu hỏi của bạn, trân trọng!

Nếu như chích vaccine Astrazeneca mũi đầu tiên có xảy ra phản ứng phản vệ độ hai thì sẽ ngưng chích mũi hai. Người đó có có được chích loại vaccine phòng Covid-19 nào nữa hay không?

Ngọc Hoàng, 29 tuổi, Cà Mau

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Nếu chúng ta không may có phản ứng độ 2 thì được quyền tiêm những loại vaccine khác, vì thành phần của các loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, trong tình huống đó, chúng ta phải xem xét kỹ cụ thể mức độ phản ứng độ 2 như thế nào để đánh giá chính xác, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao, có thể mắc bệnh nặng.

Nếu như không may có phản ứng phản vệ cần phải được tham vấn rõ ràng. Vì bác sĩ còn phải xem xét nhiều yếu tố, không chỉ là việc mức độ phản ứng độ 2 thì chích và chích cái gì. Do đó, khi có những phản ứng phản vệ sẽ tham khảo thêm khi được khám và đánh giá lại.

Cảm ơn bạn, chúc bạn nhiều sức khỏe.

Nếu tiêm vaccine mũi một bị sốt, mệt mỏi, nổi mẩn ngứa, dị ứng thì có nên tiêm mũi hai vacine Covid-19 hay không?

Hùng Tuấn, 34 tuổi, Hưng Yên

GS.TS Nguyễn Trần Hiển

Chào bạn,

Có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc vaccine Covid-19 gây phản ứng phụ gây ra nhiều hoang mang dư luận. Nhưng người dân cần phải hiểu đúng, hầu hết những phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng "giả cúm". Đối với một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp gây phản ứng sau tiêm mũi một nghiêm trọng, bạn không nên tiêm vaccine mũi 2 Covid-19 nữa.

Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Vì sao VNVC nhập vaccine về bằng tiền của mình, chấp nhận bỏ ra khoảng tiền lớn đặt cọc, chấp nhận nhiều rủi ro mà không được sử dụng vaccine này tiêm dịch vụ cho người dân?

Trần Văn, 50 tuổi, TP.HCM

Bà Vũ Thị Thu Hà

Chào bạn,

Thời điểm VNVC tiến hành ký hợp đồng với AstraZeneca được sự cho phép của Bộ Y tế, với sự tư vấn của các chuyên gia, lãnh đạo Bộ tham gia vào quá trình đàm phán. Sau khi hợp đồng đã được ký kết đầy đủ và có những lô hàng đầu tiên về Việt Nam, chúng tôi cũng nhanh chóng nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất VNVC chuyển giao số lượng vaccine này để tiêm cho các cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, những người có nguy cơ cao. VNVC sẵn sàng tuân thủ theo đề xuất của Chính phủ, Bộ Y tế, góp phần hỗ trợ phòng chống dịch kịp thời và quyết liệt trong thời gian vừa qua.

Với 2 lô vaccine vừa về của VNVC trong thời gian vừa qua gồm hơn 400.000 liều và toàn bộ những lô vaccine trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca, chúng tôi đã thực hiện chuyển giao toàn bộ cho Bộ Y tế để tiến hành tiêm miễn phí cho các cán bộ tuyến đầu chống dịch cũng như những người có nguy cơ cao trong vùng dịch.

Rất cảm ơn câu hỏi của bạn, trân trọng!

Có nhiều ý kiến cho rằng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gây ra tình trạng đông máu, xuất hiện cục máu đông. Vậy chúng ta có cần đi xét nghiệm tình trạng đông máu của cơ thể hay không trước khi tiêm vaccine Covid-19?

Trần Quỳnh Chinh, 23 tuổi, Hưng Yên

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Nói đến trường hợp đông máu của vaccine Covid-19, thứ nhất về tỷ lệ rất là hiếm, thứ hai chuyện phát hiện tác dụng đông máu không quá khó. Thời gian đầu ở các nước trên thế giới, việc phát hiện các trường hợp đông máu tương đối khó vì chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên hiện nay cả thế giới đều có kinh nghiệm trong phát hiện sớm vấn đề đông máu. Ở Việt Nam cũng đã đưa ra những phác đồ cụ thể, thậm chí những nơi như ở mức bệnh viện, điểm tiêm chủng huyện vẫn có thể xử lý được.

Việc xét nghiệm đông máu cho chủng ngừa vaccine Covid-19 hoàn toàn không có giá trị gì vì không có tác dụng cụ thể trong việc giúp cho bác sĩ khám sàng lọc các quyết định trong việc chỉ định tiêm chủng. Cơ chế rối loạn đông máu của một người đang có với cơ chế tạo ra cục máu đông hoàn toàn khác nhau.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Cảm ơn bạn.

Tôi sẽ tiêm vaccine Covid-19 nên rất lo, cần lắm lời khuyên trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tôi cần lưu ý những gì để có thể an tâm đi tiêm.

Quốc Hùng, 35 tuổi, Quảng Ngãi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Thông thường, đối với vấn đề tiêm vaccine, người lớn sẽ có tâm lý lo ngại hơn trẻ em, bởi trẻ nhỏ được bố mẹ ẵm đi tiêm nên không phải lo gì nhiều. Tại sao người lớn lo ngại nhiều trước khi tiêm vaccine Covid-19 vì người lớn đọc nhiều thông tin quá và người ta có xu hướng nghe thông tin xấu hơn là thông tin tốt, thành ra lo lắng là có thật.

Thứ hai, hiện tại đã có rất nhiều liều vaccine Covid-19 được tiêm, ở Việt Nam thì vài triệu liều, các nước khác thì vài chục triệu liều. Do vậy, mình phải suy nghĩ theo hướng tích cực.

Thứ ba, trước khi đi chích không cần lưu ý gì đặc biệt, ăn uống, nghỉ ngơi bình thường, không vận động mạnh bởi vì đi nhanh, đi nhiều có thể khiến huyết áp sẽ tăng, huyết áp cao sẽ hoãn tiêm nên sẽ mất đi cơ hội được tiêm vaccine. Có một số người lo quá, uống 2-3 cữ cafe, tim sẽ đập nhanh nên cũng không tiêm được.

Tuy nhiên, đối với người bình thường, trước giờ không cao huyết áp nên đo huyết áp trước khi đi tiêm. Tóm lại, trước khi đi chích ngừa cần phải bình tĩnh. Trong khi chích cần phải lắng nghe rất rõ hướng dẫn của bác sĩ như chờ 30 phút sau tiêm, quan sát những phản ứng gì, thấy điều gì bất thường thì thông báo cho bác sĩ. Thông thường, khi có dấu hiệu tức ngực, khó thở, đau bụng, choáng váng, da nổi mày đay rất là nhanh... cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí. Sau theo dõi 30 phút ở nơi tiêm chủng, người được tiêm chủng có thể đi về bình thường, các bác sĩ cũng sẽ phát cho người tiêm phiếu theo dõi.

Chúng ta nhớ rằng, mỗi người mỗi kiểu "hành" khác, không nhất thiết người khỏe mạnh bị "hành" ít, người nhỏ nhắn yếu ớt "hành" nhiều, điều này không đúng. Suy nghĩ người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu sẽ bị "hành" nhiều cũng sai luôn. Do vậy, người tiêm chủng cũng không nên suy nghĩ sau khi tiêm chủng mình sẽ bị "hành" nhiều hay ít.

Có 4 kiểu "hành" chính sau khi tiêm vaccine gồm: thứ nhất, chích vào thấy vẫn khỏe, không gặp phản ứng gì; thứ hai, chích vào khoảng 12 tiếng sẽ bị mỏi mệt, khó ngủ, nhức đầu, sốt (loại phổ biến nhất); thứ ba, chích xong khoảng 12 tiếng sau sốt cao, lạnh run, uống thuốc hạ sốt và sau đó sẽ hết; thứ 4 gây phiền toái nhất là mắc ói, đi ngoài,... nếu như chịu đựng được có thể ở nhà, nhưng cảm thấy khó chịu quá nên tới bệnh viện. Thông thường, tất cả các phản ứng sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 24-36 tiếng hay 48-72 tiếng, chứ không ai kéo dài trên 72 tiếng. Do vậy, trước khi đi tiêm đừng suy nghĩ nhiều quá, thoải mái, tin tưởng thì sẽ ổn.

Đối với Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, đội ngũ bác sĩ khám sàng lọc sẽ tư vấn đầy đủ cho anh chị những trường hợp nào được tiêm tại VNVC, những trường hợp nào chờ đợi hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng tôi phải lắng nghe những phản ứng của cơ thể sau khi chích ngừa, đối với những bất thường đều chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở y tế.

Trong trường hợp phòng phản vệ sau tiêm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tại bàn tiêm những thuốc cấp cứu, thiết bị cần thiết để sử dụng ngay, ngoài ra, đội ngũ theo dõi phản ứng sau tiêm thường quy chúng tôi đã thực hiện, hiện nay càng quan sát cẩn thận hơn tất cả những phản ứng để mang lại sự an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Đồng thời, những lời khuyên của chúng tôi đến với người được tiêm chủng đều là những lời khuyên để đảm bảo tiêm an toàn. Những trường hợp nào cần hoãn tiêm/ thận trọng chúng tôi cũng cung cấp đầy đủ thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong mỏi tất cả những điều về dịch vụ, tư vấn của bác sĩ với mong muốn cho người được tiêm chủng an toàn nhất. Do vậy, trước khi tiêm chủng mong mọi người cung cấp đầy đủ những thông tin để chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Em bị bệnh lao phổi năm 15 tuổi đã chữa trị. Hiện em đã 33 tuổi, không bị tái phát lại, thì có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 được hay không?

Quốc Phong, 33 tuổi, Bình Phước

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trường hợp của bạn hiện bệnh đã khỏi, có nghĩa rằng bạn cũng giống như những người khác, có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 để có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng. Bệnh từ quá khứ của bạn không còn là một vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm nên bạn có thể an tâm. Nếu bạn thuộc đối tượng được Nhà Nước cho phép tiêm chủng trong những đợt tiêm như thế này thì nên đến các cơ sở y tế hoặc những địa điểm được chỉ định để tiêm phòng.

Chúc bạn sức khỏe.

Ung thư vú giai đoạn 2 nhưng không phải vô thuốc hóa trị, xạ trị và đã uống thuốc được 5 năm thì có được phép chích ngừa Covid-19 hay không?

Lan Hương, 37 tuổi, Bình Dương

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trước đây, theo hướng dẫn Bộ Y tế, ung thư thuộc về trường hợp hoãn tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế, chỉ hoãn tiêm vaccine trong trường hợp ung thư giai đoạn cuối. Trường hợp của bạn đã điều trị bệnh ở giai đoạn ổn định vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 bình thường.

Theo hướng dẫn tiêm phòng vaccine Covid-19, chúng ta cũng có thể thấy rằng, đối với những trường hợp điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị chỉ cần hoãn tiêm 14 ngày sau đó là có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị bệnh gan mãn tính, đã uống thuốc điều trị thường xuyên. Tôi được bác sĩ khuyến cáo không nên tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng tôi vẫn muốn được tiêm có được hay không?

Mai Thị Lan, 55 tuổi, TP HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trong những hướng dẫn về tiêm vaccine Covid-19 cho những đối tượng bị bệnh gan có nói rằng, đối với trường hợp xơ gan mất bù cần thận trọng hoặc hoãn tiêm. Tôi chưa rõ tình trạng bệnh gan của bạn như thế nào. Trong đa số những trường hợp bạn đang điều trị bệnh gan, duy trì ở mức độ ổn định vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Nếu người đã bị nhiễm Covid-19 nhưng không phát hiện mà vẫn tiếp tục đi tiêm vaccine Covid-19 thì có bị sao không ạ?

Mỹ Anh, 25 tuổi, TP HCM

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Thực tế, khi đã mắc Covid-19 mà lỡ có tiêm vaccine phòng bệnh cũng không bị sao cả. Có nhiều quan niệm sai lầm rằng tiêm vaccine phòng bệnh là đưa virus vào cơ thể nhưng thực tế không phải vậy. Trong vaccine chỉ chứa một đoạn rất nhỏ gen của virus để kích thích cơ thể tạo nên kháng thể phòng bệnh, nên tiêm vaccine không khiến bản thân người đó nhiễm virus. Thậm chí, ở nước ngoài, sau 6 tháng mắc Covid-19, người ta khuyên nên tiêm thêm một mũi vaccine để tăng khả năng bảo vệ của cơ thể, giúp hiệu quả bảo vệ được kéo dài hơn.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!