VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ bảy, 22/2/2025

Tôi đang cho con bú liệu có được tiêm vaccine Covid-19 không? Những loại vaccine Covid-19 nào có khuyến cáo đối với bà bầu và cho con bú?

Hien Pham, 31 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng

BS. Nguyễn Thị Trang

Chào bạn

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối tượng đang mang thai và cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian này và chờ đợi hướng dẫn tiếp theo của Bộ Y tế. Vì vậy trong giai đoạn này, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch hiệu quả khác như thông điệp 5K của Chính phủ.

Cảm ơn hỏi của bạn. Trân trọng!

Tôi bị huyết áp cao đang điều trị ổn định; rung nhĩ cơn đang điều tri; rối loạn tiền đình nhẹ thì có tiêm vaccine Covid-19 được không? Loại nào phù hợp?

Mai Văn Nam, 66 tuổi, Q.3, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào anh,
Nếu tình trạng bệnh lý của anh đã ổn định trong vòng 3 tháng trước khi tiêm chủng (có nghĩa là bệnh không cần thay đổi điều trị đáng kể hoặc nhập viện vì bệnh lý nặng hơn) hoàn toàn có thể tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, anh cần đến các tiêm chủng tại bệnh viện hoặc ở các cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu để xử trí phản ứng nếu có.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Chúc anh sức khỏe!

Tôi có bệnh lý nền đái tháo đường, huyết áp cao từ năm 1998 đến nay. Tôi vẫn uống thuốc đều đặn, chỉ số đường huyết ổn định, huyết áp bình thường. Tôi có được chích ngừa Covid-19 không? Nếu được chích ngừa, tôi có thể chích ở đâu, nên chích loại thuốc của hãng nào? Thời gian nào? Có chích dịch vụ được không?

Thái Hoàng Long, 67 tuổi, Quận 1, TP HCM

BS. Ngô Thị Kim Phượng

Chào anh,
Với bệnh nền đái tháo đường và cao huyết áp, anh đã được điều trị ổn định vẫn tiêm được vaccine Covid-19 tại các có sở được nhà nước cấp phép tiêm chủng. Hiện tại, vaccine đang được nhà nước cấp phép chủng ngừa là vaccine Astrazeneca (Anh), đang tiêm cho các đối tượng ưu tiên được nhà nước quy định. Miền Trung chưa có dịch vụ tiêm chủng các loại vaccine phòng Covid-19.
Cảm ơn anh. Trân trọng!

Tôi bị tiểu đường tuýp 2 có tiêm được vaccine Covid-19. Tôi đi làm ở châu Phi về phép được 10 tháng muốn được tiêm vaccine Covid-19 để đi làm trở lại thì đăng ký ở đâu?

Ngô Bảo Truyền, 44 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào bạn
Đối với trường hợp người có bệnh nền đã điều trị ổn định, sức khỏe tốt có thể được tiêm ngừa vaccine Covid-19. Trước khi tiêm bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử điều trị bệnh cho bác sĩ khám sàng lọc biết và đánh giá tình trang sức khỏe trước tiêm như huyết áp, nhịp thở, nhịp tim ... và các cơ quan khác để quyết định có đủ điều kiện sức khỏe tiêm chủng hay không.
Về việc đăng ký tiêm chủng, bạn cần liên hệ với chính quyền/cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Trân trọng!

Em bị dị ứng khá nặng với nhóm kháng sinh thì có thể tiêm vaccine Covid-19 không ạ? Em cảm ơn!

Nguyễn Xuân Trung, 27 tuổi, Gò Vấp, TP HCM

BS.Trần Hoài Nam

Chào anh,
Trong thành phần vaccine Covid-19 AstraZeneca không chứa hoạt chất của nhóm kháng sinh nên anh không phải trường hợp chống chỉ định tiêm.
Theo mô tả của anh, chúng tôi không biết thông tin anh cung cấp ''dị ứng khá nặng'' cụ thể là như thế nào. Vì vậy, nếu anh dị ứng với các triệu chứng/biểu hiện như mẩn đỏ, ngứa... kèm theo không có phù niêm mạc như niêm mạc mắt, môi... và sau đó tự khỏi hay chỉ dùng thuốc uống ở nhà thì anh vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở tiêm chung có đủ năng lực cấp cứu ban đầu.
Ngược lại, nếu tình trạng dị ứng có kèm phù niêm mạc mắt, môi hoặc huyết áp tụt, mạch nhanh, khó thở... và phải điều trị tại bệnh viện thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế đây là trường hợp chống chỉ định tiêm chủng.
Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị dị ứng khi ăn cua (chảy nước mắt, sau đó sưng môi và mặt, khó thở) phải uống thuốc ngay. Vậy tôi có nên tiêm vaccine Covid-19 không? Mẹ tôi bị cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu thì có nên tiêm vaccine không?

Võ Thị Vân Anh, 34 tuổi, Thủ Đức

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào chị,
Trường hợp của chị đã bị phản ứng phản vệ độ 2 sau khi ăn cua nên chị thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19. Chị vẫn có thể phòng bệnh bằng các biện pháp hiệu quả khác theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế như "thông điệp 5K". Mẹ của chị đang điều trị các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu ổn định có thể tiêm được vaccine Covid-19.
Chúc gia đình nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị bệnh tuyến giáp, rối loạn nhịp tim và bị đau nhói ở tim, cảm giác như bị nhồi máu cơ tim nhưng khi đi khám được các bác sĩ chuẩn đoán bị rối loạn nhịp tim. Tôi được biết khi tiêm vaccine Covid-19 sẽ bị hiện tượng đông máu? Tôi có thể tiêm vaccine Covid-19 được không ạ? Xin chân thành cảm ơn ...

Nguyễn Đức Anh, 42 tuổi, Hà Nội

BS. Ngô Thị Kim Phượng

Chào anh,

Hiện tại, bệnh của anh chưa ổn định, nhịp tim vẫn còn rối loạn, trường hợp trên cần trì hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian này cho đến khi bệnh ổn định. Theo quy định của Bộ Y tế, anh thuộc đối tượng cẩn trọng khi tiêm chủng và nên tiêm tại bệnh viện.
Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!

Tôi có được lựa chọn loại vaccine để tiêm? tôi muốn được tiêm vaccine của Trung Quốc thì đăng ký như nào?

Sơn Trần, 36 tuổi, Đồng Nai

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào anh,
Hiện tại, vaccine Covid-19 được triển khai tiêm ở Việt Nam là vaccine của AstraZeneca. Người được tiêm vaccine lúc này là một cơ hội, vì hiện tại chúng ta chỉ đang thực hiện tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao theo Nghị quyết 21, bao gồm 11 đối tượng.

Đối tượng có nguy cơ cao phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao, ví dụ như địa bàn đang có dịch hoặc địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao như người dân đi lại nhiều tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hoặc các khu du lịch… Vừa rồi, còn có thêm đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp mặc dù không nằm trong nhóm đối tượng của Nghị quyết 21 nhưng vẫn được tiêm.
Như vậy, tiêm vaccine chính là một cơ hội và đồng thời cũng là một quyền lợi.

Chúng ta không nên trì hoãn tiêm hoặc chờ đợi có vaccine khác mới tiêm. Vaccine Astrazeneca đã được tiêm ở rất nhiều nước trên thế giới, chứng minh được khả năng bảo vệ cũng như khả năng phòng bệnh trong việc giảm các triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, tiêm vaccine giúp anh giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu có mắc chỉ gặp những triệu chứng nhẹ, đặc biệt là làm giảm nguy cơ tử vong.
Chúc anh nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi năm nay 31 tuổi, có hai bệnh lý nền là viêm đa xoang và trào ngược dạ dày. Tôi có hai lần phải tiêm huyết thanh kháng uốn ván do tai nạn nghề nghiệp. Lần đầu chỉ tiêm huyết thanh, cơ thể không phản ứng gì. Lần thứ hai tiêm thử huyết thanh, tôi nổi mẩn vùng thử nhưng sau đó tôi vẫn được ...

Trần Hùng Phương, 31 tuổi, Bình Dương

BS. Ngô Thị Kim Phượng

Chào anh,
Với các vấn đề mà anh đã trình bày, anh vẫn tiêm được vaccine Covid-19, tuy nhiên theo quyết định 2995 của Bộ Y tế. Anh nên chọn các đơn vị có đủ cơ sở cấp cứu ban đầu để tiêm vaccine Covid-19. Chúc anh nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi thỉnh thoảng bị dị ứng ngứa nổi mẩn, đặc biệt là khi ăn nhộng tằm hoặc nhộng ong. Tôi muốn tiêm vaccine Covid-19 thì có ảnh hưởng gì không?

Lê Văn Khôi, 57 tuổi, TP.HCM

Bác sĩ Đoàn Thúy Mai

Chào anh,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, anh thuộc đối tượng cần cẩn trọng khi tiêm và nên tiêm vaccine Covid-19 tại khối bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức ban đầu.
Chúc anh sức khỏe. Cảm ơn anh.

Tôi bị tứ chứng Fallot, đã phẫu thuật lần 2 cách đây 10 năm. Hiện giờ sức khỏe ổn định, không phải sử dụng thuốc gì. Xin hỏi tôi có nên tiêm vaccine Covid-19?

Nguyễn Bang, 37 tuổi, Bình Tân, TP.HCM

ThS Nguyễn Diệu Thúy

Chào bạn

Bạn đã phẫu thuật cách đây khá lâu, do đó nếu hiện tại sức khỏe của bạn hoàn toàn bình thường, không đang tiến hành điều trị bất kỳ bệnh lý nào, bạn vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Trước khi tiêm vaccine bạn sẽ được khám sàng lọc, bạn cần khai báo tình trạng bệnh lý hiện tại, các thuốc điều trị... với cán bộ y tế để được chỉ định tiêm chủng chính xác.

Tôi 43 tuổi, tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường tuýp II ổn định khoảng 2 năm nay. Ngoài ra còn bị gout, mỡ máu cao, gan mỡ độ 2, men gan cao. Xin hỏi có tiêm được vaccine ngừa Covid-19 không? Nếu tiêm thì quy trình theo dõi sau tiêm với những đối tượng như tôi thế nào?

Nguyễn Kiên Trung, 43 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào anh,
Hiện nay, các bệnh lý của anh đều đã ổn định, anh có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường. Ngoài ra, sau khi tiêm chủng anh cần lưu ý thực hiện theo dõi các phản ứng sau tiêm theo như các hướng dẫn của Bộ Y tế và bác sĩ tại nơi anh đã tiêm chủng.
Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!

Tôi đã từng đi tiêm vaccine Covid-19, nhưng do huyết áp tôi cao hơn 140mmHg nên được yêu cầu tiêm tại các trung tâm y tế hoặc bệnh viện. Vậy cho tôi hỏi, thời gian được tiêm tại các trung tâm y tế và bệnh viện? Thủ tục đăng ký để tiêm chích ra sao?

Lê Hoàng Lộc, 41 tuổi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

BS. Ngô Thị Kim Phượng

Chào anh,
Nếu chỉ số huyết áp cao hơn 140/ 90mmHg, anh nên đến bệnh viện để được tư vấn điều trị cho huyết áp giảm xuống thấp hơn 140/90 mmHg và được tiêm vaccine tại các cơ sở tổ chức tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Nếu anh muốn tiêm tại bệnh viện thì nên liên hệ và chờ thông báo của cơ quan nhà nước để được tiêm phòng.

Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!

Tôi và vợ đã chích vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca mũi thứ nhất. Tôi nghe mọi người nói loại này hay bị biến chứng máu vón cục rất nguy hiểm và mũi thứ hai nên chích loại khác như Pfizer hay Moderna. Thông tin này có đúng không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Kualavn, 52 tuổi, TP Hồ Chí Minh

BS. Lê Thị Minh Nguyệt

Chào anh/chị

Anh/chị đã tiêm một mũi vaccine Covid-19 AstraZeneca. Hiện tại, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về việc tiêm ngừa vaccine Covid-19, khuyến cáo nên hoàn tất phác đồ 2 mũi vaccine Covid-19 với cùng loại vaccine, chưa có khuyến cáo chích mũi thứ hai khác loại. Do đó, nếu anh/chị đã đến lịch hẹn tiêm mũi tiếp theo của vaccine Covid-19, anh/chị nên hoàn tất phác đồ với cùng loại vaccine để bảo vệ cơ thể trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Về biến chứng huyết khối mà anh/chị lo lắng, hiện tại vaccine AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép lưu hành rộng rãi. Do đó, vaccine hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Biến chứng huyết khối sau tiêm vaccine là có, tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp, hiếm gặp và vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh và tử vong ngày một tăng, lợi ích mang lại khi tiêm vaccine lớn hơn nhiều. Do đó, bác sĩ khuyên anh/chị nên tiêm ngừa theo lịch hẹn của y tế địa phương, không nên hoãn tiêm để chờ một loại vaccine khác.

Vaccine Covid-19
 
 

Phụ nữ sau khi tiêm vaccine Covid-19 bao lâu có thể mang thai? Em cảm ơn.

Nguyễn Thị Minh, 28 tuổi, TP.HCM

BS. Ngô Thị Kim Phượng

Chào chị,

Nếu như chị có kế hoạch dự kiến mang thai, chị nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước và nên tiêm đủ phác đồ 2 mũi theo quy định của Bộ Y tế. Sau khi hoàn thành lịch tiêm chủng, chị có thể mang thai ngay, tuy nhiên, tốt nhất chị nên để một tháng sau tiêm, vì trong khoảng thời gian một tháng đó theo sẽ theo dõi những phản ứng phụ sau tiêm (nếu có).

Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!

BS Kim Phượng 2
 
 

Tôi bị dị ứng với bột ngọt nêm nếm trong thức ăn. Xin hỏi bác sĩ tôi có nên tiêm vaccine Covid-19 không. Xin cảm ơn bác sĩ.

Lê Trang, 46 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM

BS. Hà Mạnh Cường

Chào bạn

Người có tiền sử dị ứng thuộc đối tượng cẩn trọng trong tiêm chủng vaccine Covid-19. Bạn cần được tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng có đủ khả năng cấp cứu ban đầu. Trước khi tiêm bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử dị ứng cũng như mức độ dị ứng của mình cho bác sĩ khám sàng lọc biết để đánh giá và chỉ định tiêm an toàn. Nếu bạn bị dị ứng nặng (phản vệ độ II) với triệu chứng khó thở, nôn/buồn nôn, tụt huyết áp, đau quặn bụng... phải điều trị cấp cứu trong bệnh viện thì thuộc nhóm chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi tiêm mũi một AstraZeneca thì 21 ngày sau tiêm mũi 2 được không?

Nguyen Minh Trang, 48 tuổi, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào anh/chị,
Với vaccine Covid-19 AstraZeneca, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều được khuyến cáo là 4-12 tuần. Do vậy, anh/chị vẫn chưa thể tiêm mũi vaccine thứ hai ngay sau 21 ngày.
Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!

Tôi bị hen suyễn mãn tính. Mỗi tối, tôi thường xịt thuốc. Hiện tại sức khỏe tôi rất tốt. Tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không? Công việc của tôi thường phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân.

Nguyễn Thị Hồng Vân, 44 tuổi, Quảng Bình

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Đối với các bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD vẫn có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 nếu tính trạng bệnh đang điều trị ổn định, sức khỏe tốt. Điều quan trọng là anh/chị phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng đặc biệt là các dấu hiệu của phản vệ. Anh/chị cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 -28 ngày sau tiêm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sau tiêm nghiêm trọng.

Tôi đang điều trị cao huyết áp, mỡ máu, ối loạn lo âu (đang uống thuốc). Đồng thời, tôi dị ứng một số kháng sinh, dị ứng các chất bảo quản tôm (ăn tôm chết ở siêu thị là bị nổi ngứa ở lưng và mặt). Xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi có chích vaccine Covid-19 được không ạ Em cám ơn!

Hà Ngọc Huyền, 46 tuổi, TP.HCM

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào chị,
Hiện tại, nếu bệnh cao huyết áp, rối loạn lo âu của chị chưa điều trị ổn định, chị cần trì hoãn tiêm chủng trong thời gian này. Chị có thể được tiêm ngừa vaccine Covid-19 khi bệnh đã ổn định. Chị có tiền sử dị ứng với một số loại kháng sinh và chất bảo quản nếu không ở mức độ phản vệ nặng (từ độ 2 trở lên) vẫn được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế đủ năng lực cấp cứu ban đầu.

Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị huyết áp thấp và thiểu năng tuần hoàn não nhẹ. Hiện tại chưa phải điều trị bệnh huyết áp, còn thiểu năng tuần hoãn não cũng ở dạng nhẹ nên bác sĩ chủ yếu cho giảm đau khi xuất hiện đau đầu và thuốc bổ não. Vậy tiêm vaccine Covid-19 đối với tôi có an toàn không? Nếu tiêm tôi cần quan tâm ...

Đỗ Thị Hải Yến, 34 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Bác sĩ Đoàn Thúy Mai

Chào chị,
Với trường hợp của chị theo mô tả không thuộc nhóm chống chỉ định hay hoãn tiêm vaccine Covid-19, tuy nhiên, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các chỉ số sức khỏe của chị khi thăm khám trực tiếp để có chỉ định phù hợp nhất.
Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!