VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Chủ nhật, 16/2/2025

Tôi có bị dị ứng với thuốc hạ sốt có tiêm được vaccine Covid-19 không? Xin cảm ơn các bác sĩ!

phtchc, 40 tuổi, Phù Ninh, Phú Thọ

BS. Dương Bích Tuyền

Chào bạn,

Trong trường hợp của bạn thì bạn chưa cung cấp thông tin bị ứng mức độ nào với thuốc Paracetamol, cần phải cung cấp đầy đủ các triệu chứng gặp phải khi bạn sử dụng thuốc như:

+ Nếu bạn bị dị ứng nhẹ tức chỉ có vấn đề nổi mẩn ngứa da niêm mạc thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì bạn thuộc nhóm thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên bạn sẽ tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực cấp cứu ban đầu và bạn cần phải cung cấp đầy đủ các triệu chứng về dị ứng gặp phải cho bác sĩ khám sàng lọc để được tư vấn cụ thể và rõ ràng hơn.

+ Nếu bạn bị dị ứng nặng như ngoài nổi dị ứng da niêm, còn có kèm thêm khó thở, tức ngực, buồn nôn, nôn ói, tụt huyết áp, kích thích... thì bạn thuộc nhóm chống chỉ định với vaccine Covid-19.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Trân trọng!

Em bị dị ứng ăn cua, ghẹ triệu chứng sưng phù mắt, khó thở. Mỗi lần bị dị ứng, em uống thuốc ngày hôm sau bình thường. Em có tiêm vaccinne Covid-19 được không?

Nhật Thống, 30 tuổi, TP. Thủ Đức

BS. Nguyễn Thị Trang

Chào bạn,

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn bị dị ứng với thức ăn cua, ghẹ nhưng không phải điều trị cấp cứu cũng như nhập viện điều trị, mỗi lần như vậy chỉ cần uống thuốc là hôm sau bình thường. Bạn vẫn được tiêm chủng nhưng phải thật sự cẩn trọng, cần tiêm chủng ở trong bệnh viện nơi có đủ điều kiện cấp cứu nếu chẳng may có phản vệ xảy ra (mặc dù rất hiếm). Khi khám, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết điều này và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.


Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Trường hợp người bị bệnh đau đầu, rối loạn tiền đình hay mất ngủ, chóng mặt có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn.

Nguyễn Văn Nhu, 46 tuổi, Bình Thuận

ThS Nguyễn Diệu Thúy

Chào Anh/Chị,

Nếu hiện tại, Anh/Chị đang bị đau đầu, mất ngủ, chóng mặt chưa kiểm soát được thì cần trì hoãn tiêm chủng trong thời gian này. Anh/Chị cần được điều trị chuyên khoa để ổn định bệnh. Vaccine Covid-19 có thể được chỉ định khi bệnh của Anh/Chị đã thật sự ổn định. Bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng sẽ trực tiếp đánh giá tình trạng sức khỏe của Anh/Chị để có thể chỉ định vaccine và tư vấn cụ thể.

Chúc anh/chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị huyết áp cao đã ổn định trên 8 năm do uống thuốc huyết áp của bệnh viện điều trị. Cách đây khoảng 5 năm, tôi bị dị ứng với kháng sinh. Mỗi lần cần dùng kháng sinh khi điều tri bệnh, bác sĩ thường cho tôi dùng thuốc hoặc các kháng sinh khác (trừ các loại dị ứng) và tôi đều bình thường. ...

Trần Ánh Sáng, 64 tuổi, TP.HCM

ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Trường hợp của anh/chị có bệnh nền cao huyết áp đã được điều trị ổn định, tuy nhiên do anh/chị có dị ứng thuốc kháng sinh và không cho biết mức độ dị ứng của các loại kháng sinh này như thế nào? Nếu mức độ dị ứng của anh/chị phải nhập viện để điều trị ở mức độ là độ 2, theo QĐ-2995 của Bộ Y tế thì đây là trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Còn nếu chỉ dị ứng nhẹ nhàng sau đó tự khỏi hay chỉ điều trị tại nhà, thì anh/chị vẫn có thể tiêm ngừa nhưng nên tiêm tại bệnh viện hay các cơ sở có đủ điều kiện cấp cứu ban đầu.
Hiện tại, nhà nước đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Astrazeneca và với loại vaccine này anh/chị vẫn tiêm được theo khuyến cáo ở trên.
Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!


Tôi có bệnh nền huyết áp cao và thiếu máu cơ tim, có uống thuốc mỗi ngày theo toa của bác sĩ điều trị. Tôi muốn hỏi có nên chích vaccine AstraZeneca không?

Quế, 51 tuổi, TP.HCM

BS. Nguyễn Thùy Hải Vân

Chào chị,

Đối với tình trạng sức khỏe của chị, nếu bệnh huyết áp và thiếu máu cơ tim của chị đã ổn định thì chị có thể tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu cơ tim của bác đang dùng thuốc kháng đông thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chị nên chích ngừa trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Chị cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề sức khỏe của mình để bác sĩ khám, đánh giá và chỉ định vaccine an toàn.

Cám ơn chị. Trân trọng!

Tại sao phụ nữ cho con bú lại hoãn tiêm vaccine Covid-19? Theo em đọc được WHO khuyến cáo là tiêm vaccine này không ảnh hưởng tới em bé bú mẹ, mà không biết họ nói có bao gồm AstraZenneca là vaccine sống giảm độc lực không? Vì em có con 13 tháng nên đã cho bé ăn dặm, bú mẹ chỉ kèm thêm. Em ...

Vũ Nghi Linh, 32 tuổi, TP.HCM

ThS Nguyễn Diệu Thúy

Chào Chị,

Vaccine Covid-19 nói chung và vaccine Covid-19 của AstraZeneca/ Pfizer không phải vắc xin sống giảm động lực, nhưng hiện nay, do đây là vaccine Covid-19 là vaccine mới nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có thống kê vaccine có truyền qua sữa mẹ hay không. Theo hướng dẫn của Bộ y tế, những phụ nữ đang nuôi con bằng sữa sẽ hoãn tiêm chủng trong thời gian này và đang chờ hướng dẫn mới của Bộ Y tế có thể mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vậy trong giai đoạn này, bạn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch hiệu quả khác như thông điệp 5K của Chính phủ và Bộ Y tế.

Chúc Chị và gia đình sức khỏe.

Tôi thường bị dị ứng thuốc khi uống thuốc điều trị cảm cúm, triệu chứng gồm nóng, ngứa, sưng phù mắt, khó thở. Mỗi lần bị dị ứng, tôi uống thuốc điều trị dị ứng, khoảng một ngày là trở lại bình thường. Tôi có tiêm được vaccine Covid-19 không?

kienqh, 48 tuổi, Đồng Nai

BS. Lô Thị Quê

Chào anh/chị,

Tình trạng dị ứng của anh/chị có thể tiêm ngừa được vaccine Covid-19. Tuy nhiên, anh/chị thuộc đối tượng cẩn trọng cần được tiêm ngừa tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có năng lực cấp cứu ban đầu. Trước khi tiêm anh/chị cần cung cấp tiền sử dị ứng của anh/chị cho bác si khám sàng lọc để được hướng dẫn và chỉ định tiêm an toàn. Sau khi tiêm, anh/chị cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi sau tiêm đặc biệt là phát hiện sớm các dấu hiệu của phản vệ.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!

Tôi bị dị ứng thuốc kháng sinh rất nặng thì có tiêm vaccine Covid-19 được hay không ?

Đặng Văn Thanh, 49 tuổi, Buôn Ma Thuột

BS. Lê Thị Ánh Nguyệt

Chào anh/chị,

Với thông tin mà anh/chị cung cấp về tình trạng dị ứng kháng sinh Cotrim, Ciprofloxacin rất nặng của anh/chị, chúng tôi chưa rõ mức độ, triệu chứng cụ thể như thế nào, có ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, tụt huyết áp, tiêu hóa, tri giác,... hay không, có cần điều trị cấp cứu và nhập viện, nếu có thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế, anh/chị thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Nếu mức độ dị ứng nhẹ hơn, chỉ là những triệu chứng ngứa, mẩn đỏ, phù niêm...(phản vệ độ 1) thì anh/chị thuộc đối tượng cần cẩn trọng khi tiêm chủng và cần tiêm chủng trong bệnh viện nơi có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu. Khi khám anh/chị cần thông báo cụ thể tiền sử dị ứng của mình cho bác sĩ biết để bác sĩ đánh giá và chỉ định vaccine chính xác.

Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!

Mình đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 ngày 22/6. Mình được tiêm vào trưa, đến tối mọi thứ vẫn ổn. Vì có bệnh rối loạn lo âu và đau nửa đầu, mình uống thuốc từ năm 2014 đến nay. Hôm chích ngừa, buổi sáng mình đã không uống, nên chiều mình uống liều thuốc của buổi sáng, mọi chuyện vẫn ổn.

...
Hà Phạm Anh Thư, 42 tuổi, TP.HCM

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Chào bạn,

Theo những thông tin mà bạn chia sẻ thì bạn vẫn nên tiếp tục tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 2. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn các triệu chứng như khó thở, tức ngực, run rẩy, chóng mặt chỉ xuất hiện sau khi uống các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu và đau nửa đầu (uống 1/4 viên paroxetine 200mg, 1/4 viên Lexomil, Beroca) được 15-20 phút. Vì vậy bạn nên đi tái khám và hỏi thêm ý kiến bác sĩ điều trị. Ngoài ra, khi đến tiêm chủng liều 2, bạn phải cung cấp các thông tin này của bạn cho bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng để bác sĩ cân nhắc cho chỉ định tiêm chủng ngay hoặc tiêm chủng tại bệnh viện.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị dị ứng với thuốc kháng sinh khá nặng, bị sốc phản vệ và phải cấp cứu hai lần. Tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không?

Phan Quốc An, 58 tuổi, TP.HCM

BS Hoa Tuấn Ngọc

Chào anh/chị,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất đối với người có tiền sử phản ứng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ tác nhân nào là chống chỉ định đối với vaccine Covid-19. Vì vậy, rất tiếc anh/chị sẽ không được tiêm chủng vaccine. Bạn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả khác như tuân thủ thông điệp 5K của Chính phủ.

Kính chúc bác nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Năm ngoái, em có điều trị lao phổi trong 6 tháng và hiện tại đã ngừng uống thuốc được 6 tháng. Em có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19 được không?

Thu Hương, 30 tuổi, TP.HCM

BS. Đỗ Anh Tuấn

Chào bạn

Bạn đã điều trị lao phổi và đã dừng điều trị 6 tháng hoàn toàn có thể được tiêm vaccine Covid-19. Bác sĩ khám sàng lọc sẽ khám và đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn như các chỉ số như huyết áp, nhịp thở, nhịp tim ... và các cơ quan khác nếu các chỉ số trong giới hạn cho phép, các cơ quan không có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm chủng. Sau khi tiêm chủng, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi các phản ứng sau tiêm, đồng thời ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tập thể dục với cường độ mạnh và làm việc quá sức.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Trước khi tiêm vaccine Covid-19, mình đo huyết áp, nhân viên y tế báo huyết áp cao. Mình có được uống thuốc hạ huyết áp để huyết áp ổn định rồi tiến hành tiêm vaccine không? Chân thành cảm ơn.

Jessica, 41 tuổi, TP.HCM

BS. An Diệu Huyền

Chào anh/chị,

Với tình trạng huyết áp cao của anh/chị, tôi chưa rõ đây là lần đầu tiên phát hiện cao huyết áp hay đã có tiền sử cao huyết áp từ trước. Nếu như anh/chị phát hiện cao huyết áp khi được khám sàng lọc tiêm phòng vaccine Covid-19, anh/chị nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Nếu đã có tiền sử cao huyết áp và dùng thuốc thường xuyên, tình trạng huyết áp đã ổn định, anh/chị vẫn đủ điều kiện tiêm phòng vaccine Covid-19; nhưng nếu huyết áp tại thời điểm khám sàng lọc cao, anh/chị có thể được chuyển tiêm vaccine Covid-19 tại khối bệnh viện.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Trân trọng!

Có được uống thuốc hạ huyết áp để huyết áp ổn định rồi tiến hành tiêm vaccine không
 
 

Tôi bị bệnh đau đầu, đau tiền đình hay mất ngủ, chóng mặt có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn.

ngoclinh2081, 33 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào anh/chị

Đối với những trường hợp rối loạn tiền đình thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mất ngủ cần phải đảm bảo được tình trạng sức khỏe tốt ngay tại thời điểm tiêm ngừa vaccine. Mặt khác, theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong trường hợp này cần được tiêm vaccine tại những cơ sở trong bệnh viện hoặc cơ sở có điều kiện cấp cứu ban đầu tốt, để anh/chị có thể yên tâm hơn trong quá trình chích ngừa.

Vaccine Covid-19
 
 

Bác sĩ cho em hỏi tại sao phụ nữ mang thai và mẹ đang cho con bú lại hoãn tiêm vaccine trong khi hai đối tượng này nếu mắc Covid-19 rất nguy hiểm ạ?

Sang Nguyen, 37 tuổi, TP.HCM

BS. Lô Thị Quê

Chào bạn

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối tượng đang mang thai và cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian này và chờ đợi hướng dẫn tiếp theo của Bộ Y tế. Vì vậy trong giai đoạn này, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch hiệu quả khác như thông điệp 5K của Chính phủ.

Cảm ơn hỏi của bạn. Trân trọng!

Con trai tôi bị dị ứng phải nhập viện hai lần (một lần ăn ghẹ lột đông lạnh, một lần ăn tôm, nhưng sau này ăn tôm không sao) thì có chích vaccine được không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!

Phan Thi Thu Ha, 49 tuổi, Gò Vấp, TP HCM

BS. Nguyễn Thùy Hải Vân

Chào bạn

Theo như lời bạn kể, cả 2 lần con trai bạn phải nhập viện điều trị vì dị ứng hải sản (chưa rõ mức độ dị ứng là độ 1 hay độ 2 trở lên), nếu độ 1 (triệu chứng nhẹ như ngứa, mẩn đỏ ở da niêm...) chị nên cho con trai chị tiêm tại bệnh viện.

Tuy nhiên, với trường hợp con trai chị có phản ứng phản vệ độ 2 trở lên (mức độ nặng với triệu chứng khó thở, khò khè, đau quặn bụng, nôn/buồn nôn...phải nhập viện cấp cứu) thì sẽ chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid- 19.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe.

Tôi năm 36 tuổi, mang thai 32 tuần bị tiền sản giật liệt nửa người bên trái. Tôi đã phẫu thuật đưa con gái ra ngoài tại bệnh viện và xuất viện về nhà nuôi lớn khỏe mạnh.

Tôi được bệnh viện chữa trị, bị vỡ mạch máu và liệt nửa người được phẫu thuật hai lần kẹp stent hai bên thái dương. Hai ...

Nguyễn Thị Trường An, 47 tuổi, TP.Thủ Đức

BS.Lê Thị Trúc Phương

Chào chị,

Đối với trường hợp của chị, bác sĩ cần chị cung cấp thêm về tình trạng kiểm soát huyết áp với liều thuốc chị đang dùng. Vì theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chị cần phải được khám sàng lọc kỹ trong bệnh viện, cần đánh giá thêm về huyết động để có hướng dẫn và chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Sau khi tiêm vaccine Covid-19, phản ứng phụ nghiêm trọng của vaccine có thể gặp là huyết khối giảm tiểu cầu (tuy rất hiếm), điều này có thể nặng hơn đối với người có tiền sử bệnh lý huyết khối đang mắc. Ngoài ra, bác sĩ phải đánh giá tình trạng dùng thuốc chống đông đang sử dụng (nếu có)... Do đó, nếu sau khi khám sàng lọc và đánh giá sinh hiệu chị ổn định và được tiêm chủng vaccine Covid-19. Chị cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của huyết khối sau tiêm chủng 28 ngày. Nếu chị gặp bất kỳ triệu chứng nào như đau đầu dữ dội, không đáp ứng với thuốc, dấu hiệu thần kinh khu trú, nhìn mờ, nhìn đôi, đau tức ngực, khó thở, đau bụng dữ dội, phù chi, bầm máu... chị cần đến ngay bệnh viện để được xử trí sớm.

Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!

Tháng 3, tôi phát hiện bị huyết áp cao 190. Từ đó đến nay, tôi uống thuốc đầy đủ, ăn uống theo hướng dẫn để tốt nhất ổn định huyết áp. Tôi đi bộ, chạy nhẹ nên sau một tháng huyết áp tôi trở về dao động 120-130. Hiện nay, tôi uống thuốc của bác sĩ ở bệnh viện, trong thuốc có loại chống đông ...

Nguyễn Thị Thuý, 46 tuổi, Quận 12, TP.HCM

BS. Dương Bích Tuyền

Chào chị,

Hiện tại, chị có đang dùng thuốc Huyết áp và thuốc kháng đông. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế thì những người dùng thuốc chống đông thì vẫn được tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên những người này thuộc nhóm thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19, cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức ban đầu.

Ngoài ra, chị phải thông báo về liệu trình dùng thuốc và bệnh lý điều trị của chị cho bác sĩ khám sàng lọc để được tư vấn rõ ràng hơn và cụ thể hơn. Chị không cần phải ngưng sử dụng thuốc để được tiêm vaccine Covid-19.

Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Tôi bị cao huyết áp tâm lý theo hội chứng áo choàng trắng, tức huyết áp và mạch đập nhanh khi được nhân viên y tế thăm khám chứ ở nhà thì chỉ số huyết áp và mạch vẫn bình thường. Tôi rất muốn tham gia tiêm vaccine Covid-19 nhưng khi khám sàng lọc sức khỏe lại không đủ điều kiện tiêm do huyết áp ...

Lê Thị Hồng Hạnh, 57 tuổi, TP. HCM

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào chị,
Trước hết, chị cần đi khám chuyên khoa tim mạch để loại trừ các nguyên nhân. Nếu nguyên nhân chỉ do tâm lý, chị hãy cố gắng thư giãn, không lo lắng căng thẳng quá, tránh tạo áp lực cho bản thân khi đi tiêm. Chúc chị khỏe mạnh.

Tôi bị dị ứng thuốc kháng sinh có chích ngừa vaccine Covid-19 được không?

Trần Ngọc Thanh, 39 tuổi, Bình Chánh

BS. Lâm Sơn Hải

Chào bạn

Với trường hợp của bạn, bạn cần cung cấp thêm thông tin về tình trạng, triệu chứng, mức độ dị ứng với Ampiccilin như thế nào để bác sĩ khám sàng lọc sẽ có chỉ định tiêm chủng ngay hoặc chuyển tiêm bệnh viện hoặc chống chỉ định tiêm dựa vào mức độ dị ứng của bạn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những đối tượng có tiền sử phản vệ nặng (độ II trở lên) sẽ chống chỉ định tiêm ngừa vaccine phòng bệnh Covid-19. Nếu phản vệ nhẹ (chỉ có biểu hiện da niêm) sẽ cần thận trọng khi cho chỉ định tiêm ngừa vaccine phòng bệnh Covid-19. Vì vậy bạn nên đến tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu và phải cung cấp đầy đủ các triệu chứng mắc phải khi dị ứng Apicilin để bác sĩ cân nhắc cho chỉ định.

Cám ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn sức khỏe!

Tôi 45 tuổi, bị bướu cổ basedow cách đây 18 năm, xạ trị liều nhỏ gần 10 năm và bệnh đã ổn định được một thời gian. Sau đó, bệnh chuyển sang suy giáp. Bệnh suy giáp của tôi hiện ổn định nhưng mỗi ngày vẫn phải uống thuốc. Huyết áp của tôi thấp thường hơn 90/60, sợ lạnh và hay có cảm giác mệt ...

Thủy Nguyễn, 45 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Chào chị,
Trường hợp của chị bệnh suy giáp đang điều trị ổn định có thể được chỉ định tiêm vaccine Covid-19 bình thường. Nhưng trước khi tiêm, bác sĩ khám sàng lọc sẽ đánh giá các dấu hiệu sinh tồn của chị như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nghe tim, phổi. Điều này giúp đánh giá chị có đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 hay không.
Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!