VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 9/5/2025

Tôi bị dạ dày nhiều năm, đã đi thăm khám nhiều nơi. Gần đây tôi có nội soi và cắt polip dạ dày, cắt xong tôi đã điều trị bằng thuốc tây nhiều ngày nhưng không đỡ. 5 tháng trở lại đây có hiện tượng trào ngược, gây tức ngực, nghẹn cổ. Hơn 1 tháng đổ lại sinh ra ứa nước bọt nhiều, đắng miệng ...

Trần Hữu, 40 tuổi

ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm

Chào bạn!

Trường hợp của bạn có thể là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh này và polyp dạ dày là 2 bệnh khác nhau. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất dễ tái đi tái lại. Khi bạn ăn uống thất thường hay bị stress về tinh thần hay thể chất, bệnh có thể bị lại. Do đó, bạn luôn cần giữ tinh thần thoải mái, kiên nhẫn điều trị kết hợp điều chỉnh thói quen ăn uống: ăn uống điều độ, kiêng thức ăn chua cay, rượu bia, không ăn no quá mà chia thành nhiều bữa, ăn no không nằm liền, nằm lưng dốc lên 30 độ. Nếu tình trạng không cải thiện thì cần xem xét phẫu thuật.

Chúc bạn mau khỏi bệnh. Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Hiện tại chồng tôi đang bị khủng hoảng tâm lý do làm ăn khó khăn. Anh bị mất ngủ triền miên khoảng gần 2 tuần nay, ngày cũng không thể ngủ, ăn kém và hay tức bụng, đầy ợ hơi. Chồng tôi có ngâm chân muối gừng, mát xa da đầu, uống các loại thực phẩm mát chữa mất ngủ nhưng không ăn thua. Xin ...

Nguyễn Phương Mai, 33 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Chào chị!

Chồng chị có dấu hiệu căng thẳng tinh thần (stress tâm lý) quá mức gây ra chứng mất ngủ, rối loạn tiêu hoá, thậm chí có thể bị viêm loét dạ dày. Theo tôi, chồng chị nên tham vấn với chuyên gia tâm lý, kết hợp khám chuyên khoa tiêu hoá. Khi bản thân anh khó có thể tự mình thoát khỏi tình trạng căng thẳng thì tốt nhất nên nhờ sự giúp đở của các chuyên gia.

Chúng tôi cũng rất tiếc không thể thông qua kênh tư vấn gián tiếp như vậy có thể giúp nhiều cho anh chị, nhưng chúng tôi có thể khuyên anh chị nên đi đến thăm khám với các chuyên gia. Nhất là vấn đề sức khoẻ tinh thần dễ đi đến mức trầm trọng khó chữa và tốn thời gian để hồi phục. Chúng ta không thể chỉ nghe mách vài loại thuốc an thần uống mà không có liệu pháp khoa học sẽ dẫn đến lệ thuộc thuốc hoặc nghiện thuốc thì rất phiền toái về sau. Chứng khó tiêu chướng bụng thì có thể chữa khỏi, nhưng nếu trạng thái tinh thần không cải thiện thì sẽ tái phát lại. Mong anh chị sớm đi khám với các chuyên gia như tôi vừa nói, được điều trị hợp lý, thoát khỏi tình trạng này.

Trân trọng!

Em bị ho nhiều đắng họng, thường xuyên bị viêm họng viêm thanh quản, em đi nội soi ở Bạch Mai và khám họng bác sĩ chẩn đoán là em bị trào ngược, em đã uống mấy đơn thuốc của bác sĩ kê nhưng không khỏi. Em phải làm gì để khỏi được bệnh của em ạ. Cảm ơn bác sĩ.

Trần Thị Oanh, 40 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Chào chị!

Bác sĩ khám cho chị đã có hướng chẩn đoán chị bị trào ngược dạ dày - thực quản, có lẽ đúng là như vậy.Thế nên chị nên theo liệu trình điều trị của bác sĩ và chị cần phản hồi cho bác sĩ của chị biết tình trạng bệnh chưa giảm để có thể khám thêm chuyên khoa tiêu hoá và có thể nội soi thực quản dạ dày, test H.pylori (H.P).

Do chúng tôi chưa rõ chị đã nội soi gì, soi tai mũi họng hay thực quản dạ dày, cũng như đã dùng các loại thuốc như thế nào. Vì dù có chẩn đoán đúng bệnh nhưng thuốc thì còn tuỳ cơ địa mỗi người lại khác nhau nên đáp ứng điều trị chưa đạt, cần có thời gian đánh giá hiệu quả, cần thiết sẽ thay đổi thuốc hoặc thêm các nhóm thuốc khác. Chị cần tái khám để các bác sĩ phối hợp điều trị đúng chuyên khoa và xử lý vấn đề còn tồn tại của chị được triệt để.

Hy vọng chị sớm khỏi bệnh! Trân trọng!

Tôi nghe nói ăn phải đồ ăn rang cháy, chiên, nướng có thể bị ung thư. Tôi thích uống cà phê nhưng lại sợ cà phê rang cháy có thể gây ung thư. Xin bác sĩ cho biết cà phê có thể gây ung thư không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Trung Bui, 28 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Như bạn đã biết, một số đồ ăn rang cháy, chiên, nướng hoặc những thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ gây ung thư, ví dụ như thịt nướng, thịt hun khói... Riêng vấn đề cà phê rang cháy, trước đây cũng đã có những tranh cãi về vấn đề đồ uống này có gây ung thư hay không, tuy nhiên vấn đề tranh cãi liên quan đến ung thư phổi chứ không phải ung thư đường tiêu hóa.
Cuối cùng, đại học Harvard đã kết luận cà phê rang cháy ko liên quan đến nguy cơ gây ung thư. Nói chung, đến hiện tại chúng ta không có bằng chứng loại thực phẩm này gây ung thư.

Trân trọng.

BS Thai - Cau 08
 
 

Tháng 5/2019, em có cắt nội soi polyp dạ dày. Tháng 2/202, em bị HP và uống thuốc một tháng đã âm tính. Kể từ đó đến nay, em chưa đi kiểm tra lại lần nào. Thời gian này, em ăn gì cũng dễ bị nôn ra, không đau dạ dày nhưng hay bị tức vùng bên phải ở phía trên.

Em xin hỏi ...

Nguyễn Tí Nị, 37 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, về vấn đề điều trị HP, HP sau khi điều trị khỏi vẫn có khả năng tái phát với tỷ lệ trung bình ở Việt Nam rơi vào khoảng 70% (đến từ văn hóa hay ăn uống chung của người Việt). Bạn có biểu hiện gần đây là đau lệch sang vùng bên phải thì ngoài vấn đề dạ dày, tôi nghĩ bạn nên đến bác sĩ khám và kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân khác như bệnh đường mật hay đại tràng.

Về vấn đề cắt polyp và nội soi dạ dày, với thông tin bạn cung cấp, tôi chưa thể đưa ra khuyến cáo bạn có nên kiểm tra lại hay không bởi điều này phụ thuộc vào đặc điểm các polyp từng được cắt. Khi bác sĩ soi trên kính hiển vi sẽ đưa ra kết luận về đặc điểm loại sang thương và phân loại nguy cơ của nó. Tùy theo sang thương mà bạn có thể cần đi soi lại sớm hơn, trung bình 2-3 năm/lần.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 06.
 
 

Khoảng mấy tháng trước, tôi có bị đi ngoài ra máu tươi, kéo dài vài ngày thì hết. Xin hỏi tôi bị bệnh gì?

Cong Luan Nguyen, 41 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Với tình trạng đi cầu ra máu trong thời gian ngắn như vậy thì mình sẽ hướng đến các bệnh lành tính của vùng hậu môn trực tràng, ví dụ như trĩ, nứt hậu môn hoặc viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên đi thăm khám, kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân ác tính để an tâm hơn.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

BS Thai - Cau 07
 
 

Tôi hay nấc cục và khám bị trào ngược dạ dày, kéo dài gần cả năm. Hiện giờ, tôi lại bị đau một bên hầu họng và rát lưỡi, có mụn nhỏ đầu lưỡi khóe miệng trên môi. Tôi đã đi khám nhiều nơi bao gồm các bệnh viện lớn và phòng khám tư tại TP HCM nhưng không hết đau rát. Khi uống thuốc ...

Lê Liên, 61 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, bao gồm viêm hầu họng và viêm thanh quản. Các triệu chứng bạn mô tả thì chủ yếu ở vùng lưỡi và miệng nên tôi khuyên bạn nên đi khám tai mũi họng sớm, để bác sĩ có thể khám, tư vấn và tìm ra nguyên nhân cho bạn.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 05
 
 

Tôi từng có bệnh lý viêm loét dạ dày có HP, hiện đã chữa khỏi viêm loét và hết HP được một năm. Tôi nên định kỳ nội soi tầm soát bệnh lý dạ dày và ung thư dạ dày bao lâu một lần? Xin cảm ơn.

Ngọc Ly, 46 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Người bị viêm dạ dày mãn tính có HP được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bạn đã điều trị khỏi thì có thể tạm thời xem bạn như một đối tượng bình thường khác. Chúng tôi không có đủ thông tin để khuyến cáo bạn có nên nội soi hay không.

Thông thường, nội soi dạ dày sẽ bắt đầu với những bệnh nhân 50 tuổi trở lên. Những trường hợp bị viêm dạ dày mãn tính có thể soi 2-3 năm/lần.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

BS Thai - Cau 03
 
 

Tôi thỉnh thoảng đại tiện ra máu. Cách đây 5 năm, tôi đã nội soi đại tràng không bị gì. Hiện giờ, tôi có nội soi đại tràng lại được chưa và nội soi tại bệnh viện ở Đà Nẵng có đảm bảo chẩn đoán tiền ung thư được không vậy bác sĩ?

Trần Mạnh Hùng, 56 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Bạn mô tả là bạn có triệu chứng đi tiêu ra máu, sau một thời gian ngắn thì hết, đã nội soi đại tràng và kiểm tra không phát hiện sang thương. Tôi nghĩ với những thông tin như vừa rồi, mình nên hướng đến các bệnh lành tính của vùng hậu môn như trĩ hoặc nứt hậu môn.

Về nội soi đại tràng, điều này sẽ tùy thuộc vào bạn có các yếu tố nguy cơ hay không. Ví dụ trong gia đình bạn có người từng bị ung thư (như ba mẹ, anh chị em ruột) hoặc độ tuổi của bạn từ 50 tuổi trở lên thì bạn nên đi soi đại tràng để kiểm tra lại. Khoảng cách giữa những lần soi trung bình là 5 năm nếu như bạn không có những sang thương nghi ngờ ác tính.

Để phát hiện được các sang thương sớm cần có các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là thiết bị nội soi cần có những nguồn sáng như NBI hoặc LCI. Tôi không thể kết luận được là bệnh viện tỉnh có bảo đảm tầm soát, phát hiện được sang thương sớm được hay không vì điều này phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị và tay nghề của người thực hiện soi. Nhiều khi có những sang thương rất nhỏ, cần người nội soi có kinh nghiệm mới có thể phát hiện được sớm những sang thương đó.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 04
 
 

Tôi 34 tuổi chưa nội soi bao tử thì có nên nội soi hoặc CT scanner kiểm tra không? Tầm soát ung thư dạ dày, trực tràng, thực quản thường một năm một lần được không? Tôi ở TP HCM nên đến đâu tầm soát? Cảm ơn chuyên gia nhiều.

hien87it, 34 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Chào bạn!

Chế độ tầm soát ung thư dạ dày và đại tràng là 2 chế độ khác nhau. Thông thường, ung thư dạ dày sẽ cần tầm soát từ 2 - 3 năm/lần. Đối với ung thư đại tràng, ở những đối tượng từ 50 tuổi trở lên hoặc những đối tượng có nguy cơ cao (ví dụ trong gia đình có người thân bị ung thư) thì sẽ lấy số tuổi của người thân trừ đi 10 rồi so với 50, nếu số tuổi nào thấp hơn thì sẽ bắt đầu tầm soát từ năm đó. Nếu có kết quả đại tràng bình thường thì có thể soi lại 10 năm/ lần. Nếu kết quả ra polyp hay các sang thương có nguy cơ cao thì phải kiểm tra lại với thời gian ngắn hơn, từ 2-3 năm/lần.

Trong trường hợp của bạn, bạn mới chỉ cung cấp thông tin là bạn 34 tuổi thôi nên chúng tôi không có đủ thông tin khác để khuyến cáo. Nhưng nếu bạn không có yếu tố nguy cơ khác thì có thể bạn chưa cần thiết phải đi kiểm tra.

Về vấn đề CT scan để tầm soát, đối với ung thư đường tiêu hóa, việc tầm soát bằng nội soi thực quản dạ dày hoặc đại tràng là có độ chính xác cao nhất. CT scan chỉ được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân không chấp nhận nội soi hoặc có thể trạng kém, không chịu đựng được cuộc nội soi. Hiện tại, trên thế giới đã có những dàn máy nội soi hiện đại, có thể phát hiện những tổn thương, sang thương từ rất sớm bằng cách sử dụng các nguồn sáng đặc biệt gọi là NBI hoặc LCI. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã trang bị các hệ thống này, nếu bạn hoặc thân nhân muốn tầm soát thì có thể cân nhắc lựa chọn.

Trân trọng.

BS Thai - Cau 01
 
 

Tôi năm nay 46 tuổi, đi khám sức khỏe định kỳ (1 năm 1 lần). Năm 2020 xét nghiệm máu kết quả PSA là 1,7ng/ml. Tuy nhiên năm 2021 xét nghiệm máu có kết quả PSA là 14ng/ml (sau 1 năm chỉ số PSA tăng đột biến gấp 7 lần). Qua tìm hiểu tôi biết đó là một chỉ báo ung thư tiền liệt tuyến ...

Nguyễn Nguyên, 46 tuổi

BS.CKI Phan Trường Nam, Trung tâm Tiết niệu - thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

PSA (Prostate Specific Antigen) là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (TTL), giúp hoá lỏng tinh dịch và chỉ thấm vào trong máu với lượng rất ít.

PSA gia tăng khi TTL bị viêm, phì đại TTL, ung thư, sau đặt ống thông niệu đạo, sau sinh thiết TTL... vì vậy PSA đánh dấu đặc hiệu cho cơ quan chứ không đặc hiệu cho ung thư TTL. Nồng độ PSA thay đổi theo độ tuổi, tuổi từ 40 - 49 thì PSA trong giới hạn bình thường < 2,5ng/ml; 50 - 59 tuổi, nồng độ PSA < 3,5ng/mL; 60 - 69 tuổi, PSA < 4,5ng/ml; 70 - 79 tuổi, PSA < 6,5ng/mL).

Trường hợp của bạn, sau khi điều trị kháng sinh đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị viêm TTL, bạn cần xét nghiệm lại PSA, nếu nồng độ PSA không giảm bạn có thể làm thêm một số xét nghiệm cần khác như chụp MRI bụng chậu, sinh thiết TTL... Tốt nhất bạn cần được thăm khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa Tiết Niệu, tại các cơ sở y tế có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Người nhà tôi đang nghi ngờ ung thư dạ dày giai đoạn 2, được khuyên nên đi làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu ở bệnh viện ung thư. Cho tôi hỏi ung thư dạ dày hiện nay điều trị như thế nào và trong thời gian bao lâu? Khả năng chữa khỏi bệnh là bao nhiêu? Xin cảm ơn.

Khánh Trình, 28 tuổi

TS.BS Vũ Hữu Khiêm

Chào bạn!

Đối với ung thư dạ dày giai đoạn 2, bác sĩ sẽ đánh giá toàn bộ tình trạng bệnh của người nhà bạn, xem kĩ khối u đã xâm lấn đến các lớp nào, có di căn hay chưa, đặc biệt là có tình trạng di căn xa hay chưa.

Nếu đúng ung thư ở giai đoạn 2 thì phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, kết hợp nạo vét hạch. Sau khi phẫu thuật xong sẽ tiến hành điều trị hóa chất bổ trợ tùy theo thể mô bệnh học, mức độ di căn hạch, các bộc lộ dấu ấn miễn dịch.

Có nhiều phương pháp điều trị mới, tiến bộ trong ung thư dạ dày nhưng đối với giai đoạn 2 thì tốt nhất vẫn là phẫu thuật, sau đó điều trị hóa chất bổ trợ.

Trân trọng.

Chào bác sĩ, tôi năm nay 37 tuổi, vì công việc thường xuyên phải uống rượu bia nên dạ dày của tôi không được khỏe, tôi cũng đã uống các loại thuốc giảm đau dạ dày nhưng không khỏi dứt điểm. Dạo gần đây tôi đi khám thì được bác sĩ cho biết mình bị viêm loét dạ dày, bác sĩ bảo nếu không chữa ...

Tuấn, 37 tuổi

TS.BS Vũ Hữu Khiêm

Chào bạn!

Đúng là ung thư dạ dày có liên quan tới viêm loét dạ dày, đặc biệt là trong trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Trong trường hợp của bạn, chúng tôi chưa thấy bạn nói rõ là có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không.

Viêm loét dạ dày, đặc biệt các vị trí tổn thương như hang vị, bờ cong nhỏ, viêm loét lâu ngày, xơ chai dẫn đến loạn sản, dị sản rất dễ tiến triển thành ung thư. Bạn nên điều trị dứt điểm tình trạng viêm loét dạ dày bằng các thuốc kháng axit thế hệ mới, kết hợp kháng sinh để điều trị triệt để HP.

Ung thư dạ dày, cũng như các loại ung thư khác, nếu phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi được bệnh. Bạn nên đi tầm soát, soi dạ dày định kỳ. Bạn nên đi soi bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại ở các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống nội soi dạ dày với dải tần hẹp NBI, nhuộm màu ảo cũng như độ phóng đại lên đến hàng trăm lần, giúp nhìn rõ, chi tiết các tổn thương và tránh bỏ sót các tổn thương sớm giai đoạn đầu, đảm bảo quá trình điều trị tối ưu nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Trân trọng.

Mấy tháng gần đây, tôi cảm thấy rất khó nuốt thức ăn, thường phải ăn chậm, nhai kỹ và thường xuyên ăn cháo cho dễ nuốt, kèm theo cảm giác ợ nóng, rát bên trong cổ. Đây có phải là triệu chứng của ung thư hay không? Tôi nên làm xét nghiệm gì để kiểm tra? Xin cảm ơn.

Vy Nguyễn, 35 tuổi

TS.BS Trần Hải Bình

Chào bạn!

Với những triệu chứng bạn đã mô tả như ợ nóng, ợ rát, nuốt thức ăn khó, phải dùng thức ăn mềm..., bạn nên đi kiểm tra nội soi thực quản – dạ dày nhằm phát hiện những bệnh lý có thể dẫn đến các triệu chứng trên.

Những triệu chứng trên cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu ung thư. Tuy nhiên, muốn biết chính xác nhất thì chúng ta nên đi khám, kiểm tra tại cơ sở y tế. Bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để nội soi thực quản - dạ dày. Tại bệnh viện có các thiết bị nội soi dạ dày – thực quản bằng ống mềm, hiện đại nhằm phát hiện những tổn thương sớm nhất, thậm chí là những tổn thương dưới niêm nhằm đưa lại những hiệu quả điều trị tốt cho bạn.

Trân trọng!

Bố tôi bị ung thư dạ dày. Bây giờ, tôi 30 tuổi có cần đi khám tầm soát không? Nếu khám thì tôi phải khám những gì? Bệnh này có di truyền không ạ?

Huỳnh Như, 30 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Liêm

Chào bạn!

Hiện tại, có rất nhiều nhà khoa học đã có những nghiên cứu về vấn đề di truyền của ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có khẳng định nào thực sự rõ ràng về yếu tố di truyền đó.

Trong trường hợp của bạn, phải đặt thêm một câu hỏi nữa là bố bạn bị ung thư dạ dày năm bao nhiêu tuổi. Nếu bố của bạn bị ung thư dạ dày ở độ tuổi trẻ (ví dụ dưới 60 tuổi), chúng tôi khuyến cáo những người con của ông nên đi tầm soát bằng cách nội soi dạ dày để có chẩn đoán rõ ràng về tình trạng niêm mạc dạ dày.

Những người con của ông nên đi tầm soát ở độ tuổi ít hơn 15 tuổi so với tuổi của bố tại thời điểm ông được chẩn đoán ung thư. Ví dụ: ông bị ung thư dạ dày vào năm 60 tuổi thì con của ông ở độ tuổi 45 nên đi nội soi dạ dày. Ngoài ra, nếu trước tuổi 45 mà các bạn có các biểu hiện bất thường, đi ngoài phân đen, thiếu máu thiếu sắt thì bạn nên đi soi sớm để được thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể.

Trân trọng.

Ung thư đại trực tràng khi phát hiện sớm có chữa hết hoàn toàn được không? Nếu người bệnh ung thư đại trực tràng di căn cơ hội sống bao lâu thưa bác sĩ?

Vy Lê, 32 tuổi

TS.BS Trần Hải Bình

Chào bạn!

Không chỉ ung thư đại trực tràng mà tất cả các loại ung thư nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì đều có cơ hội chữa khỏi. Vì thế mà việc tầm soát, khám sàng lọc, kiểm tra định kỳ là hết sức quan trọng nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Đối với ung thư đại trực tràng đã di căn, với sự tiến bộ của y học hiện nay, chúng ta vẫn có thể chữa trị, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh bằng các phương pháp chữa hiện đại như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dùng thuốc điều trị đích... Với trường hợp ung thư đại trực tràng di căn thì bạn nên đến các cơ sở uy tín, có chuyên môn về ung thư như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội hoặc TP. HCM để được điều trị với các phương pháp hiện đại, tiên tiến.

Trân trọng.

Bạn em bị ung thư đại trực tràng di căn xuống phổi, đã truyền xong hóa chất và giờ vẫn phải uống thêm hóa chất khô vì chỉ số vẫn còn trên trăm. Trường hợp của bạn em ngoài phác đồ thuốc của bác sĩ nên ăn uống như thế nào để sức khỏe tiến triển tốt hơn?

Hoàng Lê, 28 tuổi

TS.BS Vũ Hữu Khiêm

Chào em!

Rất tiếc là bạn em phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, di căn phổi rồi nên việc điều trị có phần khó khăn hơn.

Về chế độ ăn uống, nói chung các bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa thì đều cần tăng cường dinh dưỡng, dùng thức ăn dễ hấp thu, giàu vitamin, giàu protein. Mục tiêu là để giữ được thể trạng ổn định, giữ sức khỏe thì mới tiếp thu được điều trị hóa chất. Chúng ta biết rằng điều trị hóa chất bên cạnh tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư thì cũng có tác dụng phụ lên các tế bào lành. Chính vì vậy, chúng ta phải đủ sức khỏe thì mới có thể chịu đựng được.

Không như các phương pháp điều trị không chính thống ngày trước, hay sử dụng phương pháp bỏ đói – tức là không ăn uống gì, dẫn đến tình trạng bệnh nhân không đủ dinh dưỡng. Thậm chí, có các trường hợp đến bệnh viện chúng tôi trong tình trạng suy kiệt. Bệnh nhân không chết vì ung thư mà chết vì đói, vì suy kiệt.

Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, giàu protein. Bạn em nên chia ra ăn nhiều lần, từ 6 - 8 bữa mỗi ngày, không ăn các thức ăn khó tiêu hóa như các thực phẩm quá cứng, khó tiêu hóa, dễ gây các tình trạng tắc ruột.

Trân trọng!

Gần đây, cháu bị đắng miệng cả ngày và đêm, rõ nhất vào ban đêm khi thức giấc. Cháu không bị đau dạ dày mà chỉ bị đau khớp bả vai đó chấn thương. Cổ họng thỉnh thoảng có đờm, bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu.

Nguyễn Huynh, 29 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Chào bạn!

Bạn có triệu chứng đắng miệng như vậy thường do một số nguyên nhân sau: viêm họng, viêm nướu răng... niêm mạc vùng miệng hầu họng lưỡi bị thương tổn có thể làm thay đổi vị giác. Các bệnh lý ở gan và thực quản dạ dày cũng thường gây cảm giác đắng miệng như vậy! Không rõ bạn có hút thuốc lá hay không, nếu có nên bỏ, có thể do thuốc lá gây ra nữa! Bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hoá và tai mũi họng, để sớm tìm ra bệnh điều trị sớm nhé!

Thân chào!

Mẹ em bị ung thư dạ dày, đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày cách đây 5 năm. Cách đây 5 tháng, bà đi khám thì bị di căn ung thư trực tràng. Bà đã phẫu thuật cắt bỏ hậu môn, sử dụng hậu môn nhân tạo và chung sống suốt đời với hậu môn nhân tạo.

Em muốn hỏi bác sĩ, với việc ...

Tuệ Diễm, 32 tuổi

TS.BS Trần Hải Bình

Chào bạn!

Với trường hợp của mẹ bạn, bà nên có chế độ ăn dinh dưỡng đầy đủ, giàu calo, protein, bổ sung thêm canxi, vitamin. Bên cạnh đó, mẹ bạn cũng nên tuân theo chế độ ăn mềm, chia thành nhiều bữa nhỏ, có thể ăn từ 6 – 8 bữa/ngày. Trong chế độ ăn không nên ăn quá nhiều chất xơ, nên ăn những thực phẩm ít chất xơ. Ví dụ: ăn rau củ/hoa quả thì bỏ vỏ, bỏ thân để giảm lượng chất xơ trong chế độ ăn.

Ngoài ra, bà cũng nên kiêng các thực phẩm có hại, gây kích thích đường tiêu hóa như rượu, bia, cà phê, trà đặc, đồ ăn lên men, muối dưa... Bà nên uống thêm nước hoa quả để bổ sung vitamin, không nên kiêng thái quá các thực phẩm như lời đồn trong dân gian, vì giảm tình trạng dinh dưỡng thì có thể giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Bà cũng nên có chế độ tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày, duy trì lối sống lạc quan, yêu đời. Những yếu tố đó có thể giúp cho hệ miễn dịch và sức khỏe của bà ổn định, giảm nguy cơ tái phát bệnh và có thể sống lâu cùng con cháu.

Chúc mẹ bạn luôn lạc quan và khỏe mạnh!

Em là nam, 45 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản, thường xuyên chịu áp lực công việc và sử dụng bia rượu ngoại giao. Từ ngày mắc ung thư dạ dày, em phải cắt bỏ 2/3 dạ dày và đã điều chỉnh lối sống, từ bỏ rượu bia, ăn uống tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, gần đây, khi đi nội soi, em ...

Minh Khang, 45 tuổi

TS.BS Trần Hải Bình

Chào anh!

Anh có tiền sử ung thư dạ dày và đã được điều trị. Sau đó, anh đã thay đổi lối sống và có chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Đó cũng là những yếu tố tích cực giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh. Gần đây anh đi nội soi thì có phát hiện một số polyp đại tràng. Polyp đại tràng là các tổn thương lành tính trong đại tràng.

Có một tỷ lệ nhỏ các polyp có thể có nguy cơ biến thành ác tính. Tuy nhiên, với việc đi khám, kiểm tra định kỳ, nội soi đại tràng thường xuyên, các bác sĩ có thể phát hiện sớm, cắt bỏ những polyp, đặc biệt là các polyp nghi ngờ bằng hệ thống nội soi hiện đại (như ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh). Anh có thể phòng ngừa, tầm soát và kiểm soát hoàn toàn được nguy cơ hình thành ung thư đại tràng của mình.

Chúc anh nhiều sức khỏe!